Phải làm gì khi vợ không thèm nói chuyện với chồng?

Quỳnh Lâm

(Dân trí) - Nhiều người đàn ông phản ứng lại bằng cách tức giận, bắt chước sự im lặng đó. Nhưng nó chỉ thể hiện sự yếu kém trong giao tiếp và làm vấn đề ngày càng tồi tệ hơn.

Khi một người phụ nữ trở nên im lặng, bạn cảm thấy như mọi lời nói của mình đều bị bỏ ngoài tai. Cô ấy bắt đầu không liên lạc, tương tác với bạn trên mạng xã hội hoặc hiếm khi trả lời câu hỏi của bạn. Điều này dẫn đến sự thất vọng, lo lắng.

Dưới đây là một số cách giúp bạn xử lý tình huống này:

1. Cho cô ấy thời gian

Thời gian có thể chữa lành nỗi đau tinh thần. Cô ấy cần có thời gian để hiểu chuyện gì đã xảy ra và sắp xếp lại suy nghĩ của mình. Quan trọng là sau đó bạn phải kết nối lại với cô ấy.

2. Bình tĩnh

Thay vì ngay lập tức "trả đũa" vợ, hãy nhớ rằng việc im lặng với ai đó có thể khiến họ buồn, tức giận. Đừng để cảm xúc nhất thời kiểm soát bạn. Hãy coi sự im lặng này như cơ hội để suy nghĩ logic, hợp lý hơn.

Phải làm gì khi vợ không thèm nói chuyện với chồng? - 1
Khi cô ấy đột nhiên im lặng, thay vì tức giận, hãy cho cô ấy thời và không gian để suy nghĩ. (Ảnh minh họa: WF).

3. Tìm hiểu lý do

Hãy suy nghĩ về những tương tác gần đây của bạn với vợ và đánh giá từ quan điểm của cô ấy. Nếu không thể xác định lý do, bạn nên tìm lời khuyên từ một người phụ nữ khác. Quan trọng nhất, thay vì đối đầu, bạn nên hỏi trực tiếp cô ấy để biết vấn đề là gì.

4. Đừng thu hút sự chú ý của cô ấy

Đừng sử dụng cách im lặng để được cô ấy chú ý ngược lại. Khi bạn cố gắng giao tiếp mà chỉ nhận được phản hồi tiêu cực, bạn không nên bận tâm thêm. Nếu điều này xảy ra nhiều lần, bỏ đi và ưu tiên lòng tự trọng của bạn là lựa chọn khôn ngoan.

5. Đừng van xin

Đừng kiên trì nhắn tin, gọi điện cho người cố tình cắt đứt liên lạc với bạn. Thay vì van xin hay chứng minh điều gì, hãy tôn trọng mong muốn và cho cô ấy thêm không gian.

6. Xin lỗi chân thành

Bước đầu tiên để giải quyết xung đột là bạn phải hiểu mình đã gây tổn thương vợ như thế nào. Tuy nhiên, hiểu thôi chưa đủ, bạn cần xin lỗi chân thành. Không chỉ nói hai tiếng "xin lỗi", bạn phải giải thích, chịu trách nhiệm và thừa nhận hành động của mình với vợ.

7. Tiếp cận vài lần

Đừng từ bỏ cô ấy ngay lập tức. Bạn nên nỗ lực giao tiếp và giải quyết vấn đề. Nếu sau nhiều lần vợ vẫn phớt lờ, từ chối bạn, lúc đó mới tôn trọng quyết định của cô ấy.

8. Cải thiện cách giao tiếp

Hãy bày tỏ quan điểm của mình mà không bắt cô ấy phải nói. Quá trình này có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Điều quan trọng là vợ cảm thấy sự thay đổi, quan tâm ở bạn.