Làm gì khi chồng là “nhà tài trợ”?

(Dân trí) - Rất nhiều cặp chồng ngoại tỉnh - vợ Hà Nội lục đục cãi nhau chỉ vì chuyện “trợ cấp” cho gia đình ở quê. Vậy làm thế nào để cân bằng được bên tình - bên hiếu?

“Em chán lắm. Em mệt mỏi lắm rồi. Anh lúc nào cũng chỉ biết đến mẹ anh, em anh thôi. Còn em thì sao, con anh thì sao? Nhà cửa lúc nào cũng tan hoang, không có thứ đồ đạc giá trị nào hết. Suốt ngày lo tìm chỗ thuê nhà. Thế mà nay gửi tiền, mai gửi tiền. Trời ơi! Sao tôi lại khổ thế này!”, tiếng chị Thu nức nở.

 

Vợ chồng Thu - Hà nhập cũng vào loại khá. Anh Hà làm việc cho một văn phòng đại diện nước ngoài, vợ làm cho một công ty liên doanh, tổng thu nhập cũng được trên chục triệu mỗi tháng. Với một gia đình 3 người thì như vậy cũng là thoải mái dù chưa có nhà riêng, vẫn phải đi thuê nhà. Vậy mà chẳng mấy khi anh chị để dành ra được khoản nào.  

 

Bởi chẳng cần biết vợ chi tiêu cho gia đình cùng 1 cậu con trai 4 tuổi thế nào, anh Hà kiểu gì cũng tìm cách “bóc” ra vài triệu gửi về quê cho bố mẹ cùng 2 cô em chồng với đủ mọi lý do... Khi thì cô em  chuẩn bị tốt nghiệp Đại học cần tiền làm luận án; khi thì ở quê đóng tiền họ, khi thì mẹ chồng cần vốn để gây lại đàn gà đã chết vì dịch H5N1.v.v.

 

Mà cô em chồng chị Thu, học đại học: anh trai nuôi. Đi làm cần tiền xin việc: anh trai lo. Khi 1 cô đi làm rồi, có tiền lương rồi: anh trai mua xe máy. Anh trai hàng tháng đều biếu tiền cho bố mẹ còn cô em ở cùng thì lý luận: “Em mới đi làm còn phải mua nhiều thứ” để khỏi phải đóng góp khoản nào.

 

Còn cậu em chồng thì học xong đại học sư phạm, đi dạy một thời gian rồi bảo là không muốn làm giáo viên nữa mà muốn làm … kế toán. Thế là lại đi học 3 năm nữa, tất nhiên người chu cấp vẫn là anh Hà.

 

Bố chồng chị Thu thì tự hào về cậu con trai lắm. Ông thường khoe với họ hàng làng xóm là: “Thằng Hà nhà tôi làm ra hàng chục tấn thóc một tháng”.

 

Chị Thu sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Với bản tính hiền lành chị thường không hay ra lời nhưng sau 5 năm chung sống, cộng với tình hình lạm phát và thấy càng ngày gia đình nhà chồng càng phụ thuộc vào vợ chồng chị, lúc này chị thấy không thể đừng được nữa. Đầu tiên chỉ là tỉ tê: “Dạo này em đi chợ thấy giá cả tăng ghê quá! Sữa của cu Bin giờ lên gần gấp rưỡi rồi. Tiền học của con cũng tăng rồi đấy…!” nhưng ngày qua ngày, anh Hà không phản ứng gì. Việc gửi tiền về quê cho bố mẹ anh vẫn là bất di bất dịch. Đến lúc thấy vợ nói nhiều quá thì anh Hà gắt: “Bố mẹ sống được bao lâu nữa mà cằn nhằn”.

 

Chị Hà cảm thấy bế tắc, áp lực cuộc sống gia tăng khi thấy chồng không chia sẻ. Từ chỗ yêu quý gia đình nhà chồng, chị sinh ra ác cảm với họ, cảm giác như gia đình nhà chồng không biết, cố tình cố không biết, chỉ trông chờ vào vợ chồng chị. Vì hiền lành, không muốn to tiếng nên tự lúc nào, hai vợ chồng thành ly thân.

 

Bích Hồng