Khi em chồng là “cái nợ”

“Alô anh à, chuẩn bị cho em mấy triệu đóng tiền học và tiền nhà tháng này nhá, cuồi tuần em qua lấy!”. Cái trát xin tiền của thằng em chồng chỉ ngắn ngủi có vậy nhưng làm chị Hạnh (TPHCM) lo mất mấy ngày.

 

Nhà chồng ở quê, bố mẹ chồng đã già nên dù không ai nói, chồng chị tất nhiên là người nuôi em. Nhưng nếu chỉ nuôi ăn học mà thằng em ngoan ngoãn thì vợ chồng chị cũng cố. Đằng này nó đua đòi, chơi bời nhiều hơn học, tiền chi cho nó mỗi tháng không dưới 5 triệu.

 

Chị Hạnh nhiều lần cằn nhằn nhưng chồng lại tặc lưỡi, nhà tôi chỉ có mỗi hai anh em, không thương nó thì thương ai? Hai vợ chồng xích mích nhiều lần vì chuyện em chồng. Chị cho rằng cho tiền em dễ quá nên nó sinh hư, không tự lập, động tí là vòi tiền anh chị. Anh thì nghĩ vợ chặt chẽ với nhà chồng, bố mẹ đã không phải sống cùng, giờ có mỗi thằng em mà còn này nọ. Có lần căng thẳng, anh nóng giận đã tuyên bố: “Anh em tôi sống chết có nhau. Em tôi mà không có nhà ở cho đàng hoàng thì làm sao tôi sống yên ổn trong căn nhà đầy đủ tiện nghi được”. Nghe chồng tuyên bố, chị Hạnh ngầm hiểu ý, rằng phải chiều em chồng thì chồng mới vui vẻ.

 

Có những đợt chưa thuê được nhà, em chồng về ở nhờ nhà anh chị gần tháng trời. Nó đi muộn, về còn muộn hơn. Một, hai giờ sáng mới rồ xe lao về, bấm chuông cửa ầm ĩ làm cả nhà giật mình. Chị cằn nhằn. Hôm sau thằng em “tế nhị” hơn bằng cách gọi điện thoại cho anh trai xuống mở cửa. Báo hại cái điện thoại để ngay đầu giường, làm con bé 2 tuổi đang ngủ giật mình khóc toáng. Cả nhà lại mất ngủ. Đi thì chớ, lúc nào ở nhà thì thằng em nằm ườn nghe nhạc, quần áo vứt bừa bãi đầy nhà tắm.

 

Em chồng ở nhờ có 3 tuần mà chị Hạnh stress nặng. Lên cơ quan, chị làm mỗi việc là vào mạng tìm nhà cho nó. Hết giờ làm, chị tranh thủ lượn thêm hai giờ đồng hồ để đi kiếm nhà thuê, mong chóng tống thằng em chồng quấy nhiễu ra khỏi nhà càng nhanh càng tốt.

 

Người ta thường bảo: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” nhưng chị Liên Chi lại rất may mắn khi có cô em chồng tuyệt vời.

 

Ngày Chi mới sinh, sáng nào em chồng cũng dậy lo thức ăn sáng cho chị chồng, hôm thì bát phở, hôm thì nắm xôi. Rồi cô em đi lấy chồng nhưng vớ phải một kẻ không công ăn việc làm, sống bám vào cửa hàng trên phố của vợ nhưng lại chơi bời, cờ bạc và hay đánh đập vợ. Cô em chồng đảm đang là thế nhưng gặp phải ông chồng bạo lực thì không biết làm thế nào.

 

Tuần mấy bận vợ chồng Chi phải chạy lên nhà can thiệp chuỵên gia đình nhà em chồng. Nói mãi, khuyên mãi, nhẹ nhàng có, đe doạ có nhưng gã em rể cứ trơ trơ, rượu vào là đánh vợ. Cuộc sống của vợ chồng Chi bỗng dưng cũng bị lây. Mới đầu cũng thương em chồng, nhưng chuyện kéo dài hết năm này qua năm khác, đôi khi Liên Chi cảm thấy bức xúc vì cuộc sống gia đình cô cũng bị ảnh hưởng. Nhiều tối vợ chồng con cái đang vui vẻ, em chồng gọi điện khóc lóc, chồng Chi buồn vì thương em, tức giận vì thằng em rể, đâm ra không khí gia đình lại ủ rũ theo.

 

“Anh em kiến giả nhất phận” nhưng thực tế, anh chị em chồng rất có ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của từng người. Nếu chồng bạn là con trưởng, anh ấy sẽ có tâm lý lo lắng và chịu trách nhiệm đến từng đứa em dù chúng có gia đình riêng. Nếu chồng bạn là con thứ hoặc con út, tiếng nói của các anh chị lớn trong nhà sẽ rất có giá trị và ảnh hưởng nhiều đến quyết định của chồng bạn. Vậy, ứng xử với anh chị em chồng cho phù hợp  có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống riêng của gia đình nhỏ nhà bạn là điều mà mỗi người vợ phải cân nhắc.

 

Vợ nên làm gì?

 

Nếu chồng bạn là con trưởng

 

Hãy chuẩn bị tư tưởng gánh vác và trách nhiệm. Bạn không thể từ chối vai trò của mình dù công việc ấy không hề nhẹ nhàng. Nếu em chồng thiếu tiền xây nhà, em chồng nhờ vả việc nọ việc kia, bạn nên “tích cực” dù đôi khi không muốn. Hãy chiều lòng chồng, bạn sẽ được nhiều hơn mất.

 

Nếu chồng bạn là con út

 

Hãy chấp nhận một thực tế, anh ấy chỉ lắng nghe ý kiến của bạn để tham khảo chứ không phải để quyết định. Bởi anh ấy còn phải tham khảo thêm ý kiến của các anh chị trong gia đình. Có thể bạn sẽ hơi khó chịu về điều này, tuy nhiên, không nhất thiết là phải phản đối chồng. Hãy từ từ, theo thời gian, bạn sẽ tập cho anh ấy quen với chuyện giảm bớt sức ảnh hưởng của gia đình trong mỗi quyết định của vợ chồng bạn.

 

Nếu gặp phải cô em chồng ghê gớm

 

Cô ấy hay nói xấu bạn với chồng hay bố mẹ chồng? Cô ấy hay nhõng nhẽo nhờ chồng bạn việc nọ việc kia mà bạn cho là mất thời gian và vô bổ? Đôi khi bạn vẫn phải kiên nhẫn. Dù sao bạn cũng là chị và phải tập tính độ lượng dù đôi khi bạn cực kì bực tức. Dù sao em gái chồng vẫn phải xuất giá và thời gian để cô ấy làm những việc vô bổ không còn lâu nữa.

 

Nếu bạn có một cậu em chồng lêu lổng và không an toàn

 

Có thể em chồng hay tiêu xài hoang phí, hay trộm cắp, nghiện ngập? Đây là “cái nạn” của cả gia đình chứ không phải mình bạn. Hãy cùng mọi người đối mặt với cái nạn này chứ không thể có chuyện mặc kệ mọi người, miễn là “nó” đừng động đến bạn. Tuy nhiên, nên có sự cẩn thận tế nhị với két sắt của gia đình bạn. 

 

Theo Đẹp