ĐBSCL

Lũ về, hãy để mắt đến các trẻ em

(Dân trí) Hàng năm, cứ đến mùa nước nổi là tình trạng đuối nước ở trẻ em tại các tỉnh ĐBSCL lại tái diễn. Nhằm ngăn chặn thực trạng này, nhiều địa phương đã triển khai mô hình giữ trẻ mùa lũ, giúp cho các phụ huynh có thể an tâm mưu sinh khi nước về.

Trẻ đuối nước đa phần cha mẹ “bận” mưu sinh

Tại vùng ĐBSCL, 2 địa phương có số lượng trẻ đuối nước khá cao là An Giang và Đồng Tháp. Trong năm 2011, An Giang có 49 trường hợp trẻ bị đuối nước. Còn Đồng Tháp, có đến 77 trường hợp (tính từ đầu năm 2011 đến hết 6 tháng đầu năm 2012). Trong đó, số trẻ dưới 5 tuổi tử vong tại nhà và khu vực xung quanh nhà chiếm tỷ lệ cao nhất với nhiều vụ đuối nước rất thương tâm, chủ yếu là do môi trường sống tại các gia đình vẫn chưa an toàn, các bậc cha mẹ đa số bận việc mưu sinh nên quên mất việc chăm trẻ nên xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Cách đây không lâu, ngày 22/6, 3 cháu bé gồm: Nguyễn Minh Quỳnh Như (8 tuổi), Nguyễn Minh Đạt (6 tuổi) và Đinh Lý Thu Trâm (7 tuổi) được gia đình đưa về nhà ngoại ở  ngụ tại ấp Đông Khánh, xã Tân Khánh Đông (TX Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) chơi. Gần nhà ngoại có cánh đồng vắng, nên các cháu xin phép gia đình ra ngoài mò cua, bắt cá. Do sơ  suất và không có sự giám sát của người lớn, trong lúc chơi đùa ngoài đồng, cả ba cháu bé đã lọt xuống hố nước và bị chết đuối.

Lũ về, hãy để mắt đến các trẻ em

Đến mùa nước nổi, các phụ huỳnh thường bận việc mưu sinh nên thường để các bé ở nhà một mình nên tình trạng các bé bị đuối nước vẫn còn diễn ra


Một thực trạng đáng lo ngại không chỉ ở các vùng nông thôn mà ngay ở thành thị ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do đặc thù của địa phương có hệ thống sông ngoài chằng chịt, nhiều kênh rạch, ao hồ xung quanh nhà nên tiền ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho trẻ. Trong khi đó, phần lớn các phụ huynh thì mãi lo mưu sinh, nên thiếu quan tâm đến con trẻ, dẫn đến tình trạng trẻ sơ ý té xuống nước tử vong.

Tình trạng trẻ đuối nước ở các vùng nông thôn hiện đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Số trẻ bị đuối nước có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Thống kê mới đây của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), mỗi ngày trên cả nước có khoảng 10 trẻ em tử vong do đuối nước.

Đặt an toàn cho trẻ lên hàng đầu

Để hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ đuối nước, trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, … đã nổ lực triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em vùng lũ. Tại Đồng Tháp, hiện có trên 350 điểm giữ trẻ cộng đồng được duy trì từ năm 2010, phân bổ đều tại các huyện, thị đầu nguồn tùy theo nhu cầu thực tế của mỗi địa phương, như: TX Hồng Ngự (có 36 điểm giữ trẻ), Tháp Mười (có 22 điểm giữ trẻ)…

Không chỉ vậy,  UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo ngành chức năng triển khai kế hoạch phổ cập bơi cho trẻ em từ từ 7 - 15 tuổi, phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 18% trường đưa môn bơi vào giảng dạy ngoại khá cho học sinh. Ở cấp tỉnh mở 20 lớp, dạy 400 trẻ em biết bơi; cấp huyện, thị, thành phố mở 782 lớp, dạy cho gần 20.000 trẻ em biết bơi, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ đuối nước từ 5 - 10%...

Mô hình giữ trẻ mùa lũ tại An Giang, Đồng Tháp mang lại hiệu quả rất cao

Mô hình giữ trẻ mùa lũ tại An Giang, Đồng Tháp mang lại hiệu quả rất cao

Ông Trần Văn Lập, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) chia sẽ: “Mô hình nhóm trẻ cộng đồng đáp ứng nhu cầu của người dân ở vùng khó khăn. Sắp tới huyện sẽ mở thêm 10 nhóm trẻ cộng đồng mới theo nhu cầu của địa phương, ưu tiên mở lớp tại các xã bị ảnh hưởng lũ”. 

Riêng tại An Giang, mùa lũ năm nay, tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch tổ chức khoảng 50 điểm giữ trẻ tại các vùng ngập sâu, mỗi điểm  tập trung từ 15-40 trẻ. Trong những ngày lũ lớn, chính quyền địa phương sẽ  tổ chức đưa, rước trẻ vùng lũ đến trường, đảm bảo các điều kiện chăm sóc dinh dưỡng, y tế, học tập, vui chơi và giải trí…

Nhằm tăng cường công tác quản lí các hoạt động nuôi và giữ trẻ mùa lũ đi vào nề nếp và hoạt động tốt, UBND hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã có quyết định hỗ trợ đối với trẻ thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách sẽ được nhận 15.000 đồng/ngày/trẻ, đối với cô nuôi, giữ trẻ  được hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng, các điểm có từ 15 - 25 trẻ được hỗ trợ 2 cô/điểm, từ 25 - 40 trẻ được hỗ trợ 3 cô/điểm.  

Thiết nghĩ ngoài việc các cơ quan chức năng ra sức chăm môm các bé thì các phụ huynh, người thân trong gia đình phải đặc biệt quan tâm đến các bé trong độ tuổi dưới 5 hoặc các bé chưa biết bơi. Một mặc chủ động tập bơi cho trẻ và nếu gia đình bận việc mưu sinh thì phải đưa trẻ đến các điểm giữ trẻ cộng đồng, nhằm tránh những tai nạn đau lòng xảy ra đối với các bé khi mùa lũ lại về.

                                                                                                             Nguyễn Hành