Bàn tròn:

Một bàn tay đâu làm nên tiếng vỗ

(Dân trí) - Bản thân tôi thấy người đàn ông chủ động chia sẻ việc nhà với vợ, với mẹ là rất đáng trân trọng. Có câu một bàn tay không làm nên tiếng vỗ, trong gia đình cả người chồng và người vợ nên cùng chia sẻ công việc với nhau.

Chia sẻ ở đây không phải là kiểu tị nạnh dạng tôi nấu cơm thì anh rửa bát. Mà đó là sự quan tâm, chú ý của người chồng, người vợ với nhau. Khi vợ bận bịu con cái, khi vợ ốm đau người chồng hãy cùng chia sẻ. Có vậy cuộc sống mới thảnh thơi, dễ chịu được. Có vậy, người chồng, người vợ mới thông cảm với nhau, thương yêu nhau hơn.

Một bàn tay đâu làm nên tiếng vỗ



Với tôi, không bao giờ tôi chê bai, dè bỉu những người đàn ông giúp vợ mà ngược lại, tôi luôn tỏ thái độ tôn trọng những hành động đó. Tôi đã gặp nhiều trường hợp của bạn bè mình, chỉ có người vợ làm việc bếp núc, nội trợ, người chồng và con trai chỉ biết đi làm đưa tiền về cho vợ, chả quan tâm tới nhà cửa ra sao. Tới khi người vợ ốm đau, chính bản thân người chồng cũng không chăm sóc nổi mình do đó cũng kệ luôn người vợ. Chị đã rất buồn và cố gắng thay đổi nhưng thấy rất mệt mỏi. Thiết nghĩ, việc nội trợ thường bị coi là nhỏ nhặt nhưng thực tế chả hề bé nhỏ đâu. Do vậy, để gia đình cùng hạnh phúc, mọi người hiểu, tôn trọng và yêu thương nhau hơn, người đàn ông cũng nên học cách chia sẻ công việc với vợ.

Tôi quan sát nhiều và đúc rút ra rằng, thường những gia đình nào vợ chồng có chia sẻ với nhau, tuy rằng kinh tế không dư dả lắm nhưng thường hạnh phúc hơn so với những gia đình mà người vợ phải lụi cụi lo việc nội trợ một mình. Con cái của những gia đình mà bố mẹ biết chia sẻ cùng nhau cũng có xu hướng sống có trách nhiệm hơn, yêu thương và tôn trọng bố mẹ. Đây có thể là ý kiến cá nhân của tôi. Nhưng hi vọng các đấng nam nhi đừng bao giờ thấy rằng việc chia sẻ việc nhà cùng vợ làm xấu hổ mà hãy tự tin ngẩng cao đầu bởi các anh chính là những người đàn ông rất tốt, rất tuyệt vời đấy.

Bạn đọc Trúc Quỳnh