Kiến thức giới tính

Ngộ nhận đồng tính ở trẻ dậy thì

(Dân trí) - “Tớ là một cậu nhóc gay, đúng thế đấy. Tớ đã quá chán với việc che giấu bản thân mãi rồi. Tớ muốn kết bạn với tất cả mọi người. Tớ là dân 9x…

“… Nhìn bề ngoài tớ cũng không khác người thường. Mọi thông tin cá nhân trên blog của tớ đều không đúng, tớ không có ý che giấu mọi người, mong mọi người thông cảm cho tớ nha”. Đây là lời chia sẻ rất chân thành của một teen 9x trên một diễn đàn dành cho những người đồng tính.

 

Trong giai đoạn phát triển của tuổi dậy thì, với những thay đổi tâm sinh lý, nhiều trẻ em nam có những hiểu biết sai lầm và ngộ nhận mình đồng tính. Đây là một yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và đời sống sau này của trẻ. 

 

Lâm và Hải chơi thân với nhau từ hồi cấp một. Hải kể lại hôm ấy hai thằng đi chơi xa với lớp , hai đứa ở chung một lều. Lúc đi ngủ, Hải thấy Lâm có hành động lạ, quay sang ôm Hải và rồi nghịch "cái ấy" của Hải. Là bạn bè thân thiết nên Hải  không dám phản ứng sợ Lâm  buồn và cuối cùng Hải để Lâm thoải mái rờ mó thân thể mình.

 

Sau hôm đó, Hải và Lâm càng trở nên thân thiết. Lâm thường xuyên qua nhà Hải chơi, mang theo mấy cái đĩa sex đồng giới sưu tầm trên mạng. Hai cậu say sưa và tập làm theo. Lúc đầu chỉ là thử để biết thế nào, nhưng càng ngày Hải nhận ra rằng mình đã có tình cảm với Lâm.

 

Hải luôn ám ảnh bởi các hình ảnh trong phim và những cảnh với Lâm. Hải lo sợ mình mới có 15 tuổi. Không biết làm thế nào, Hải ân hận, học tập sa sút hẳn và không biết nói chuyện đó với ai.

 

Hải luôn trong trạng thái u ám. Mỗi lần gặp Lâm, Hải lại sợ hãi chính bản thân mình. Cái cảm giác tội lỗi khiến cho Hải không còn tập trung vào việc gì. Khi bố mẹ hỏi về việc học hành, Hải chỉ biết ngồi im. Không biết khi bố mẹ và bạn bè biết mình là đồng tính thì mình sẽ thế nào? Hải tự tách ra khỏi đám bạn bè. 

 

Khác với Hải, Thành là một học trò ngoan, sinh gia trong gia đình nhà giáo và được bố mẹ dạy bảo từ nhỏ. Năm nay học lớp 8, nhưng Thành vẫn như một đứa trẻ con. Nhìn bạn bè ai cũng lớn rồi phát triển tầm vóc cơ thể, Thành ao ước... Thành luôn đọc các sách, tạp chí có hình ảnh đàn ông đẹp để so sánh rồi mơ có một hình thể như thế. Thành tưởng tượng mình là một anh chàng đẹp trai, cơ bắp, được nhiều bạn gái để mắt tới.  Mỗi lần đến trường, Thành luôn để mắt tới các bạn nam cao to. Trong phòng thay đồ, Thành thường xuyên lén lút nhìn các bạn. Vô tình, Thành đã có cảm giác thích con trai từ bao giờ.

 

Mơ hồ về giới tính

 

Tuấn, đang là học sinh một trường cấp 3 TPHCM, nhưng đã nổi tiếng trong trường vì tự nhận mình là gay. Tuấn luôn ăn mặc khác thường với những bộ quần áo loè loẹt, đánh móng tay, đeo khuyên đến trường khiến ai cũng phải chú ý. Mặc cho bạn bè bàn tán, mặc nhà trường cảnh cáo nhiều lần về chuyện ăn mặc, Tuấn vẫn bỏ ngoài tai.

 

Khi được hỏi sao biết mình là gay, Tuấn hồn nhiên trả lời: “Em thấy mình thích con trai”. Bố mẹ phát hiện ra điều này, đã la mắng Tuấn. Tuấn bỏ nhà định đi bụi. Tuấn còn kể trong trường có nhiều bạn như mình, nên Tuấn không sợ không có bạn ở trường. Thông tin thế nào là gay Tuấn chỉ biết trả lời “bạn em nói thế”.

 

Khác với Tuấn, Nam rất thích đọc các tạp chí người mẫu nam. Những hình ảnh đàn ông cơ bắp và thân hình đẹp khiến Nam thích thú. Ngày nào cũng thế, Nam thường xuyên xem các hình ảnh đó. Bất chợt Nam có cảm giác mình thích đàn ông. Khi đọc vài thông tin trên mạng về đồng tính, Nam nghĩ rằng mình là gay rồi. Nam hoảng sợ.

 

Những suy nghĩ của trẻ 

 

Trong giai đoạn dậy thì, nhận thức về giới tính của trẻ còn hạn chế, tâm sinh lý cũng chưa ổn định, cơ thể đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển của hóc môn sinh dục. Môi trường sống và sự giáo dục, định hướng của gia đình, nhà trường có ảnh hưởng lớn tới tâm lý, tính cách mỗi con người. Khi một người biết mình đồng tính, thường xảy ra hai trường hợp:

 

Trường hợp thứ nhất: Trẻ sẽ thể hiện mình

 

Biểu hiện của trường hợp này là ở cách ăn mặc, lối sống. Trẻ thường mặc các loại trang phục giống con gái, để tóc hay sơn móng tay móng chân, rất hay vuốt ve ngoại hình. Ở nhóm này, trẻ luôn muốn mình nổi bật trong đám đông, và thích thể hiện. Rất dễ dàng nhận ra trẻ qua cách ăn mặc, nói năng. Một số trong nhóm này thường hay ăn chơi, tụ hội, thích đua đòi và có quan hệ tình dục đồng giới rất sớm. Một số biểu hiện khác là quen ăn chơi, không thích đi học.

 

Trường hợp thứ hai: Trẻ sống cô lập

 

Khi phát hiện ra chính bản thân, trẻ có những suy nghĩ lo lắng, dằn vặt, lúc nào cũng lảng tránh, xa lánh bạn bè. Trẻ thường không thích tham gia vào các hoạt động cộng đồng, tự tách mình ra khỏi mọi người. Bất cứ biểu hiện nào cũng khiến trẻ sợ. Khi đi chơi với các bạn nam, trẻ sợ rằng mình sẽ càng bị nhiễm đồng tính. 

 

Khi phát hiện ra con mình đồng tính, bố Tuấn đã đánh và nhốt Tuấn trong nhà. Không thể chấp nhận một đứa con như thế, bố mẹ Tuấn luôn theo dõi và kiểm soát mọi hành động của con từ việc đưa đón đến việc đi chơi đều giám sát. Quá mệt mỏi và chán nản về điều đó, Tuấn bỏ nhà đi. Bố mẹ sợ quá, chỉ còn biết cách chấp nhận con mình.   

 

Phải sống trong môi trường quá nhiều định kiến và miệt thị như thế, người đồng tính khó có thể có một cuộc sống bình thường. Nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, một thiếu niên nam phát hiện càng sớm hiện tượng đồng tính của mình, cậu ta càng cảm thấy khác biệt với những bé trai khác, càng tự cô lập, càng sợ bị đàm tiếu, hắt hủi và càng dễ trở thành nạn nhân của những lời chế giễu thậm chí là nạn nhân của bạo lực thể xác.

 

Trước tình cảnh phải nghe nhiều lời đàm tiếu, công kích để rồi không bao giờ nghe được những điều tích cực về vấn đề đồng tính, lại không thể bộc bạch được nỗi niềm với bất kỳ ai, những người đồng tính thường tự ghét chính bản thân mình.

 

Mới đây, ở Mỹ và Canada, người ta đã phát hiện ra rằng trong số nhiều vụ tự tử ở thanh thiếu niên, có không ít trường hợp là do bế tắc trước việc xã hội quá miệt thị xu hướng tình dục của chúng. 

 

Làm gì khi biết con đồng tính

 

Theo tư vấn viên Lưu Thị Lịch (Tâm sự bạn trẻ) : Nếu xét về cảm xúc giới tính, đến tuổi dậy thì, có nhiều người thấy rung động và thích nhìn hình người mẫu cùng giới. Nhưng điều đó không nói lên rằng các em là đồng tính.

 

Cảm xúc đó có thể xuất phát từ mong muốn có được một hình thể cường tráng. Ngoài ra, giai đoạn dậy thì, hóc môn giới tính phát triển mạnh và đang biến đổi nên dễ gây ra những cảm xúc như vậy. Các em nên để phát triển tự nhiên, không nên quá hoang mang nghĩ rằng mình là người đồng tính.

 

Bố mẹ khi thấy con có những biểu hiện đó thì nên giải thích cho con hiểu. Nếu khó nói chuyện, có thể tìm những tài liệu về vấn đề này để cho con đọc. Bản thân bố mẹ không nên kỳ thị người đồng tính và xem các em là hư hỏng khi có những biểu hiện như vậy, điều đó chỉ khiến các em lo lắng và thu mình lại.

 

Cấm đoán và mắng mỏ không phải cách giúp đỡ trẻ, trái lại sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái hoang mang hơn. Hãy coi đứa trẻ như một người đã trưởng thành và tin tưởng, hỗ trợ chúng, nên có những hành vi, quyết định đúng đắn như cung cấp kiến thức đúng, giảng giải, quan tâm và nhắc nhở trẻ. 

 

Trẻ trong giai đoạn dậy thì cần được giáo dục về kiến thức giới tính, sức khoẻ sinh sản, tình dục. Bên cạnh đó, cha mẹ, thầy cô, những người quan tâm đến trẻ luôn tạo mọi điều kiện để trẻ hỏi và được tư vấn, trò chuyện, chia sẻ những thắc mắc, tò mò của mình. Cha mẹ cần có hành động kịp thời để ngăn chặn những suy nghĩ, hành vi lệch lạc ở trẻ.

 

Hiện tượng đồng tính trong xã hội Việt Nam vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ và thiếu thông tin. Chính vì thế, việc hiểu và cung cấp thông tin một cách đầy đủ sẽ giúp cộng đồng có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này. 

 

Duy Khánh