Mẹ và con gái

(Dân trí) - Toàn mâu thuẫn mẹ chồng, chứ mấy ai kêu mẹ đẻ bao giờ. Thế mà chuyện con đẻ mẹ ruột cũng có nhiều điều đáng nói…

Chị Dương, kế toán, 27 tuổi, người có mẹ chồng lắm lời nổi tiếng khu phố, kể chuyện: “Em về làm dâu nhà em, hàng xóm mong chờ xem khi nào thì to tiếng vì em cũng nổi tiếng đanh đá từ nhỏ (cười). Thế mà chưa xảy ra xô xát gì vì 2 người đều thẳng tính, có gì nói luôn, cái gì em cho là đúng thì em làm theo ý em, mẹ chồng không thích lắm nhưng kệ, em coi như không biết, vẫn lễ phép nên bà cũng kệ nốt. 

 

Nhưng còn mẹ đẻ em thì suốt ngày nỉ non dằn vặt đủ thứ, rồi dỗi lẫy nói kiểu như “Mày giờ lấy chồng chỉ lo nhà chồng thiết gì đến bọn tao”. Em mang con về thì bà giành chăm theo kiểu của bà, cho cháu ăn nước mắm như người lớn từ khi 4 tháng, mắng em là con mẹ đoảng vô tích sự. Em cáu quá lại “vác” con đi, thế là hai mẹ con dỗi nhau hàng tuần, bà kêu khóc bảo em mình đủ lông đủ cánh rồi thì bay đi, khổ ghê! Em tính nóng, hay cãi bà từ bé rồi, nhưng mà cũng tại mẹ cứ thích điều khiển người khác cơ…”.

 

Chị kể tiếp: “Em thì cũng không có kinh nghiệm gì chăm con, nhưng cũng thường xuyên vào mạng, hỏi bác sĩ dinh dưỡng,… nên con em trộm vía cũng cứng cáp. Nhưng bà ngoại thì nếu làm gì không đúng với quan điểm của bà thì sẽ bị cho là sai! Ngày nhỏ, em có lỗi gì bà toàn chửi mắng rất to tiếng, giờ tụi em thành bố thành mẹ hết rồi, bà vẫn thế…”.

 

Chuyện mẹ đẻ - con gái xung đột, thực chất cũng là do khoảng cách thế hệ và tuổi tác. Nhưng do quan hệ ruột thịt gần gũi hơn, nên đôi khi cách can thiệp cũng vì thế mà “áp đặt” và “cứng nhắc” hơn. Tuy nhiên, nước mắt chảy xuôi, dù có cứng nhắc hay khó tính như thế nào, dù con gái đã thành mẹ thành bà, thì trong con mắt người mẹ, cô vẫn là đứa con gái bé bỏng ngày nào mà bà mẹ luôn lo lắng và muốn chở che, chăm chút.

 

Mẹ chị Vân, Thái Nguyên, lên ở trông cháu mấy tháng trên Hà nội vì bà nội già, ở quê xa không đi được. Từ hồi có mẹ, chị nhàn hẳn. Nhưng hai vợ chồng lại quá vô tâm mà các cụ thì lại cả nghĩ. Đến một ngày bà lẳng lặng ra về, nhắn lại rằng vợ chồng chị coi tôi như con ở, cứ để con ở nhà cho bà rồi “tếch” đi chơi. Hai vợ chồng cãi nhau, đổ tội cho nhau rồi lúc đó mới chợt nhận ra rằng, bà đã già cần phải nghỉ ngơi, trách nhiệm trông con là phải của bố mẹ, bà giúp cho từng nào phải biết ơn từng nấy. Chưa kịp về xin lỗi thì bà lại đã xuống vì thương con nhớ cháu, mang theo 2 con gà và một túi to hoa quả vườn nhà.

 

Chị Phương, 30 tuổi vừa sinh đứa con thứ 2, nhà chồng neo người, bố chồng lại đau dạ dày mãn nên khó tính. Mẹ chị vừa về hưu, thấy vậy chủ động gọi 2 vợ chồng, nhận trông hộ đứa con gái đầu mới 3 tuổi. Được lời như cởi tấm lòng, chị gửi con gái về quê cách Hà nội hơn 40km cho bà ngoại. Hai tháng sau chị mới thu xếp về được, thấy bà đang vừa dạy cháu học vẽ (bà vốn là giáo viên cấp 1) vừa tranh thủ nấu cơm, dọn dẹp. Xung quanh ngổn ngang thuốc lá bà phơi để sắc chữa bệnh hen cho cháu. Bà hàng xóm chạy sang rủ ngày mai đi chơi chùa tỉnh bên, bà cười “Thôi tôi ở nhà chơi với con Cún!”.

 

Thấy con gái về, hai bà cháu mừng rỡ, Cún sà vào lòng mẹ còn bà lăng xăng lấy nước cho con rửa mặt, rồi xắng đi chợ chiêu đãi con món nộm hoa chuối mà Phương vẫn thích. Phương rơm rớm nước mắt, mình trưởng thành rồi mà vẫn chưa báo hiếu gì được cho bà, vẫn phải để bà lo toan cho con rồi cho cháu. Nước nguồn xuôi mãi, dù có như thế nào thì mẹ vẫn hết lòng vì con cháu. Bên cạnh tình mẫu tử, còn cả nỗi đồng cảm đàn bà thương nhau vất vả.

 

Hạnh Chi