Một cuộc đổi đời

(Dân trí) - Gần đây công việc của anh không suôn sẻ. Ít đơn đặt hàng nên công ty hoạt động cầm chừng, không khéo sẽ ngừng giao dịch. Anh chán nản, nơm nớp lo bị sa thải. Sau phút giật mình, trấn tĩnh lại, chị bắt đầu bị căng thẳng trong việc tính toán thu chi.

Một cuộc đổi đời  - 1
 
Họ cùng quê. Bà con nghe việc vợ chồng chị lương tận năm sáu triệu đều mắt tròn mắt dẹt xuýt xoa “giàu thế!”. Song họ đâu có hiểu số đó ở giữa thủ đô nào thấm gì, thuê nhà, thuê người trông con, tiền ăn, tiền sữa, xăng xe v.v. cố xoay cũng chỉ vừa đủ.

 

Chồng chị học cao đẳng sư phạm công nghệ thông tin, làm ở công ty bán máy tính kiêm sửa chữa cài đặt. Hết giờ anh tranh thủ đi tìm thêm các mối hàng, chịu khó nhận thiết kế web cho doanh nghiệp muốn bán hàng trên mạng. Giờ người khôn của khó, hợp đồng giảm hẳn.

 

Chị học trung cấp ngân hàng, rất khó được làm đúng chuyên môn, cố mãi cũng chỉ là nhân viên văn phòng, lo giấy tờ cho một đơn vị nhỏ. Khi chưa có con, chị cũng nhận việc đánh văn bản, tài liệu cho hiệu photocopy, nhưng nay bận con mọn, nên việc làm thêm đành nhường gánh sang anh. Từ dạo đó nụ cười hiếm hoi ít khi hiện hữu trên gương mặt góc cạnh. Thời gian trở nên khắc nghiệt với anh.

 

Họ gắng chạy đua với cuộc sống, cùng vật giá ngày càng tăng. Song anh chị có thể “giật gấu vá vai” được chứ con bé không thể ăn ít đi, ốm không thể không tiêm thuốc. Mỗi lần nó sụt sịt họ lại phờ phạc, hốc hác, bác giúp việc chẳng thể kham nổi, hai người cực chẳng đã đành thay nhau nghỉ chăm con. Có hôm cả hai người phải cùng nghỉ để đưa con đi viện, nhọc nhằn không thể nào tả hết.

 

Vừa tủi thân quê xa không người quen biết, vừa lo lắng tương lai, ý nghĩ cố trụ bằng được ở Hà Nội dần khiến chị hãi. Chị thấy sợ cuộc sống mà thời mới ra trường chị quyết tâm cố gắng vì tương lai con em: “Chỉ ở đây mới đáp ứng những điều kiện tốt nhất cho chúng, nơi điện đường trường trạm được đầu tư kỹ càng, phát triển, văn minh nhất cả nước…” - nay chị bắt đầu nghi ngờ và giận chính mình.  

 

Chị rùng mình mỗi khi ra đường, lúc nào cũng chen chúc, nườm nượp, ầm ỹ, đinh tai nhức óc. Ra khỏi nhà trọ bé như hộp diêm là lại thấp thỏm lo sợ, đầu căng như dây đàn. Quán xá thì đầy nhưng đều không đảm bảo vệ sinh. Nói chung muốn sống ở thủ đô dễ chịu chỉ còn cách giàu có để vào những nơi sang trọng.

 

Chị hãi cảnh động một chút là tiền, gửi xe cũng mất khối tiền, hàng xóm thì hời hợt đâu gần gũi như quê, bởi là xóm trọ nên nay ở mai dọn là chuyện thường.

 

Chị không hiểu mình đang sống, hay chỉ là tồn tại cho qua ngày khi thấy mình chưa thực sự được sống cho đúng nghĩa. Chị không phù hợp với nơi đây, chị phải đi.

 

Tối ấy khi con đang ngủ, bác giúp việc cũng đã lên giường, chị bàn với anh kế hoạch về quê. Anh nhìn chị, cáu kỉnh: “Đừng có đùa. Về đó làm gì để sống?”.

 

Chị rầu rĩ phân tích, muốn được các lợi ích cho đúng nghĩa ở thủ đô cần thật nhiều tiền, phải thực tài, thực lực và thậm chí có gan mới làm giàu được. Anh chị đều an phận làm ăn cò con, tỷ lệ nghịch với vật giá ngày càng khủng khiếp, cố kiết ở đất này đến khổ sở như anh đã biết thì cũng đâu thu được gì.

 

Chị đã hỏi chị gái, trường chị ấy tuyển giáo viên tin học, anh có thể xin vào dạy hợp đồng, rảnh rỗi mở thêm cửa hàng bán, sửa chữa và cài đặt phần mềm máy vi tính như hiện giờ anh đang làm. Ở quê bắt đầu phát triển, nghề này chắc cũng dễ sống.

 

Chị sẽ hoặc ở nhà chăm con một thời gian rồi gửi nhà trẻ, hoặc nhờ ông bà chăm giúp. Chị sẽ đi làm cho các khu công nghiệp gần nhà, lương dẫu ít nhưng chi phí khá giảm so với Hà Nội và dẫu sao vẫn hơn chán vạn cảnh chật vật, vất vả nơi đây, tranh giành từng milimét khối không khí, len nhau từng mét vuông đất, chị sợ lắm!

 

Mặt anh giãn ra, dần hài lòng với phương án. Ít nhất sẽ không tốn tiền về thăm quê. Không mất tiền thuê nhà, đỡ phải mướn người trông con. Đồ ăn thức uống cũng rẻ hơn hẳn.

 

Như hôm họ về, làng xã đã phát triển, bê tông hóa vào từng lối xóm. đó tình làng quê rất ấm áp, con anh chị lớn lên cũng sẽ thành người tình cảm, không bị dòng đời hối hả làm cho quên mất mình là ai.

 

Từ mai họ sẽ tiến hành kế hoạch “giãn dân”! Quê hương luôn là chùm khế ngọt, rộng mở như lòng mẹ, dang tay đón những người con trở về. Hà Nội đâu phải là lựa chọn duy nhất.

 

Thiều San Ly