Một phút sai lầm

(Dân trí) - Nó cũng là dân Bắc như tôi, học ĐH ở xứ Tây Nguyên này. Cùng cảnh xa gia đình nên hai đứa sớm chơi thân với nhau. Chúng tôi còn ở cùng một xóm trọ. Có nó, tôi đỡ nhớ nhà hơn.

Khi buồn, vui hai đứa lúc nào cũng tíu tít. Rồi nó có người yêu, một anh chàng Tây Nguyên chính gốc. Tôi không thích và cũng chẳng ưa gì anh ta nhưng không thể cản trở tình yêu của bạn.

 

Rồi hai người ấy dọn về ở chung với nhau, chẳng biết đã có dự định gì. Cảnh “sinh viên sống thử” nhiều lắm, nhưng điều đó tôi chỉ được biết qua sách báo. Giờ chứng kiến chính bạn mình tôi lại thấy thương cho sự dại dột của nó. Bởi…

 

Bụng nó ngày càng to, sinh linh bé nhỏ lớn dần mang theo hy vọng sẽ giữ được trái tim “chồng” mãi mãi của nó. Thế nhưng, con ong khi đã tỏ đường đi lối về rồi, lại thấy trước cái hậu quả kia, thì anh chàng Tây Nguyên nguyên chất kia bắt đầu tìm cách thoái thác, bỏ rơi nó, bỏ rơi cả đứa con đang thành hình.

 

“Cô dễ dãi với tôi thì cũng có thể dễ dãi với thằng khác! Thằng này đâu phải ngu mà làm bố ở cái tuổi 21!” - lời nói khác chi con dao găm vào trái tim non nớt của bạn tôi. Nhiều đêm nằm an ủi nó mà nước mắt tôi cũng trào ra. Vừa căm giận thằng sở khanh vừa xót thương cho bạn.

 

Nó suy sụp hẳn, xanh xao đến tội nghiệp. Cái thai đã quá lớn nên không thể phá, chỉ còn cách chờ đến ngày sinh. Sợ nó làm dại, tôi chẳng dám rời nửa bước, ngọt nhạt khuyên bảo hết lời: “Mày cứ đẻ cho tao. Mày không nuôi thì tao và cả xóm trọ này sẽ góp tiền nuôi. Đừng làm liều rồi ân hận cả đời…”. Nhìn những giọt nước mắt đã héo khô của nó, tôi đau lắm. Phải chi bạn tôi đừng dại dột…

 

Ngày nó sinh, cả xóm trọ vui mừng đón chào thằng cu con đáng yêu. Truyền tay nhau bế, chúng tôi hạnh phúc như đang đón chính đứa con của mình. Bạn tôi cười, nụ cười chua chát quá. Chỉ có ánh mắt đầy tình thương chất chứa thù giận kia là không bao giờ tắt trên gương mặt nó.

 

Một buổi sáng khi tôi đi học về thì không thấy đứa bé đâu, nó đang thu dọn đồ đạc. Tôi hỏi, nó ráo hoảnh: “Tha lỗi cho tao. Tao bán con cho một nhà giàu hiếm muộn rồi. Chẳng còn cách nào. Tao không thể nuôi con khi còn đang đi học, không thể để con làm hỏng đời tao sau này, không thể  bế con về bảo với bố mẹ rằng “cháu ngoại của ông bà đấy!”. Và tao càng không thể để bản thân mình mang tiếng nhơ nhuốc ở đây nữa…”.

 

Rồi nó đi, đi tìm cho mình một con đường mới, đến nơi chưa ai từng biết nó bao giờ. Chỉ một phút sai lầm, cuộc đời nó đã rẽ sang hướng khác.

 

Khi viết cho bạn đọc câu chuyện đau lòng này, tôi chỉ mong ở nơi nào đó, nó vẫn mạnh mẽ sống tiếp. Các bạn sinh viên từng một lần có ý nghĩ sống thử, xin hãy ngẫm một lần về chuyện của bạn tôi, dẫu biết rằng, không phải ai cũng rơi vào hoàn cảnh như nó. Song đời ai học được chữ ngờ.

 

Trần Lương