Phận “cục cưng” của vợ

“Nay anh ăn món gì đấy? Có thèm cũng không được ăn cà muối đâu nhé, độc lắm. Đang có dịch lợn tai xanh nên anh cũng gạch sổ luôn món thịt lợn đi, mang bệnh vào thân thì khổ”.

 
Phận “cục cưng” của vợ - 1


Vừa về đến cổng, anh Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) đã được vợ chạy lại đon đả đỡ cái cặp sách trên tay. Sau đó là cả một “màn” chăm sóc chồng chu đáo. Miệng chị Lan dồn dập hỏi chồng: “Nay anh có mệt không? Công việc tốt chứ? Nay gặp gỡ với những ai?”…

 

Chưa kịp để chồng trả lời, chị Lan lại tiếp tục công việc của một người vợ đảm. Tay chị cầm cái khăn lau mồ hôi trên mặt và trán của chồng rồi kéo tay chồng ngồi vào ghế, trước cái quạt máy đang quay vù vù cho mát.

 

Sau đó chị Lan chạy đi bê chậu nước ấm đã chuẩn bị từ trước để rửa mặt cho chồng. Xong xuôi, chị tiện tay vớ cái điều khiển bấm vô tuyến để chồng nghỉ mười phút trước khi vào tắm.

 

Hôm nào cũng vậy, anh Hòa chỉ cần bước vào nhà tắm là đã có quần áo vợ chuẩn bị sẵn rồi. Bước chân ra thì mâm cơm ngon lành đã được bày biện chỉn chu.

 

Ăn tối xong, vợ lại tất tả rửa bát, rồi giặt giũ quần áo, khi nghỉ tay thì cũng chừng 9 giờ tối. Mệt mỏi và uể oải mà chị Lan vẫn cố gắng cười tươi, có những lúc anh Hòa thấy vợ cười méo xệch.

 

Anh góp ý với vợ hãy để anh tự tay làm nhưng chị Lan nhất quyết không chịu. Chị còn khóc sướt mướt cho rằng chồng đang phũ phàng phủi công lao của chị.

 

Anh Hòa không thể chê vợ được điều gì, chuyện cơ quan cho đến chuyện gia đình, cơm nước lúc nào cũng chu tất. Không phải động tay vào việc gì, anh Hòa nghiễm nhiên được vợ cung phụng.

 

Đó là những ngày bình thường, dù muốn dù không anh Hòa vẫn phải để vợ chăm bẵm. Nếu tỏ thái độ thì vợ sẽ giận dỗi, rồi bị vợ kết tội là không biết điều.

 

Nhưng ngày có khách, chị Lan càng cố tỏ ra là người vợ yêu chồng. Thế là ngoài những “màn diễn” thường nhật, chị còn “bồi” thêm cho chồng những cử chỉ quan tâm đặc biệt khác.

 

Tay chị làm cho chồng, miệng chị hết lời nựng nịu chồng. Tự nhiên một trưởng phòng như trong mắt nhân viên lại trở thành cục cưng, hay cậu ấm của vợ, hiểu thế nào cũng được.

 

Điện thoại di động của chồng reo, chị Lan tíu tít chạy đi lấy đưa cho chồng, mà là đưa hai tay hẳn hoi. Hôm ấy, anh Hòa được một “mẻ” sượng sùng với cánh nhân viên, đồng nghiệp.

 

Thường thì buổi sáng, trong khi chồng còn đang nằm trên giường, chị Lan đã dậy rõ sớm để lo nấu bữa sáng. Chồng vào nhà tắm đã được vợ chuẩn bị kem đánh răng sẵn sàng, vào thay đồ thì quần này mặc với áo kia đã được vợ “lựa” từ trước.

 

Anh Hòa ăn sáng xong, đến ngụm nước uống cũng được vợ dâng lên tận miệng. Ra sân là vợ đã kéo xe máy sẵn sàng cùng chiếc mũ bảo hiểm. Nhiều hôm chồng phải tiếp khách, trước đó chị đã lo đánh giày cho chồng bóng loáng, rồi so đo mân mê trước tủ quần áo của chồng hàng tiếng đồng hồ để chọn lựa chồng sẽ mặc bộ nào cho phù hợp.

 

Đến cái xe máy của chồng mà chị Lan cũng thường xuyên đem ra quán rửa. Chị còn nhắc nhở chồng đi đứng cho cẩn thận. Anh Hòa đến cơ quan lúc nào thì phải nhắn một cái tin cho vợ lúc ấy để chị yên tâm. Nếu anh có về muộn thì càng không được phép quên gọi về cho vợ để biết chừng khỏi chờ cơm.

 

Chồng hơi ho hắng một chút thôi là chị chạy thuốc thang như một đứa trẻ, mới chóng mặt đã lo bắt gió.

 

Anh Hòa thấy mệt mỏi thực sự. Ngày anh còn bé, mẹ anh còn chưa bao giờ quan tâm chu đáo đến từng bữa ăn, giấc ngủ như thế. Từ chu đáo chuyển sang bó buộc, nhất nhất phải theo ý vợ nên anh càng thấy ngột ngạt hơn.

 

Anh Bình (Ba Đình, Hà Nội) cũng khốn khổ vì được vợ chiều. Trong mắt chị Linh, vợ anh, thì chồng vẫn còn là đứa trẻ, lớn người nhưng “non tính”.

 

Thi thoảng, chị Linh lại âu yếm gọi chồng là “cưng của em ơi” hay “cậu ấm à, làm hộ em cái này” khiến đứa con nhỏ cứ tròn xoe mắt nhìn.

 

Những lời vồn vã của chị Linh dành cho chồng còn tăng lên theo cấp số nhân nếu có bạn bè hay anh em bên nhà chồng đến chơi. Được mọi người khen là người may mắn mà anh Bình chỉ biết cười trừ: “Thì được cái cô ấy cũng quan tâm”. Nhưng hai chữ quan tâm kia lại khiến anh Bình thấy túng bấn, khổ sở.

 

Hôm có bạn bè chồng, chị Linh cố gắng tỏ ra chu đáo hơn. Trong bữa ăn, trong khi không khí ăn uống đang vui vẻ, khách khứa đang trò chuyện, chị Linh bỗng quay sang hỏi dồn chồng: “Anh ăn có ngon miệng không? Món này anh thích nên em nấu cho anh ăn đấy, anh ăn nhiều chút nhé, để em gắp cho”.

 

Khách khứa tần ngần nhìn nhau mỉm cười, anh Bình vội chuyển đề tài để chữa ngượng.

 

Quá mệt với kiểu quan tâm của vợ, anh Bình bắt đầu tỏ thái độ. Chị Linh chạy lại trước mặt chồng: “Anh thái độ với em đấy à? Em quan tâm đến anh thế, biết vậy thì em thèm vào”.

 

Anh Bình thủng thẳng đáp: “Anh là chồng chứ không phải là đứa trẻ, em phải nhớ điều đó chứ”. Thế là chị Linh được nước khóc lóc nghĩ chồng hết yêu mình, nếu không tại sao lại phản ứng như thế? Vợ chồng bắt đầu cãi vã liên miên.

 

Theo Hàn Nguyệt

Eva.vn