Những ông chồng sống chung với lũ...lụt

Khi tiếng thút thít cất lên, chẳng người đàn ông nào cầm lòng cho đậu. Đàn bà hiểu sức mạnh của mình và sử dụng nó để “khuất phục” nửa kia của thế giới. Cũng là giọt nước mắt nhưng sức mạnh sẽ giảm dần nếu số lượng của nó tăng lên.

 
Những ông chồng sống chung với lũ...lụt - 1


Buồn buồn nằm khóc cho vui

 

Kết hôn được 5 năm, đã có hai mặt con nhưng chị Thủy Nhung vẫn có thói quen hay làm nũng chồng. Nhiều hôm con cái ngủ sớm, hai vợ chồng rảnh rỗi. Anh chồng thấy buổi tối thực sự thư giãn với không gian vắng lặng. Không còn tiếng bọn trẻ nô đùa, la hét và tranh giành đồ chơi oai oái. Không còn tiếng mẹ chúng la hét, quát nạt. Lâu lắm rồi mới có thời gian thư thái để cầm đến cuốn sách, anh chồng ôm sách ngồi góc ghế chăm chăm đọc. Vợ đi ra, đi vào, muốn vợ chồng thư giãn ngồi tâm tình mà đánh tiếng đôi lần, anh vẫn mải đọc, chỉ ừ hữ cho qua quýt. Ngồi nghĩ miên man, sao ngày xưa yêu nhau cả ngày không chán. Giờ chắc chán vợ lắm rồi nên mới ôm sách ngồi riêng thế chứ.

 

Nghĩ tới nghĩ lui, chị tủi thân, quay ra nước mắt ngắn, nước mắt dài, một mình lên giường nằm ôm gối khóc rấm rứt. Khóc một lúc, chẳng thấy chồng động tĩnh gì. E rằng hắn ở tận dưới nhà thì làm sao nghe thấy, thế là chị hự hự to hơn, sụt sịt, rồi xì mũi ầm ĩ, xả nước lau mặt rộn ràng cả nhà tắm. Đến nước này thì anh chồng, dù nhập tâm sách vở đến mấy, cũng phát hiện tình hình có vẻ bất thường.

 

Chạy lên ngó vợ, thấy mắt mũi nhòe nhoẹt nước mà chả hiểu lí do đột xuất gì; kiểm điểm lại lỗi lầm của mình từ sáng đến tối, vẫn chẳng có gì bất thường, chồng ngơ ngác hỏi. Vợ dằn dỗi, còn không biết mà phải hỏi. Giá lúc đó có ai uyên bác mà chỉ được cho chồng lí do vợ khóc thì có các vàng chồng cũng chịu. Nhưng chỉ có anh và ả ở chung nhà. Do đó, chồng đành cố công năn nỉ ỉ ôi để vợ “nhả” cho vài chữ vàng ngọc, nhằm rút kinh nghiệm.

 

Ra vẻ quan trọng một hồi, rồi vợ cũng thỏ thẻ: “Ai bảo anh bỏ rơi em, không quan tâm, đoái hoài gì đến vợ”. Chồng ngẩn ngơ, hóa ra đọc sách cũng mắc tội bỏ rơi vợ con. Dỗ vợ nín mà lòng còn ấm ức, đáng ra cả hai vợ chồng có buổi tối yên tĩnh để thư giãn thì lại thành ra sóng gió không đâu. Đúng là đàn bà, mưa nắng bất kì.

 

“Đánh” chồng xong... ăn vạ

 

Sáng nào vợ chồng anh Thái, chị Dung cũng phải dậy sớm đưa con đi học mẫu giáo. 8 giờ 30 là trường con đóng cửa mà 8 giờ gọi mãi chồng chả chịu dậy. Sẵn thói đành hanh, chị cứ lấy chân đá chồng. Ông chồng vốn tính chây ỳ, vợ đá mặc vợ, vẫn nhất quyết không dậy. Vợ thì càng gọi càng bực, càng đạp chồng tợn. Lúc đang buồn ngủ lại bị đá đau, anh chồng hiền lành tiện chân đạp lại vợ một phát. Cũng chả đau lắm nhưng chị vợ đang cơn tức, nhân tiện bị chồng đá nên quay ra ăn vạ.

 

Chị nằm sụp xuống giường, ôm chân khóc hứt hứt, cứ quay lưng với chồng mà khóc. Khóc chán mà chẳng thấy chồng quay lại dỗ dành như mọi bận, chị nín thở, khe khẽ quay lại ngó trộm. Hóa ra, lão ngủ khì từ đời tám hoánh. Giận lắm mà chả làm sao được, chị đành ngúng nguẩy đi rửa mặt và tự đưa con đi học. Đến cơ quan, chị vẫn còn ấm ức vì hôm nay bị chồng bạo lực, sau khi đã đá chồng chục cái.

 

Giọt lệ không đài trang

 

Ngày mới quen, nhiều anh chàng “xin chết” khi đã được chiêm ngưỡng những “giọt sương trên mi mắt” của người mình yêu. Thế nhưng, những giọt lệ ấy theo năm tháng trở nên hết...”kỳ quan” bởi các ông chồng thốt ra: “Trời ạ! Gì cũng khóc, ai mà chịu nổi”.

 

Ông Lê Thanh Dũng, một nha sĩ, gửi một đoạn nhật kí về chủ đề rất “ướt” mà lại làm trái tim các ông chồng phát sốt:

 

“Ngày mới quen, anh luôn ấn tượng khi em hay khóc. Đó là lúc em chứng kiến sự bất hạnh của ai đó. Đôi khi, một chiếc lá lìa cành cũng làm em rưng rưng. Anh nghĩ em là người nhân hậu. Đó là lí do anh yêu và cưới em về làm vợ.

 

Rồi năm tháng trôi qua, vai anh mỏi nhừ và ướt nhẹp vì nước mắt của em. Anh đã không lường hết mọi tình huống làm em rơi nước mắt. Ngày đó, mỗi lần em khóc, anh thấy “rung rinh” bao nhiêu thì giờ đây anh lại cảm thấy kinh hoàng như bị khủng bố bấy nhiêu.

 

Phải nói em thật đặc biệt, bởi bất cứ lúc nào em cũng có thể khóc. Anh đi làm về muộn, dù đã gọi điện báo trước và có lý do chính đáng, vậy mà khi về đến nhà, vừa nhìn thấy anh, em bỗng tức tưởi. Anh gặng hỏi mãi, em mới nói rằng em thấy cô đơn mỗi khi hoàng hôn buông nắng nhạt. Anh phát bực với cái lý do khóc rất “sến” này của em nhưng may mắn làm sao, anh kiềm chế lại được và vỗ về, an ủi. Nào ngờ đâu, em lại càng khóc to hơn với lý do anh đã làm cho em quá xúc động.

 

Tụi mình chỉ có bữa cơm tối mới hay được ăn cùng nhau vì buổi trưa hai đứa ăn cơm ở cơ quan, để đỡ tốn tiền xăng. Vào bữa cơm, anh gắp ít thức ăn, em cũng thút thít nghẹn ngào: “Sao anh lại chê đồ ăn em làm”. Buổi sáng, trước khi đi làm, anh quên không chào tạm biệt, em lại rưng rưng: “Sao anh thờ ơ thế. Phải chăng tình cảm anh dành cho em đã phai nhạt rồi”. Buổi trưa, anh quên không nhắn tin hỏi thăm em “cơm nước thế nào”, em cũng gọi điện cho anh, sụt sùi: “Sao anh vô tâm với vợ thế?”. Buổi tối, anh không cùng em xem mấy bộ phim tình cảm dài tập, em khóc hờn cả đêm, dằn vặt: “Anh không muốn chia sẻ cuộc đời với em. Anh có bồ rồi à?”...

 

Tóm lại, sau ngày cưới nhau đến giờ, ngày nào em cũng khóc ít nhất một lần, mà toàn khóc vì những lí do hết sức trẻ con. Điều đó làm anh hoang mang trong tổ ấm. Sau một hồi nghiên cứu, anh mới hiểu được “thâm ý” của em. Em khóc để khống chế anh, để anh phải về sớm, phải ăn cơm nhà, phải gọi điện, nhắn tin cho em khi đi công tác xa...Nếu muốn vậy, sao em không nói thẳng với anh? Em biết nói từ lúc lên ba cơ mà! Anh chỉ còn biết nuôi dưỡng hy vọng rằng dần dần em sẽ “già đi”, sẽ đổi thay, cụ thể là khô cạn bớt nước...mắt để dành năng lượng vào việc chăm sóc gia đình”.

 

Tất nhiên, sau khi đọc xong nhật kí của chồng, bà vợ khóc thảm thiết, nhòe cả mấy trang sau.

 

Vì thế, cuốn sổ nhật ký của ông trở nên lem luốc, thê thảm lắm, toàn nước mắt, nước mũi của bà vợ trẻ. Thì ban đầu, mới quen, anh nào cũng thấy “giọt lệ đài trang”, lúc về với nhau mới ngậm ngùi chấp nhận cảnh “sống chung với lũ… lụt”.

 

Một ông chồng khác (xin giấu tịt tên) thổ lộ nỗi niềm: Sống với bà vợ “khóc không có định hướng”, tôi mới phát hiện ra cô ấy không cần phải có một lý do chính đáng hay không chính đáng. Thái độ của cô ấy khiến tôi phải nghiên cứu tâm sinh lý phụ nữ. Mà càng nghiên cứu, càng rối bung.

 

Ví dụ như tôi nghĩ có nhiều chuyện cô ấy phải khóc dữ lắm, thì mặt mày lại tỉnh queo, như mẹ chồng té trật chân, cô ấy lại trách, ai bảo mẹ đi tập thể dục vào lúc trời chưa sáng tỏ. Còn như con mèo bị ngộ độc chết, cô ấy khóc như mưa tầm tã ngày đêm. Có lần đi ăn đám cưới, vậy mà mắt vợ tôi đỏ hoe vì biết tin cô dâu đã có bầu.

 

Theo vợ tôi, vậy là đám cưới này chẳng có hạnh phúc, chắc là lấy nhau để hợp thức hóa cái bầu. May mà vợ tôi chỉ tâm sự sụt sùi “thương phận đàn bà” cho một mình tôi nghe. Đêm hôm đó, vợ tôi bỗng chuyển đề tài sang tôi: “Nếu hồi đó, em lỡ có bầu trước, anh có cưới em không?” Trời ơi! Ai mà biết cách xử lý chuyện không xảy ra. Nhưng tôi vẫn nói đại” “Cưới chứ!”. Tưởng đã yên thân, ai dè vợ tôi tiếp tục: “Chắc anh vì đứa con trong bụng hơn là vì em”. Thế là cô ấy thút thít cả đêm, phải ngồi dậy, ngửa cổ lên trời vì không thở được. Tệ nhất là mỗi lần ông chồng phạm lỗi, dù to hay nhỏ, bà vợ đều “đe doạ” sẽ li hôn trong tình trạng nước mắt lã chã.

 

Cuộc sống của hai vợ chồng ngày nào cũng ướt nhẹp nước mắt của bà xã, nên không khí trong nhà luôn có áp thấp nhiệt đới. Sau giờ làm việc, ông chồng phải đi nhậu, để khi về nhà, bà vợ buồn ngủ, không còn thời gian khóc. Khuôn mặt tràn nước mắt của bà vợ, mắt đỏ, mũi đỏ...không thể nào xinh đẹp được, dù một thời bà là hoa khôi của trường cấp ba. Ông chồng đã từng nâng niu trái tim đa cảm, dễ xúc động của vợ nhưng rồi chính bà làm cho ông cảm thấy mình bị vợ coi như cái... xô trút nước.

 

 

Theo Chung Nhi - Phước Chung

Đẹp