Nỗi đau trên dòng sông

(Dân trí) - Không hiểu vì sao và từ bao giờ con sông này có tên là Hiền Lương? Có người bảo nó bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua làng Minh Lương ở hạ du nhưng vì kiêng tên húy của vua Minh Mạng nên gọi chệch là Hiền Lương, với ước vọng dòng sông hiền hòa tưới tắm cho mảnh đất quá khắc nghiệt vì thiên tai này.

Ai ngờ nó trở thành nỗi đau chia cắt suốt hơn hai mươi năm và không ít lần cuộn lên những cơn sóng dữ.

Lễ thượng cờ trên dòng Hiền Lương nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước.

Lễ thượng cờ trên dòng Hiền Lương nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước.


Hồi xưa ông Trân còn sống, gần đến ngày ba mươi tháng tư ông lại lọc cọc xe đạp, hương hoa, đồ lễ ra bờ sông viếng mộ bà, ông thường rủ tôi đi theo, khoái nhất là được ngồi xe đạp, mỗi lần đổ dốc trong người trào lên cảm giác nao nao ngờm ngợp…

Dọc đường ông thường rủ rỉ kể chuyện ngày xưa, những câu chuyện ông kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần, hình như người già họ sợ cô đơn thì phải. Các cô chú con ông thoát ly đi làm xa, thi thoảng lễ, Tết họ mới về đáo qua nhà, vừa về là sà ngay vào bàn nhậu với đám bạn, đủ chuyện làm ăn, anh này vừa lên tám mốt đời chót anh kia mua nhà thị xã rồi, những chuyện buôn gian bán lận, chạy chức chạy quyền, độc ngôn ngữ dân chợ búa nên cụ không thích. Sợ các con mất vui cụ nén tiếng thở dài bỏ đi nằm. Ông cô độc trong căn nhà rộng thênh thang, thi thoảng có vài cụ trong tổ hưu đến uống trà, hút thuốc ông mừng lắm. Những lúc ấy cặp mắt ông sáng lên, những kỷ niệm hào hùng một thời trai trẻ như hiện về… Ngặt nỗi họ còn phải đi làm kiếm sống mấy ai được nhàn nhã như ông, lũ trẻ con chúng tôi trở thành người bạn tâm tình cho ông trút bầu tâm sự, chả hiểu gì chuyện người lớn nhưng chơi với ông thường được ông cho kẹo, toàn kẹo ngon…

Ra đến mộ tôi giúp ông đốt nhang, hóa vàng nhìn ông khấn vái chờ phá cỗ. Không hiểu ông khấn vái kiểu gì mà lâu thế? Hình như bao nỗi buồn vui trần thế ông dành hết ra tâm sự với bà. Dưới nắng Hè nhìn mấy cái bánh như tan chảy mà tứa nước bọt.

Ông kể, ngày xưa, chỗ bà đang nằm đây là những rặng tre râm mát, có bến đò qua sông nhưng từ khi Mỹ - Diệm lập bốt cảnh sát đầu cầu giới tuyến bến đò chìm dần vào quên lãng, rặng tre chỉ còn là chỗ cho bọn trẻ con chơi bi, đánh đáo, chiều về tất thảy bà con tụ tập về vừa hóng gió vừa nghe Đài truyền thanh giới tuyến bên bờ Bắc phát tin chiến sự, vui lắm! Một không khí bình yên hiếm hoi ở bờ Nam sông Bến Hải trong những ngày bọn địch tố Cộng tàn khốc…

Năm sáu tư Gio An giải phóng, sự kiện làm nức lòng quân dân cả nước. Hệ thống chính quyền của địch sụp đổ đã tạo điều kiện cho đồng bào giới tuyến đứng lên đấu tranh phá ấp, diệt kìm. Địch ra sức xây dựng và củng cố các Chi khu quân sự, hệ thống trại tập trung từ Tân Tường đến Quán Ngang, sử dụng hệ thống hỏa lực cực mạnh như bom xăng, bom napan, pháo hạm từ Hạm đội 7 hủy diệt một cách tàn bạo và dã man khu bờ Nam, dồn dân vào trại tập trung với mưu đồ “tát nước bắt cá”. Năm sáu bảy trung ương có lệnh sơ tán đồng bào vùng giới tuyến ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa.

Ông ngừng kể, cặp mắt đỏ hoe nhoen nước, những nếp nhăn trên gương mặt già nua khắc khổ như xô lại, ký ức buồn của một thời hiện về: Đó là một ngày hè oi ả, không khí sực một mùi thuốc súng. Cả đoàn người chờ suốt đêm để vượt sông nhưng người chèo đò đã bị bom chết, gần sáng thì có lệnh vượt sông, cả đoàn người bì bõm đến giữa dòng thì AD6 và trực thăng ập đến, những loạt đạn rốc két, mười bốn ly năm xả xuống mặt sông như vãi cát. Tiếng kêu la thảm thiết của đoàn người bất hạnh xen giữa tiếng gào thét của bầy ác thú giặc trời… Dòng sông như nghẽn lại, xác người la liệt, con sông hiền hòa giờ như con quái vật cuộn lên những cơn sóng dữ, những cánh tay chới với trong vô vọng, mặt sông giãn ra rộng ngoác…

Chôn cất bà xong ông phải nuốt nước mắt vào trong quay về bám trụ chiến đấu, tiếng là vợ chồng nhưng đâu đã trọn một ngày, ông đi biền biệt. Giờ đây cuộc sống đã yên hàn, tương đối đầy đủ về vật chất ông thấy thương bà vô hạn, mỗi năm dù bận bịu đến mấy ông cũng phải ra viếng mộ bà ba lần, ngày bà mất, ngày Tết và ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc…

Ông cụ Trân đã đi xa, ở cõi vĩnh hằng chắc ông bà đã được đoàn tụ. Thăm lại bến sông xưa bỗng nhớ ông quá đỗi. Mùa này nước cạn nên dòng sông chỉ phẳng lặng, lượn lờ như cái tên Hiền Lương của nó. Xa xa lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh kỳ đài giữa chiều Hè lộng gió, yên ả, thanh bình quá. Cũng phải thôi, dòng sông nuốt trọn vào lòng nỗi đau giằng xé của dân tộc, cuốn phăng ra biển cả những tham vọng cường quyền thì cuộc sống lại thanh bình như vốn dĩ đã có. Nhưng cái giá của hòa bình sao đắt và đau thương thế, hình như mỗi tấc đất mình đang đứng đều thấm đẫm máu đào của bao thế hệ. Lại tự cười mình bỗng dưng nhớ chuyện đâu đâu….

Đình Dũng