Khi chồng coi tiền như vỏ hến

(Dân trí) - Để mái nhà thực sự là tổ ấm, người đàn bà phải biết lo toan và vun vén cho gia đình. Thế nhưng, tôi có vun vén bao nhiêu cũng không lại được cái tính “vung tay quá trán” của chồng.

 
Khi chồng coi tiền như vỏ hến - 1


 
Ngày trước, khi tôi yêu anh, gia đình tôi phản đối lắm vì anh quê đất miền Trung. Mẹ tôi bảo: “Dân cá gỗ, lấy nó sau này nó bo bo giữ của thì mày khổ cả đời”. Giá như anh có một chút ít tính ấy… Đằng này, anh tiêu tiền như vung vỏ hến.

 

Anh là người coi trọng và nhiệt tình với bạn bè. Một tuần không ít thì nhiều, anh em bạn bè lại ngồi với nhau một bữa. Tôi chẳng phàn nàn gì cái tính đó của anh. Khổ nỗi mỗi lần đi nhậu về, ví tiền của anh vơi đi trông thấy. Ăn xong ngồi yên một chỗ đợi người khác trả tiền là anh không chịu được, anh luôn là người gọi thanh toán và rút ví.

 

Nhiều lần tôi tham gia với anh: “Mình cũng là người làm công ăn lương, đồng tiền anh có cũng là do bỏ công sức. Anh nên công bằng trong những khoản thanh toán này bằng cách nói anh em góp chung. Một lần hai lần sẽ thành thói quen, mà anh em chơi với nhau cũng thoải mái”.

 

Ai dè, anh gạt phắt: “Anh em với nhau tính toán nhiều làm gì”. Thấy tiền anh tiêu vào nhậu nhẹt quá nhiều, tôi bảo anh không nhất thiết phải làm như thế, một tháng đi đôi lần là được. Anh thanh minh: “Anh còn trẻ, cần nhiều quan hệ cho công việc và làm ăn sau này. Mà quan hệ lấy ra từ đâu, từ bàn nhậu đó em ạ”. Mỗi lần đi nhậu của anh bằng cả nhà ăn nửa tháng trời.

 

Có lần tôi quyết tâm dùng biện pháp mạnh, chỉ để trong ví anh một khoản nhất định tiêu trong vài ngày. Vậy mà mới có một ngày anh tiêu hết sạch. Tôi hỏi anh tiêu vào việc gì, anh bảo không thể nhớ được. Tôi làm bộ giận dỗi, nói anh lập quỹ đen quỹ đỏ. Anh cáu: “Bảo liệt kê những thứ đã tiêu làm sao anh nhớ nổi. Có tiêu tiền mới làm ra tiền, cứ như em mấy bữa mà thành tỷ phú!”.

 

Chồng tôi còn tính thương người quá đáng. Có lần 2 vợ chồng đi uống cà phê, gặp người ta xin tiền, anh rút ví cho hẳn 2 chục. Tôi tròn mắt kinh ngạc: “Mình cũng phải vất vả làm ra tiền mà...”. Ai ngờ anh gạt đi: “Ui trời, có vài đồng, đáng gì! Họ khổ mà em”. Tôi không trách anh cho họ tiền, nhưng chỉ nên là vài đồng lẻ…

 

Chồng tôi cũng mắc bệnh “sợ” mặc cả. Người ta nói sao anh mua vậy. Để anh đi chợ hộ thì thức ăn đắt gấp rưỡi, hoa quả đắt gấp đôi. Nhiều lần hai vợ chồng đi mua sắm, anh chưa bao giờ  đắn đo xem nên mua hay không, có hợp với túi tiền không. Câu cửa miệng của anh luôn là: “Có vài đồng…”, “mua đi, tính sau”, “ăn uống em tiếc làm gì”, “mấy khi...”.

 

Tích tiểu thành đại, không biết chồng tôi đã cho thiên hạ bao nhiêu mà đếm. Tôi lý giải bao lần, họ lao động, mình cũng lao động, chẳng qua là tính chất lao động khác nhau. Anh chỉ cười xòa: “Nhà mình, anh em mình bù trừ cho nhau vừa như in ý nhỉ”.

 

Nhiều lúc tôi cũng có những ý nghĩ điên rồ, giá mà nhà mình nghèo đi một chút, có lẽ anh ấy sẽ biết quý giá trị của đồng tiền hơn.

 

Lan Tường