Khi mẹ và vợ xung đột do ghen tuông

Bạn đang rơi vào hoàn cảnh "bên tình bên hiếu"? Những lời trách móc của mẹ, những giọt nước mắt của vợ hẳn chỉ khiến bạn bối rối thêm. Thực ra, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều khi bạn xác định được "thủ phạm" và xử trí một cách bình tĩnh.

Thường thì sự căng thẳng giữa mẹ chồng và nàng dâu bắt đầu khi bà mẹ thấy con trai mình đã yêu vợ nó nhiều hơn yêu mình. Bà thấy mất mát tình cảm. Ngày xưa, tình cảm của con trai được dành trọn vẹn cho bà, không phải chia sẻ với ai, nay bị con dâu lấy bớt đi, bà ghen với con dâu cũng... đúng thôi. Đó là một tình cảm tự nhiên khi lý trí không đủ sức can thiệp để bà mẹ chồng nhận ra mình đã sai.

 

Bên cạnh đó, nhiều anh con trai quá “vô tư” khi chăm sóc vợ lộ liễu trước mắt mẹ, "quên” quan tâm đến mẹ. Ví dụ, ngày 8/3 nhiều anh tặng hoa cho vợ, nhưng lại không tặng cho mẹ. Vì ghen nên bà mẹ “chẻ sợi tóc làm tư” để tìm lỗi của con dâu rồi ca thán với con trai nhằm khôi phục tình cảm của nó đối với mình. Khi bị rơi vào hoàn cảnh đó, người chồng bị xâu xé giữa bên tình và bên hiếu, không biết bỏ ai, theo ai.

 

Có người chủ trương phải bênh mẹ vì mất mẹ thì không còn mẹ khác chứ mất vợ thì còn lấy vợ khác được. Những người ấy sẽ bênh mẹ và mắng vợ mỗi khi nghe mẹ trách móc, không cần phân biệt ai phải ai trái.

 

Giải quyết thế nào?

 

Là người đàn ông được hai "đối thủ" chọn làm trọng tài, nếu bạn biết xung đột xuất phát từ sự ghen tuông thì khi chiến sự xảy ra, bạn phải chọn phe ngay. Hoàn cảnh xung đột sẽ được kể lại cho bạn có pha lẫn sự chì chiết nếu là từ mẹ; hoặc có lẫn nước mắt nếu là từ vợ.

 

Khi nghe như thế, trong suy nghĩ của mình, bạn nên bênh vợ. Xin nhấn mạnh là “trong suy nghĩ” thôi nhé, chứ không phải hành động. Nếu không có thái độ rõ ràng, bạn sẽ bị bối rối giữa hiếu và tình, phán đoán không còn sáng suốt.

 

Lý lẽ của việc chọn phe là: Trước hết, mẹ bạn là người gây ra mâu thuẫn, là người làm quan trọng lỗi của vợ bạn. Thứ hai, giờ đã là người có vợ; bạn không thế báo hiếu theo kiểu con trai độc thân được nữa. Thứ ba, đối với vợ mình, bạn phải có bổn phận của một người chồng. Thứ tư, vợ bạn sẽ sinh con cho bạn; hình ảnh bạn được duy trì mãi mãi về sau là nhờ có vợ bạn. Vậy thì bạn hãy cứ an tâm mà đứng về phe vợ trong vấn đề này.

 

Khi nghe mẹ kể và đã chọn được chỗ đứng cho mình để sáng suốt phân tích, bạn sẽ nhận ra ngay mẹ mình đúng ở điểm nào, sai ở điểm nào. Kể cho bạn xong, mẹ bạn cũng chỉ muốn bạn phải biết “dạy vợ" và phải chia sẻ tình cảm cho bà nhiều hơn cho vợ. Mục đích của bà chỉ là thế thôi. Chính bà đã đi hỏi vợ cho bạn, nên chẳng bao giờ bà có ác tâm với con dâu. Vậy bạn hãy nói với mẹ đại ý là con sẽ bảo vợ con.

 

Đừng gọi vợ là “nó” vì như thế là khuyến khích mẹ tìm lỗi tiếp. Bạn cũng không xin lỗi mẹ thay vợ vì như thế là mất lập trường, và thực sự mẹ bạn chỉ muốn vợ bạn xin lỗi. Bà muốn nàng khuất phục bà.

 

Trong thái độ bênh vợ, bạn sẽ nói chuyện với vợ. Vì đã bênh, nên bạn sẽ từ tốn với vợ. Thái độ đó sẽ làm vợ bạn vui, vì nhận ra chồng mình đang đứng về phía mình. Vì tin tưởng bạn, vợ bạn cũng sẽ nhỏ nhẹ với bạn, sẽ kể nguồn cơn nhưng tỉnh táo hơn, không bù lu bù loa đổ tội cho mẹ hay nức nở để lôi kéo bạn bênh mình. Hai người ở trong trạng thái bênh nhau và tin nhau thì sẽ phân tích được vợ bạn đã sai chỗ nào, đúng chỗ nào.

 

Tất nhiên, vợ bạn có thể chống chế nhưng không mãnh liệt, vì biết bạn bênh mình. Nếu được chồng đứng về phía mình, vợ bạn sẽ "biết điều" để nhận phần thiệt về mình, miễn là mẹ chồng và chồng được vui. Mẹ chồng bắt lỗi nàng dâu thật ra không phải muốn điều ác cho cô ấy. Sự hài hòa sẽ dần được tạo lập khi mẹ bạn cảm nhận được “sự khuất phục” của con dâu.

 

Theo Phụ nữ TPHCM