"Lý do vì sao bạn sẽ không thấy tôi chia sẻ ảnh con trên Facebook"

(Dân trí) - Cuối cùng tôi cũng nói không với Facebook, mặc dù chắc chắn là, tôi luôn muốn tan chảy cả tim mỗi khi nhìn thấy hình của bọn trẻ con nhà ai đó trong một dịp vui nào đó.


Hình minh họa: GettyImages

Hình minh họa: GettyImages

Một em bé mới sinh với chiếc mũ nhỏ xíu trên đầu, một đứa trẻ đang tuổi tập đi lũn tũn trên bãi biển, ngày đầu con đến trường, buổi biểu diễn đầu tiên, con trong lễ hội trung thu - tất cả đều quý giá.

Hết dịp này đến dịp khác, và mọi người đang liên tục đăng những hình ảnh của con. Qua nhiều năm, tôi chấp nhận một "định mệnh": Tôi là bà mẹ không lưu giữ những tấm hình như vậy cho hậu thế.

Bất cứ khi nào cố chụp ảnh, kiểu gì máy của tôi cũng cho ra đời những bức không ưng ý, lúc thì bọn trẻ đang di chuyển, lúc chúng lại nhắm mắt.

Song đó không phải lý do thực sự khiến tôi lùi lại trước truyền thông xã hội. Sự thật sâu sắc hơn là: Tôi đã nhận ra rằng, cứ cố gắng lưu lại khoảnh khắc này, thì chính tôi lại bỏ lỡ việc chia sẻ nó. Ý tôi là, không phải "chia sẻ" trên facebook, mà là hiện diện và chia sẻ thực sự khoảnh khắc ấy với các con của tôi.

Cho nên tôi phải chiến đấu chống lại sự thôi thúc làm một bà mẹ công nghệ trên mạng xã hội, bởi làm thế chỉ khiến tôi cảm thấy mình không có cuộc sống đủ đầy và thất vọng với chính mình. Tôi chọn tập trung năng lượng vào nơi sẽ khiến tôi cảm thấy tốt hơn.

Đối với tôi, những cảm xúc đó - những cảm xúc tôi không thể so được với các bậc cha mẹ trên mạng xã hội - thường trỗi dậy khi mùa hè mọi người đăng ảnh trải nghiệm của họ cùng con cái. Lúc nào tôi cũng thấy những trải nghiệm đó của họ sáng tạo hơn, thú vị hơn, sâu sắc hơn so với của tôi. Chỉ đến khi tôi bắt mình lùi lại, để nhìn và suy ngẫm, tôi mới nhận ra rằng những bức hình đó của người khác, thực ra có thể nhằm phục vụ mục đích khác hơn cả việc khiến tôi thấy mình thiếu thốn.

Tất cả chúng ta đều thích cảm giác thành công: nhiều like, nhiều tim, nhiều lời tán dương và bình luận. Và tất nhiên facebook có thể khiến bạn mang cảm xúc trái ngược lại hoàn toàn nữa. Ghen tị trên truyền thông xã hội là có thật, và so sánh bản thân với người khác khiến chúng ta chán nản là điều chẳng mới mẻ gì.

Cho nên lùi lại một bước, quyết định chia tay với việc chia sẻ lên mạng xã hội, đối với tôi mà nói, khiến tôi cảm thấy tốt hơn.

Cứ thử google cụm từ "tránh ghen tị trên truyền thông xã hội" mà xem, bạn sẽ nhận được gần 400 nghìn kết quả - tất cả từ chi phí điều trị tâm lý đến một công ty luật ở California đưa ra lời khuyên về cách tránh các khoản nợ liên quan đến truyền thông xã hội. Thêm chất xúc tác là cảm giác tội lỗi ở một người mẹ và sự ganh đua của các bậc phụ huynh, bạn sẽ có công thức của sự - quá - tải.

Mẹ tôi, bà cũng có một phiên bản facebook của riêng mình - cuốn sổ lưu niệm.

Tôi vô cùng may mắn khi bà dành cả tuổi hưu để tập trung bảo tồn cuộc sống của con cháu trong những cuốn album ảnh tuyệt đẹp. Bà kết hợp những bức ảnh của bà, của các con và các cháu, điều thú vị là bọn trẻ nhà tôi luôn tròn mắt kinh ngạc khi xem ảnh của bà lưu giữ khoảnh khắc các thành viên gia đình với bạn bè và những người thân thuộc trong các sự kiện lớn nhỏ.

Bọn trẻ thích xem ảnh để nhìn lại quá khứ, nói về những kỷ niệm chúng ghi nhớ hay bàn luận về những gương mặt trong ảnh mà chúng đã quên.

Vậy nên, tôi thừa nhận mình đã ra khỏi cuộc chơi, để tránh cảm giác bà mẹ tội lỗi không ghi lại cuộc sống của con nên mạng xã hội. Thay vào đó, tôi biết rằng có những kho báu trên kệ sách nhà mình - những cuốn album cổ lỗ sĩ lưu giữ những khoảnh khắc vô cùng quý giá, như cuối hồi ký về cuộc sống tuyệt vời của cả gia đình.

Khi bạn thấy tôi thích các bài đăng của bạn hay "thả tim" cho bạn, hãy hiểu rằng tôi đang bày tỏ sự ngưỡng mộ, tôn trọng và có thể cả ghen tị nữa.

Nhưng khi bạn không thấy tôi chia sẻ gì về con cái, gia đình mình, đừng hiểu là tôi đã rơi ra khỏi trái đất nhé, chỉ là tôi đang quan tâm ít hơn đến cuộc đua mình tự tạo ra trong đầu, để dành thời gian cho những thứ thực sự đang hiện hữu trước mặt mà thôi.

H.A
Theo SK