Món nợ không thể trả

(Dân trí) - Tôi vô tình thấy anh sau mấy năm không gặp, anh rủ tôi ra quán café. Vẫn phong độ, lịch lãm song trên mặt anh đã có vài nếp nhăn ghi chứng những mệt mỏi, lo toan cho hai gia đình nhỏ.

 
Món nợ không thể trả


Chúng tôi quen nhau qua nhóm bạn, tình bạn thân thiết và vô tư, anh tin tưởng nên tâm sự mọi chuyện rất thật tình. Khi ấy anh vừa từ Hàn Quốc về được gần tháng, còn ít bạn và chưa tìm được công việc gì khả quan nên vẫn muốn nghỉ ngơi, thăm thú các nơi.

 

Ít lâu sau, tôi được biết anh đã vào làm quản lý kiêm phiên dịch cho một công ty chuyên về lắp ráp ô tô khá lớn, anh đã có bạn gái nên chúng tôi ít qua lại tụ tập hơn.

 

Nghe kể, đó là một cô sinh viên Sư phạm năm thứ ba, xinh xắn nhưng nhà nghèo xơ xác, anh gặp N. khi cô phục vụ quán ăn ngoài giờ lên lớp, nhìn cô ấy gầy mòn vì đi gia sư kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt mà anh thấy mủi lòng, rồi yêu mến nên quyết định bao cho mọi thứ, N. chỉ việc tập chung lo học…

 

Bẵng đi một thời gian thì được biết anh sắp tổ chức đám cưới, tôi chắc mẩm anh cưới N. Vậy mà không phải.

 

Khi nhóm chúng tôi đến chơi chị không chào hỏi hay biểu lộ tình cảm gì, cứ để mặc chồng ra tiếp. Con bạn tôi rỉ tai, “Tính chị ấy vụng về, lạnh lùng vậy chứ không phải ghét bỏ ai đâu”.

 

Họ gặp nhau ở bên Hàn, tướng tá anh như thế lại biết cách ăn nói, nhà gần nhau nên trong dạ chị ưng lắm, luôn tạo cơ hội để được bên anh. Hoàn cảnh sống xa nhà nên anh coi chị như một người bạn tâm giao. Anh về nước trước, một năm sau chị về, mang theo khoản tiền không nhỏ, mua được căn nhà giữa phố. Rồi đến nhà anh để “tìm đồng hương”.

 

Bố mẹ anh đương nhiên là thích chị này hơn cô giáo viên kiết xác nghèo, dù N. là người có học, cư xử rất nền nã và khéo léo. Chị ở Hàn về thì lại được cái nhiều tiền, họ đã chung tay mở đại lý chuyên phân phối hàng thực phẩm đông lạnh.

 

Anh thú nhận, đám cưới này có chút gì đó vụ lợi về kinh tế, anh đã không thể dứt khoát, vẫn lét lút qua lại với N. xin cho N. về dạy trường gần nhà bố mẹ đẻ cách nơi anh ở 50 cây số, thi thoảng anh vẫn đi “công tác” trên đó, như một người bận rộn. Mọi người vẫn gọi anh là đại gia, nuôi một cô bồ chứ có nuôi năm sáu cô cũng chẳng thành vấn đề.

 

Hơn năm sau ngày cưới, anh rủ nhóm chúng tôi lên mạn trung du chơi, rất bất ngờ khi anh làm đám cưới với N. ở đó. Anh nói dối với bố mẹ N, vì gia đình không đồng ý nên chỉ có mấy anh em, họ hàng lên góp vui thôi.

 

Nhà họ dường như cảm động vì anh đã dám trái lời bố mẹ để đến với tình yêu đích thực.

 

Một bên là tình yêu, một bên là trách nhiệm. Anh biết mình đã vướng vào chính sợi dây mình giăng mắc, không tài nào thoát ra được. N. đã sinh con trai, còn vợ anh sinh con gái, hai đứa đều ngoan, xinh và rất giống bố.

 

Giờ anh không còn là đại gia nữa vì mặt hàng anh chị kinh doanh đã bị bão hòa. Công ty anh làm đang bị đình trệ, hàng chẳng bán được nên bên công ty mẹ yêu cầu cắt giảm biên chế chỉ còn nửa số người, quản lý các bộ phận bị xem xét giảm lương, hầu hết công nhân nghỉ giãn việc, anh sa sút, phờ phạc đi trông thấy. Đồng nghĩa với việc chu cấp cho đứa con ngoài giá thú gặp khó khăn.

 

N. đã biết mọi chuyện vì vợ anh đến làm rùm beng lên, nhưng cô chẳng thể oán trách anh hay bỏ anh và con để tìm hạnh phúc riêng mình.

 

Hiện tại, một người vì anh mà lỡ dở cuộc đời, một mình nuôi con trong điều tiếng, một người thì mất hết niềm tin, tiếp tục lầm lũi sống. Hai người phụ nữ luôn tự hỏi mình sai từ đâu, để phải âm thầm chịu làm một nửa dang dở của anh và mang trong mình một tâm hồn đã khuyết.

 

TSL