Phi vụ thách cưới

(Dân trí) - Thuở tôi đi học, bố chặt phập con dao bầu vào cột nhà tuyên bố: “Đứa nào yêu đương nhăng nhít, bỏ bê học hành, tao chém bỏ, không tha”. Tôi rùng mình, từ chối hết tâm chân tình của mấy cậu cùng lớp.

Thế rồi, cuối cùng lại có một người khiến tôi “to gan bất chợt”. Có lẽ trong gần năm chục bạn nam, tôi sẽ chẳng để ý đến Trung nếu không có tính hài hước của cậu ấy. Trung luôn là cây gây cười của lớp.

 

Chuông ra chơi, thầy vẫn miệt mài lật sách tính giảng tiếp. Mọi người sốt ruột muốn nghỉ, có đứa bạo dạn véo von: “Thưa thầy em đã thuộc bài học sáng nay...”. Không ăn thua, Trung đành bâng quơ: “Thấp thoáng đâu đây bóng ai ra”. Thầy liền ngẩng đầu lên, nhìn ra cửa và giật mình: “Ừ, hết giờ hả, các em giải lao”. Cả lớp rú lên sung sướng.

 

“Thưa thầy, em không hiểu ý bạn Huân là gì. Xin thầy cho bạn điểm không vì tội nói càn”/ “Tuấn không chép bài, để yên tớ chép nhé!”. Thầy giáo vội dương mục kỉnh lên: “Tuấn đưa vở thầy xem, sao không chép bài? - “Thưa thầy, em chép đủ”. “Ừ nhỉ! Thế ai vừa bảo không chép?”. Tiếng Trung liến thoáng: “Chắc bọn trẻ lang thang, cơ nhỡ phía ngoài”. Cả lớp ôm bụng cười. Thầy giáo cũng cười cho qua.  

 

Biết tôi cùng quê, Trung rủ: “Hay đằng ấy đi về cùng tớ cho vui. Tiện đường, vừa đỡ tốn xăng, khỏi hao mòn xe. Lại nhàn tấm thân. Sướng nhé! Đấy, tính tớ thương người là thế!”. Rồi cậu cười nói líu lo. Tôi nghe mà bỗng nhớ đến lời dụ dỗ của ông bà Nghị Quế năm nào nói với chị Dậu, xen đâu đây cả lời Chí Phèo tỏ tình cùng Thị Nở, rất hóm hỉnh và bùi tai bèn về theo xe Trung.

 

Trung gọi con ngựa sắt của cậu là con “Tàu ghẻ”. Hồi mới nghe tôi còn thắc mắc, sau nhìn và ngồi lên nó thì tôi nghiệm ra không còn từ nào “đắt” hơn để dành tặng nó nữa cả. Chiếc xe đó như một con ngan già yêu đời, vừa đi vừa hát, kêu phành phạch khiến chúng tôi có muốn nói chuyện cũng khó. Thôi thì sinh viên, có cái phương tiện mà về thăm thầy u là quý rồi, kêu ca làm chi.  

 

Lần đầu về, thấy tôi mẹ mừng rỡ chạy ra, mang theo ít tiền lẻ trả xe ôm. Trung ngượng nghịu rồi nhanh trí đùa: “Cháu xin bát cơm đã”. Tôi vội vàng giới thiệu.

 

Ra trường xin được việc, khi đó Trung mới dám có lời xin phép người lớn được qua lại tiến xa hơn. Bố tôi dường như thích Trung là xe ôm tình nguyện hơn thì phải, nom mặt bố âu lo dữ lắm. Hôm sau bố mới tươi tỉnh, gọi cả hai đến: “Hai đứa thương nhau, tao chả cấm. Thôi, nhà thằng Trung biện mấy lễ sang, đặt ít tiền gọi là dẫn cưới cho nó mát mặt với xóm giềng. Đây là số tiền cần có”.

 

Hai đứa căng mắt nhìn tờ giấy tí hon với hàng số li nhi bố đưa và kêu “Oái!” một tiếng thất đảm. Rồi cùng đồng thanh: "Bảy số không".  Đó hẳn là con số bố tôi nhặt ra từ giấc mơ hão huyền nào đó. Tôi thảng thốt quay sang thấy Trung lắp bắp, liền nước mắt đầm đìa vừa chạy vào nhà trong vừa buông câu tức tưởi: “Con gái bố được giá quá!”. Bố tôi càu nhàu: “Hay vẫn còn ít?”. Thấy mẹ tôi bảo Trung lẩm bẩm gì đó như là: “Chục cây với vài cây, sẽ bán hết, bán sạch…” rồi liến thoáng chào về, nói để bàn với bố mẹ.

 

Tôi chán nản, bố thì hả hê tựa một phi vụ làm ăn sắp thành công đang ngồi nhẩm tính lãi lỗ: “Xem nào, số tiền thu được chia cho giá thóc hiện tại, được bây nhiêu tấn, một đứa là thế, ba đứa con gái sẽ được cả thảy là... Trời ơi, phát tài rồi”.

 

Bố tôi đang mơ màng đến cảnh phải xây chồng ba tầng nhà lên để chứa thóc thì được mẹ tôi huých cho một cái rơi cộp về thực tại là ngôi nhà lá ba gian, lụp xụp: “Thế nào, có gả không?”. Bố tôi gắt gỏng: “Nhà nó có tiền thì gả ngay chứ để ở đây làm mắm à? Nếu không đừng hòng, công bao năm nuôi nó ăn học, không lẽ bỗng dưng con cá rán lại nhảy đến chỗ con mèo mù. Thằng đó, người đâu vừa xấu vừa xa, đã văn hoá kém còn cha mẹ nghèo, không lấy nó thì lấy đứa khác. Mà con kia nữa. Muối không ăn cá, muối ươn đấy!”.

 

Mẹ tôi thẽ thọt: “Ông cứ nói nhầm ngược thế người ta sẽ hiểu, đã không biết còn cứ hay nói chữ”. Bố vằn mắt: “Bà kệ tôi, đâu ra cái kiểu, cứ vạch lưng cho người xem áo?”. Mẹ im lặng, bỏ ra vườn cuốc đất.  

 

Hôm sau Trung triệu cả bố đến để người lớn nói chuyện cho rõ. Hai đứa buồn bã đưa mắt nhìn nhau như ngầm trao gửi: “Dù có thế nào ta cũng vẫn mãi thuộc về nhau”. Bỗng chúng tôi trợn tròn mắt, hốt hoảng bởi nghe một tiếng kêu lên dữ dội: “Sao lại là mày?”.

 

Ngạc nhiên, hết nhìn hai ông bố lại nhìn nhau, tôi buột miệng hỏi: “Bạn học của bố ạ?”. Hỏi xong câu ấy tôi và Trung đều cúi gằm mặt, ngầm xấu hổ. Bố có đi học bao giờ đâu mà đòi có bạn. Từ bé đến cái tên mình còn chẳng biết ký... Rồi sau mới hiểu, họ là đồng ngũ. Thân nhau con chấy cắn đôi...

 

Câu chuyện có vẻ như đã dễ bàn hơn, bố tôi quên ngay cái vụ tiền dẫn cưới, thóc với nhà ba tầng, mọi việc đã được đề cập mang tính xây dựng. Mãi sau bố tôi chợt nhớ ra, hỏi: “Mày làm ăn cũng khá nhỉ? Hôm thấy thằng Trung bảo có chục cây, với vài cây...”.

 

Trung ú ớ: “Đâu ạ, lẩm bẩm lúc về ấy là cháu bảo mất chục cây số đi về, có vài cây bưởi đang ra sai quả, cháu sẽ bán hết luôn, lấy tiền cưới vợ”.

 

Thế rồi cùng thông cảm gia cảnh nhà nhau, hai gia đình chúng tôi đi đến thống nhất tổ chức đơn giản, tiết kiệm cùng vui vẻ để đôi bạn trẻ đón nhau về. Hạnh phúc trong tầm tay với!

 

Nguyễn Thị Kim Thoa