Lấy vợ “duy tâm”

(Dân trí) - Vừa mở cửa, Khang suýt sặc vì mùi hương khói nghi ngút trong nhà. Căn hộ tập thể chừng vài chục mét vuông kê đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh. Ở giữa, Oanh, vợ Khang, đang loay hoay khấn vái.

Từ khi Oanh cứ mê mải đi hết “cô này cậu kia” để tìm ra phương pháp giữ hạnh phúc vợ chồng, Khang bắt đầu thấy cuộc sống có nhiều đảo lộn.

 

Mọi căn nguyên cũng đi từ sự rủ rê của mấy cô bạn đồng nghiệp Oanh: “cậu ấy xem hay lắm, cái gì cũng đúng, em nên đi xem đi”. Thế là Oanh lặn lội vào tận Thanh Hóa gặp “cậu”. Nghe “cậu” phán: “Chồng con đang có người theo, không biết giữ thì mất”, Oanh đâm hoang mang, quýnh lên “trăm sự nhờ cậu giúp”. 

 

Những lời nói của “cậu” khiến Oanh đâm nghi ngờ chồng không chung thủy. Cô lên kế hoạch theo dõi, kiểm soát mọi hành động, mọi quan hệ của chồng. Mỗi lần Khang đi làm về muộn, hay đi công tác xa, Oanh đều bực tức: “Chắc anh ấy lại đang đi với tình nhân”. 

 

Khang thấy cách vợ quan tâm đến mình thật quá đáng. Từ chuyện tiêu tiền, đến thời gian làm việc, rồi ở cơ quan gặp gỡ những ai, quan hệ thế nào, Oanh đều bắt anh khai báo. Lâu dần Khang cảm thấy khó chịu. Cuộc sống vợ chồng lục đục. Oanh lại càng có cớ thường xuyên bỏ bẵng gia đình, con cái để lặn lội đi tìm “thầy” giúp.

 

Phú quý sinh lễ nghĩa

 

Từ lúc chồng lên chức trưởng phòng, chị Thanh quan tâm đến chuyện cúng lễ hơn. “Có thờ có thiêng”, chị đi hết cửa này cửa nọ, hễ được ai mách là chị khăn gói lên đường lễ lạt ngay, dù xa xôi cách mấy. Chồng chị ít quan tâm đến cúng lễ, giờ thấy lo vì vợ lúc nào cũng chỉ tin có lời “thầy”.

 

Chị bắt anh đi làm giờ đẹp, đồ đạc trong phòng làm việc phải kê lại sao cho hợp tuổi. Đồng nghiệp quan tâm đến anh, chị nghi ngờ họ “phá hoại công danh ngầm”. 

 

Rồi cái gì chị cũng nhờ vào “thầy”, người trong nhà ốm đau, công việc gặp khó khăn, gia đình lục đục, chị đến “cửa” thấy tuốt.

 

“Thầy nói anh đang có người chèn ép, không thể chức cao vọng trọng, nhà mình phải làm lễ mời thầy về, rồi lên điện thầy lễ tạ” - chị Thanh thì thầm kể với chồng. Thế rồi chị lo sắm sửa lễ, mỗi cái cũng tốn đến bạc triệu.  

 

Nhiều lần được anh nhẹ nhàng khuyên bảo: “Số phận do mình quyết định chứ không nên trông chờ vào thần thánh”, chị lại tự ái giận chồng. Không ít lần vợ chồng mâu thuẫn, bất hòa chỉ vì anh không chịu nổi chị mê tín quá mức.

 

Mấy tháng trước, thằng bé con bị bệnh không rõ nguyên nhân. Trong khi anh thúc giục chị đưa con đi viện khám, chị lại đi tận Nghệ An để tìm “thuốc thánh” cho nó, rồi mời thầy làm lễ.

 

Cả nhà một phen hú vía khi bệnh tình thằng nhỏ càng nặng. Gia đình đưa nó đến viện, bác sĩ bảo chỉ chậm chút nữa là nguy hiểm đến tính mạng rồi. Sau đận ấy, chị vẫn nhất mực rằng không phải chị mê tín, mà tại anh không tin nên thuốc thánh không hiệu nghiệm.

 

Thành tâm thờ cúng ông bà tổ tiên là việc nên làm, cũng là nét văn hóa, lễ nghĩa đẹp của người Á Đông. Nhưng quá lạm dụng, cả tin vào những điều thần thánh tới nỗi ảnh hưởng xấu đến cuộc sống gia đình lại là chuyện cần phê phán.

 

Những bà vợ nên hiểu, con thuyền gia đình do chính tay mình chèo lái, khi sóng to gió cả mà các chị không chuyên tâm vững tay thì có bỏ chèo chạy “xin” cửa nọ, “kêu” cửa kia cũng chẳng thánh thần nào cứu nổi.

 

DK