Khi vợ thích “bán than”

Sáng nay, ông anh cột chèo bỗng dưng gọi điện rủ uống cà phê. Nói quanh co một lúc, anh đột ngột quay sang hỏi chuyện gia đình: “Hai cửa tiệm dạo này làm ăn ì ạch lắm sao? Có cần giúp gì thì lên tiếng nghen dượng”...

Nhìn vẻ mặt đầy thương cảm của anh, chồng biết vợ đã than vãn không ít khi sang chơi nhà anh chị.
 
Khi vợ thích “bán than”


 

Vợ hay lo nghĩ xa xôi rồi ca thán đủ điều. Vợ đâu biết lâu nay chồng con đã phải chịu đựng khổ sở thế nào khi bị vợ “tra tấn” gần như đều đặn mỗi ngày. Sáng tinh mơ, vừa đặt phần điểm tâm trước mặt chồng là vợ bắt đầu “điệp khúc ngày mới”. Quanh quẩn cũng chỉ là chuyện vật giá leo thang. Thấy chồng lặng thinh, vợ tiếp tục: “Cả tháng nay em chỉ dám lót dạ buổi sáng bằng ổ bánh mì hay gói xôi thôi”.

 

Đã dặn bao nhiêu lần, cái gì cũng có thể tiết kiệm, nhưng việc ăn uống thì không nên, nhà mình có túng thiếu đến nỗi phải vậy, sao vợ mải lo rồi than vắn thở dài. Nghe vợ “thắt lưng buộc bụng” đến nỗi không dám ăn sáng, tự dưng chồng cũng cảm thấy khó nuốt, dù tô phở vợ mua về đang tỏa khói thơm lừng. Vợ khiến chồng nghĩ mình giống như kẻ hưởng thụ ích kỷ, không biết lo lắng cho gia đình.

 

Tháng nào chồng cũng trích tiền lãi đưa vợ. Lúc nào vợ cần thêm đột xuất thì đã có sẵn thẻ ATM trong tay. Thống kê sổ sách chồng đều kể vợ nghe. Tích lũy được bao nhiêu vợ rõ hơn ai hết. Việc buôn bán của nhà mình tuy không lớn nhưng ổn định và cũng có dư. Vợ chỉ việc chăm lo nhà cửa bếp núc, chuyện tiền nong cứ để phần chồng. Đã bao lần ngọt nhạt phân tích cặn kẽ rồi trấn an như vậy, nhưng vợ vẫn “chứng nào tật nấy”.

 

Tuy đã quen buôn bán hơn 20 năm nay nhưng từ khi mở thêm chi nhánh mới, chẳng lúc nào đầu óc chồng được thảnh thơi. Bao nhiêu thứ phát sinh, từ hàng hóa, nhân viên đến thuế vụ, khách hàng… Vợ nói mình chỉ quen nội trợ, không hợp mua bán nên không thể giúp chồng. Thật ra, chồng cũng chỉ thích vợ dành thời gian chăm sóc con cái. Sẽ ấm cúng biết bao nếu mỗi ngày sau giờ làm, được thấy cả nhà quây quần vui vẻ bên nhau. Đằng này, hễ lúc nào gặp mặt chồng là vợ lại “bán than”. Chồng không thích vợ hở chút lại “nhồi nhét” vào đầu con những lời than vãn. Mỗi lần như thế, con cứ cúi gằm mặt, không dám nói gì, trông chúng mất cả sự hồn nhiên.

 

Chồng cũng không thích vợ than vãn chuyện tiền nong với bạn bè, người thân. Tại sao lại phải ra vẻ đáng xót thương trong khi kinh tế gia đình mình thật sự ổn? Hơn nữa, lúc “bán than” vợ có nghĩ hình ảnh người đàn ông trụ cột trong nhà bị bóp méo nghiêm trọng không? Nói như vậy không có nghĩa chồng chê trách vợ, chỉ mong vợ nhìn ra điều không hay để sửa đổi. Có những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng không phải thế. Nếu chúng cứ lặp đi lặp lại, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự bình yên của gia đình.

 

Theo Việt Dũng

PNO