Nhà chồng và cuối tuần “phiền phức”

“6h sáng thứ 7 mẹ chồng đã gọi cửa, rủ cùng đi chợ. Cuối tuần nào nhà mình cũng “ăn tươi” với đại gia đình. Mình không thích thế chút nào. Cả tuần dậy sớm, lo bữa sáng cho nhà chồng, cuối tuần cũng không được tự do” - Huyền (Thanh Trì, Hà Nội) than thở.

 
Nhà chồng và cuối tuần “phiền phức” - 1


Từ ngày lập gia đình, Huyền như mất khái niệm cuối tuần. Nếu trước kia, Huyền “thả phanh” ngủ nướng đến 9 -10h sáng, vệ sinh xong là ngồi vào bàn ăn trưa thì về nhà chồng, thứ bảy hay chủ nhật, Huyền cũng phải dậy sớm lo cơm nước. Gia đình hai bà chị chồng sẽ sum họp, cộng thêm 4 đứa cháu, đủ khiến Huyền mướt mồ hôi. Hôm nào không phải rửa một rổ rau ăn lẩu thì cũng phải kỳ cạch với thịt gà, thịt vịt... Gia đình hai bà chị chồng, gần sát giờ ăn mới xuất hiện. Ăn xong lại lục đục kéo nhau đi công viên khiến Huyền ghen tỵ cũng đành chịu. Rửa xong đống bát buổi trưa, Huyền mệt phờ rồi lại lo cơm chiều, thế là hết ngày. Dù còn “kế hoạch” nhưng Huyền thấy bận hơn có con mọn.

 

“Có lúc thèm nhỏ rãi cafe sách với mấy đứa bạn mà chẳng dám đi. Chồng mình sẽ bảo có ngày nghỉ, ở nhà cơm nước giúp mẹ. Thành thử những thú vui cho mình đành dẹp bỏ” -Huyền tâm sự.

 

Luôn tự động viên “phải hy sinh cho nhà chồng” nhưng nhiều lúc Huyền ao ước “xé rào” như được ra ngoài ăn sáng, được lang thang siêu thị, nhà sách hay đi xem phim, xem xiếc... mà không bận tâm cái bếp ở nhà có đỏ lửa hay không.

 

Khác Huyền, Thúy (Mỹ Đình, Hà Nội) có cô con gái 2 tuổi nhưng cuối tuần cũng loanh quanh với ông bà nội. Chồng Thúy công tác xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Ngày thường, mẹ chồng quán xuyến hết việc nhà. Thành thử, cuối tuần là dịp Thúy muốn để mẹ chồng nghỉ ngơi.

 

Thứ Bảy hay Chủ nhật, Thúy vẫn dậy như ngày thường. Cô đi chợ, cho con ăn sáng, chơi cùng con hoặc khi bà nội trông cháu thì Thúy cơm nước, lau cầu thang, dọn nhà vệ sinh, quét mạng nhện, đổ rác... rồi lại tắm cho con, tắm cho mình. Quay đi quay lại là qua hai ngày cuối tuần.

 

“Ngày nghỉ còn stress hơn ngày thường vì cố lau chùi đến 9-10h đêm chưa hết. Con quấy khóc, đòi cái nọ cái kia cũng đủ mệt. Hơn 3 năm về nhà chồng, cuối tuần nào của mình cũng y như thế. Khác là thỉnh thoảng đưa hai bà cháu ra công viên, siêu thị gần nhà chơi. Có hôm chồng mình về, cả nhà cũng chỉ tổ chức ăn uống. Những hôm ấy còn mệt hơn” - Thúy tâm sự.

 

Nghe cô bạn thân kể được ở riêng, lại thuê osin, cuối tuần “bay như chim sổ lồng” mà Thúy thèm. Cô bạn hết lượn lờ mua sắm quần áo mới với em gái, lại “lai rai” cafe với bạn bè, rồi đi ăn buffet, món nướng với đồng nghiệp. Chồng cô cũng đi đá bóng “tít mù”.... Chứ đâu như Thúy “lấy chồng đành bỏ hẳn cuộc chơi”.

 

Thúy kể, nhiều lúc bạn bè hẹn hò nhưng Thúy còn lưỡng lự. Mẹ chồng cô bảo: “Ở nhà với con, cả tuần đi suốt rồi” nên cô cũng không đành. Mang con theo thì một lát là bà nội lại gọi điện giục về. Dù chán nhưng Thúy cũng biết, ở chung với nhà chồng thì sao tự do được như khi ở riêng hoặc còn son rỗi.

 

Dung hòa bản thân và nhà chồng

 

Thư giãn vào cuối tuần là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, với phụ nữ có chồng (nhất là sống chung với nhà chồng) thì việc dung hòa giữa nhu cầu cá nhân và gia đình là điều đảm bảo hạnh phúc. Tất nhiên, nếu so với thời sơn rỗi thì quỹ thời gian của phụ nữ eo hẹp rất nhiều. Đó là vì họ phải cáng đáng bổn phận làm dâu, làm vợ và làm mẹ.

 

Khi ấy, việc cân bằng giữa nghỉ ngơi, vui chơi và trách nhiệm làm vợ là điều quan trọng. Nhiều nàng dâu sống cùng nhà chồng có cảm giác bị phụ thuộc vào nhà chồng trong kế hoạch vui chơi cuối tuần. Bố mẹ chồng có thể nghĩ, cuối tuần là dịp gia đình đoàn tụ, tổ chức nấu nướng, trò chuyện với nhau và coi đó là hình thức thư giãn. Nhưng nhiều nàng dâu lại coi đấy như “cực hình” và ước ao một cuối tuần không nấu nướng, được đi ăn hàng và làm những việc mình thích.

 

Thực ra không nên ép mình phải từ bỏ thú vui vì nhà chồng. Bởi vì như thế, sẽ tạo cảm giác gò bó, dẫn tới tâm trạng không thoải mái, hay cáu gắt... Vấn đề là phải biết thư giãn và chọn hình thức phù hợp với bản thân. Có người thích ở nhà chơi với con. Có người thích đưa hai bà cháu đi công viên, đi mua sắm, ăn uống... Hoặc thỉnh thoảng có thể gửi con cho ông bà, tụ tập cùng bạn bè. Nên đa dạng và linh hoạt để có những ngày cuối tuần ý nghĩa, thêm gắn bó và yêu quý gia đình.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé