Neo nhầm bến đục

Cũng một kiếp đàn bà nhưng người phụ nữ ấy thật bất hạnh. Trong cái lạnh của Đà Lạt, chị không nhớ hết đã bao đêm bị chồng đuổi ra khỏi nhà, ba mẹ con chị phải ôm nhau ngủ trước hiên. Giờ thì chị đã được “giải phóng”…

42 tuổi, vóc người nhỏ nhắn, khắc khổ nhưng cái vẻ mặn mòi, sắc sảo của nhan sắc một thời vẫn còn phảng phất trên gương mặt chị. Chị bảo, chính cái đẹp ấy vận vào đời chị, rõ khổ. Gần 20 năm lấy chồng là chừng ấy thời gian chị phải còng lưng nuôi cả nhà năm miệng ăn. Chị từng đứng trước sân tòa mà thốt lên: “Tôi lấy nhầm chồng!”. Phải chịu đựng đến cạn sức, người đàn bà ấy mới thốt lên được những lời đắng cay đến vậy.
 
Neo nhầm bến đục   - 1


 

24 tuổi chị lấy chồng. Nhà chồng cắt một mảnh đất nhỏ để vợ chồng cất nhà. Chồng chị hơn chị bốn tuổi, tướng tá không đến nỗi, vậy mà… Từ khi lấy vợ, chẳng hiểu thế nào mà anh đổi tính đổi nết. Mới 30 tuổi mà anh ta dõng dạc tuyên bố “già rồi, không làm nổi”, chỉ uống rượu, hôm nào cũng đi đến tận nửa đêm. Về được tới nhà là anh chửi bới, đánh đập mẹ con chị chán rồi mới rúc vào chăn ngủ cho đến tận trưa hôm sau. Ba đứa con, một trai, hai gái lần lượt ra đời trong căn nhà gỗ nhỏ bé. Cố giữ cho ba đứa con có đủ cha, mẹ nên chị nhịn nhục. Chị bảo: “Thôi thì rượu cũng được, chỉ mong ông ấy sáng sớm dậy chở tôi đi làm rồi về ngủ tiếp, chiều lại đón tôi. Nhà có tí đất chẳng đủ làm, chị phải đi làm thuê. Khi thì nhổ cỏ, lúc thu hàng rau củ cho nhà vườn. Gần đây chị tìm được chỗ làm ổn định, thu hoạch cà rốt cho vựa. Ngủ được mấy tiếng đồng hồ là chị dậy lo cơm sáng cho con đi học, đúng 2 giờ sáng là ra khỏi nhà, đi nhờ xe của những người cùng làm đến nhổ cà rốt, rửa sạch, xếp vào từng sọt để kịp cho xe chở hàng đến nhận. 10 giờ sáng chị về nhà, 2 giờ chiều lại đi cho đến 6 giờ tối. Mỗi ngày như vậy chị được trả công 100.000đ.

 

Công việc ngày nào cũng như ngày ấy mà chồng chị cứ bảo chị theo trai, rồi kiếm cớ chửi bới, đánh đập. Chịu không nổi, chị để đứa con trai lớn ở lại, dắt hai đứa con gái về nhà dì ruột tá túc, nhưng nào có yên. Chồng chị tìm đến, chửi bới đến độ người dì ruột khuyên chị nên ra tòa xin ly hôn để được yên. Chị kể, bỏ đi nhưng vẫn phải lo cho thằng lớn có cái ăn để đi học. Chị đang lo, đứa con trai của chị cũng bắt đầu có dấu hiệu chểnh mảng việc học mà đến quán internet nhiều hơn. Chị nói trong nước mắt: “Đời tôi mất cha mẹ từ nhỏ nên thấm thía cảnh sống không cha, thiếu mẹ. Tôi không muốn hoàn cảnh của mình lặp lại ở các con nên cố gắng chịu đựng. Mà càng nhịn, chồng tôi càng lấn tới. Mười mấy năm chung sống với anh ấy, tôi chưa có một ngày hạnh phúc. Đã có lần con gái nhỏ hỏi tôi, mẹ ơi hạnh phúc là gì? Tôi gạt nước mắt trả lời con: Hạnh phúc đơn giản đối với mẹ là một ngày được sống bình yên trong chính ngôi nhà mình. Con gái lớn của tôi không ít lần xin bố: Bố ơi! Bố hãy cho mẹ được sống một ngày hạnh phúc. Đôi vai của mẹ gánh cả gia đình đó, bố biết không?”.

 

Hôm ra tòa, chồng chị vẫn khăng khăng không muốn ly hôn. Anh ta nói: “Tôi vẫn còn yêu thương vợ con. Tôi tha thứ cho cô tất cả miễn sao cô ấy trở về”. Tòa hỏi chị có lỗi gì mà cần anh tha thứ? - “Cái tội bỏ chồng ra đi” - “Vì sao vợ anh ra đi?”. Anh ta ấp úng không trả lời. Vị chủ tọa hỏi tiếp: “Nếu vợ anh đồng ý quay về thì anh sẽ thế nào?”. Anh ta trả lời tỉnh queo, “như trước đây thôi, tôi ở nhà còn cô ấy đi làm”. “Sao không đi làm giúp vợ?” Anh ta chống chế “già rồi”. Cuối cùng, tòa đã quyết định cho chị được ly hôn. Chị thở phào nhẹ nhõm, trút được gánh nặng đã gánh suốt mười mấy năm qua.

 

Theo Mai Khanh

PNO