“Luyện” chồng

Bạn bè đến chơi, chàng vẫn luôn hớn hở khoe vợ mình là phụ nữ hai giỏi “nuôi con khỏe, dạy chồng ngoan”. Đấy là chàng nói, chứ vợ chả dám vỗ ngực xưng danh, kẻo lại mang tiếng lấn lướt chồng.

 
“Luyện” chồng - 1


Chàng là con út, cũng là con trai duy nhất trong một gia đình có đến chín cô con gái. Khỏi nói cũng biết sự ra đời của chàng được họ hàng, gia tộc chào đón hoan hỉ thế nào. Được nâng hứng, từ bé chàng chẳng biết gì ngoài việc ăn học. Cũng may là cái sự học hành thông đã đưa chàng lên thành phố, lấy vợ và ở lại lập nghiệp đến giờ.

 

Cuộc sống gia đình bộn bề lập tức tố giác cái “vô tích sự” của chàng. Việc to nhỏ lớn bé gì trong nhà cũng đều đến tay vợ, chàng chỉ biết đi làm, xem tivi, online chat chit và ngủ. Yêu nhau mấy năm, dẫu đã biết tính chàng, nhưng lúc mới cưới, vợ chàng sốc lắm. Đi làm về mệt, cơm nước chưa nấu, nhà cửa bừa bộn mà chàng thì thản nhiên ngồi chơi game, vợ không hét toáng lên sao được. May mà có mấy chị trong cơ quan “cố vấn” nên cuối cùng vợ cũng lên được một kế hoạch tỉ mỉ để “cải tạo” chàng.

 

Đầu tiên, những việc dao cưa kềm búa của đàn ông dứt khoát phải thuộc về chàng. Hai đứa ở trọ, căn phòng bé xíu, điện đóm chập chờn nên lắm thứ hư hỏng. Nay quạt hỏng, tuýp điện cháy; mai lại tắc ống thoát nước, bản lề cửa gãy... Chàng quen thói công tử, nhất nhất việc gì cũng gọi thợ. Vợ mặc chàng muốn gọi ai thì gọi, nhưng tiền công cán thì chàng tự thanh toán. Tiền lương đã nộp đủ cho vợ nên mấy khoản chi thêm này làm chàng héo hon. Đó là chưa kể mỗi lần gọi được ông thợ cũng nhiêu khê. Rốt cuộc, chàng đành tự thân vận động, đương nhiên là với sự trợ giúp đắc lực của vợ.

 

Thắng lợi bước một, vợ rón rén tiếp bước hai: Tập cho chàng làm việc nhà. Hai vợ chồng son, cơm nước đơn giản, rửa có vài cái chén chứ có gì đâu mà đùn đẩy. Nhưng, vì muốn “luyện” chàng nên vợ phải giở bài “em mệt” để nhờ vả. Năm lần bảy lượt, chàng nhăn nhó nhưng cũng miễn cưỡng động tay, động chân. Chàng làm xong, bao giờ vợ cũng nhiệt liệt cảm ơn như thể chàng là đấng phu quân hào hoa mã thượng nhất đời (cái chiêu nịnh này là do mấy bà chị bỏ nhỏ, vợ chỉ sáng tạo thêm thôi). Cũng với chiêu đó, vợ dần tập cho chàng phơi quần áo, lau nhà. May là chàng thương vợ nên việc gì cũng gắng đỡ đần, chứ chàng ù lì không nhúc nhích chắc vợ cũng thua.

 

Nan giải nhất là cuộc chiến “nói không” với căn bệnh ỷ lại của chàng. Ai đời là đàn ông trong nhà, việc lớn việc nhỏ gì chàng cũng bảo “tùy em”, chẳng mảy may quan tâm. Lúc đầu vợ chán, tự quyết cho xong việc, nhưng mấy quân sư quạt mo của vợ thì nhất quyết bắt phải lôi chàng vào cuộc. Nói thì dễ, chứ “uốn” được chàng cũng công phu lắm bề. Vợ toàn lựa lúc chàng vui vẻ mới dám ngọt nhạt dỗ dành, năn nỉ. Chàng công tử quen được phục vụ tận răng, nay phải cặm cụi chở vợ đi mua sắm, cũng tập xem xét hàng hóa, giá cả, tập ra quyết định. Đến khi hai vợ chồng tích cóp được tiền mua nhà, thì chàng đã có thể tư vấn cho vợ ngon lành.

 

“Ăn hiếp” chàng vậy, chứ vợ cũng luôn biết giữ sĩ diện cho chàng. Mỗi khi có khách ở quê ra, vợ lại đóng vai thục nữ ngoan hiền, chăm lo tất tần tật để chàng rảnh rang ngồi xem tivi, tiếp chuyện khách. Nhưng chàng theo thói quen, vẫn cứ nhào vô phụ vợ. Có bữa má chồng lên chơi, mắt tròn mắt dẹt nhìn ông con cưng hì hụi lau nhà, buông lời mát mẻ: “Mày cưng vợ dữ ha!”. Vợ sợ điếng người, trong khi chàng tỉnh bơ ôm má, giả lả: “Nịnh vợ mới có cơm ăn chớ má”. Má cười cho qua chuyện, chứ bụng chắc xót ông con dữ lắm. 

 

So với ngày mới cưới, giờ chàng đã “lên đai” lắm rồi - chuyện phụ vợ dọn dẹp nhà cửa hay chăm con đã là chuyện nhỏ. Thỉnh thoảng có dịp, vợ lại dài giọng trêu: “Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy chồng từ thuở bơ vơ mới về”. Chàng vênh mặt: “Nam nhi chi chí, sá gì mấy việc vặt của đàn bà. Thương vợ thì giúp, chứ còn khuya mới dạy được đây, nhé”.

 

Ghẹo chàng vậy thôi, chứ vợ thừa biết cục tự ái của chàng to như núi, dễ gì chịu mang tiếng bị “vợ dạy”. Chẳng qua là vợ dùng kế mưa dầm thấm lâu, lạt mềm buộc chặt, nên chàng có lười biếng muốn tránh việc cũng khó bề... tẩu thoát.

 

Theo ThuGia68

Phụ Nữ