Nhà mình có thần đồng

(Dân trí) - Hôm ấy khi mẹ đề nghị bố đưa con đi chơi, bố nhún vai: “Ngại lắm, hốt người ngoài nghĩ con mình là thần đồng”.

 
Nhà mình có thần đồng


Đoạn bố đóng bộ dạng ngạc nhiên: “Giỏi thế! Hai tuổi mà đã biết tự xúc ăn, tự mặc quần áo, biết hát rồi biết đọc, biết đếm...”. Thật ra con đã ba tuổi nhưng “bé kẹo” như là mới lên hai.

 

Lúc đầu nghe bố nói thế mẹ cú lắm, nhưng nghĩ lại cũng thấy buồn cười. Biết cân nặng của con là nỗi ám ảnh của mẹ, nên bố hay tự trào phúng, giúp mẹ quên đi áp lực. Bố chỉ trêu chứ không nửa lời ca thán, trách móc. Bố luôn cùng mẹ gắng nấu nướng đầy đủ cho con ăn, đồng thời động viên mẹ rằng con hơi còi thật nhưng được cái nhanh nhẹn, chạy nhảy suốt ngày lại còn khá chăm chỉ và luôn biết làm bố mẹ vui nữa.

 

Hôm con vừa giơ tay chân vừa véo von “muốn khỏe đẹp thì hãy tập thể thao”, bố cứ xua tay: “Thôi bố xin, con hát bài đấy thì còn ai dám tập thể dục thể thao nữa”. Con nhìn mẹ cứ tủm tỉm cười.

 

Bố con hài hước từ nhỏ nên không lạ khi con bé tí đã hóm hỉnh, láu lỉnh ra trò. Thi thoảng lại gọi “mẹ ơi, con làm xiếc này” khi lấy hai cái chai nhựa chồng lên nhau, không rơi. Rồi con lại quắp hai cái chân vào với nhau như sợi dây thừng “mẹ nhìn xem, siêu chưa?”, có lúc con lại khoe “Con làm xấu, con giả vờ khóc, con ngạc nhiên này”, với đủ các trạng thái biểu cảm trên gương mặt.

 

Hôm mẹ đang quay vào khóa cổng, quay ra thấy thằng bé phụng phịu “Mẹ quên thơm con, mẹ chẳng yêu con” làm mẹ đến cơ quan vẫn còn cười khùng khục, nhắn tin cho bố “Sáng nay bị dỗi vì quên thơm tạm biệt tiểu yêu, giờ người nông dân phải làm sao để chuộc lại lỗi lầm đây?”

 

Dù đôi tay non còn vụng về, song con vẫn rất hay muốn giúp mẹ. Tấm lòng của con mẹ ghi nhận, tuy đôi lúc bố vẫn hay “ném đá” nói con nghịch phá chứ giúp cái gì, vì hôm mẹ nhờ con cầm bình tưới cho giàn hoa lan, con chỉ tưới được tí đã lại mang nghịch, dí vào tường, rồi trêu các chị, sau đó tự phun hết vào người ướt cả quần áo và nói “Con tưới cây”. Mẹ chỉ biết cười, con là cây của mẹ thật, nhưng có phải chỉ tưới nước mà con lớn lên được đâu, con còn phải ăn cơm, uống sữa và cần thật nhiều tình yêu thương nữa.

 

Thường ngày mẹ vẫn dành thời gian cho con ăn làm nhiều bữa, chọn những loại sữa tốt, vậy mà con có vẻ không chịu hợp tác, mẹ như muốn khóc vì bất lực. Rồi cả những lúc con mải chơi, không thiết ăn uống gì, khiến bố cũng mất kiên nhẫn. Hôm con muốn chạy vào ôm, mẹ lại hất tay ra nói: “Mẹ không yêu được đứa lười ăn”. Con xị mặt, cái miệng mếu mếu, rồi lẩm bẩm: “Con biến thành con chim, bay đi tìm người ôm con, xẹt mẹ”.

 

Mẹ sững người nhớ chuyện từng kể con nghe, đoạn bà gọi Tích Chu lấy nước mãi mà không được, bà biến thành con chim, mẹ còn cho thêm câu: “Nếu không được yêu thương, chăm sóc người đó sẽ bị biến thành con chim bay đi”. Vừa nghĩ đến đoạn đó chợt thấy con lật đật mang một cốc nước ra “mẹ uống nước đi”, mẹ cảm động quay mặt vào tường, cứ thế khóc tu tu, làm bố cũng lúng túng...

 

Ôi, con đúng là thần đồng của bố mẹ, vì mới nhỏ thế đã có thể dạy cho bố mẹ hiểu thế nào là yêu thương, thế nào là hạnh phúc.

 

TSL