Người ta không nói dối

(Dân trí) - Một đêm, khi nghe bố hỏi “con đã đánh răng chưa?”, cậu con trai út của tôi ánh mắt thoáng vẻ chần chừ “nên nói sao nhỉ?”. Tôi giục con “nói thật cho bố biết”, và rồi hơi sững khi thằng bé hỏi lại: “Tại sao ạ?”.

“Tại sao cái gì?” - Tôi hỏi con, hy vọng rằng trong cái đầu bé nhỏ của cậu nhóc xuất hiện thêm một câu “tại sao” nữa, tỉ dụ như “tại sao người ta ăn tráng miệng sau cùng?” hay “tại sao mình phải nói thật nếu như chuyện đó chỉ mang lại toàn rắc rối?”.

 

Bạn có thể nói với cô ấy rằng cô ấy béo?

 

Phải thú nhận một điều, hầu hết chúng ta không mấy khi nói thật. Ta nói để đạt được một hiệu quả nào đó: để người khác thích mình, để người khác làm theo ý mình, để gây sự chú ý. Và đặc biệt khi sự thật mang lại một rắc rối nào đó, thì người ta hết sức tránh nói ra.

 

Cũng có khi nói dối sẽ tốt hơn. Ví dụ người bạn đời đã đi cùng bạn một quãng đường dài, hy sinh nhiều cho bạn, cho tổ ấm của hai người và những đứa con. Một ngày nào đó cô ấy nhận ra mình chẳng còn thân hình mảnh mai ngày trước, cô ấy muốn biết suy nghĩ của bạn, bạn sẽ nói gì? Rằng “em béo” ư? Bạn sẽ không làm vậy.

 

Nhưng sẽ thế nào nếu ta nói dối chỉ để trốn không phải đánh răng? Sẽ thế nào nếu ta không còn phân biệt được ranh giới của nói thật và nói dối? Thế nào nếu một lời nói dối dù rất nhỏ nhưng sẽ làm người khác bị tổn thương?

 

Câu trả lời của tôi với con trai đêm đó là: “Vì tất cả chúng ta đều thanh thản hơn khi nói thật”. Có thể sẽ đau một lúc đó, có thể sẽ gặp chút rắc rối liền, nhưng rồi tư tưởng ta thoải mái, và lời nói thật đưa ta đến bến đậu bình yên hơn nhiều so với lời nói dối.

 

Nhưng làm sao bạn có thể nói thật khi lời nói thật ấy dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng như mất vợ hay mất việc làm? Nếu bạn mất vợ, mất việc vì đã dũng cảm nói thật, thì ngay từ đầu bạn đã chọn sai vợ, sai công việc rồi. Nếu bạn không thể nói thật với một người bạn, thì anh ta không phải bạn thật sự. Nếu bạn không thể sống thành thực trong cuộc đời mình, đó chưa phải là sống.

 

Thành thực với cuộc đời

 

Lựa chọn giữa nói thật và nói dối khi “thiệt hại” chỉ là phải đánh răng thì rất dễ. Nhưng nên dùng giải pháp nào trước một vị sếp đang yêu cầu bạn viết lại bản báo cáo, trước đứa con gái đang hỏi bạn “bố có thích đôi giày mới của con không?”.

 

Bạn không cần phải quá thẳng, hãy trả lời đơn giản, với một chút thành ý:

 

- “Nếu viết lại bản báo cáo, thì tôi hầu như không thể bắt tay vào những việc khác anh đã yêu cầu tôi làm được”.  

 

- “Thực tình, bố thấy thích đôi giày màu xanh của con hơn”.

 

Không quá khó, hẳn vậy.

 

7 nguyên tắc nói thật

 

1. Nói thật không có nghĩa là bạn cần phải nói toàn bộ sự thật

 

2. Bạn có thể nói lời nói dối vô hại (white lie), miễn là đừng nói với chính mình.

 

3. Khi bạn nói ra một sự thật làm ai đau, hãy giữ liên lạc với họ để có thể xoa dịu tổn thương ấy. Mất thời gian nhưng là việc nên làm.

 

4. Nói thật bao giờ cũng cảm thấy dễ chịu, dù lúc mở lời có thể khó khăn. Hãy cho phép mình tận hưởng cảm giác thanh thản khi không phải mang mặc cảm “tôi đã nói dối”.

 

5. Nhớ rằng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Và thường khi bạn muốn nói ra sự thật thì đã quá muộn.

 

6. Khuyến khích người khác nói ra sự thật bằng cách không quá tỏ thái độ phán xét trước những gì họ thổ lộ.

 

7. Nhắc nhở bản thân rằng nỗi sợ hãi là cội nguồn của nói dối và không bao giờ là nguyên tắc sống tốt dành cho bạn.

 

Huyền Anh

Theo MSN