Khi bố mẹ là… máy ATM!

(Dân trí) - Cứ thỉnh thoảng Hùng lại xin bố mẹ tiền, để nộp học phí ở trường, ở lớp học thêm, rồi xây dựng trường, quỹ đoàn, quỹ lớp... Trăm ngàn lý do, mà lý do nào cậu chàng đưa ra cũng “chính đáng” cả.

Vì cưng chiều cậu quí tử, thấy con cũng biết lo lắng cho chuyện học hành, chị Mai không ngại ngần rút ví cho con vài triệu mà chẳng tìm hiểu xem việc học của con thế nào, con học những gì, có hiệu quả không.

 

Vợ chồng anh chị đâu ngờ, những khoản đóng học phí, mua sách vở, đồ dùng học tập ấy cậu quí tử toàn đem rót vào mấy quán bi a, điện tử hoặc hào phóng “bao” bạn bè. 

 

Và vì nói dối xin tiền đi học nên cứ chiều đến là Hùng vác xe ra khỏi nhà. Thay vì đến các lớp học thêm như lịch thông báo với bố mẹ, Hùng đến tụ tập với đám bạn… “cùng cảnh ngộ” rồi sắp xếp kế hoạch xả hơi cho hết 3 tiếng học thêm, “học nếm” của cả bọn. 

 

Cậu rất tự tin nếu hết tiền lại dùng đến chiêu “xin tiền nộp học”. Cu cậu đã từng vênh mặt tuyên bố với đám bạn: “chiêu này tao sử dụng đã lâu mà vẫn còn có giá trị vì ông bà bô mải làm ăn, nhắc đến tiền là rút ra ngay cho xong chuyện...”.

 

Đúng là vợ chồng chị Mai quá mải mê công việc. Thông thường, thằng con cứ mở lời chưa trình bày được câu nào là điện thoại làm ăn của bố mẹ lại réo rắt. Để đỡ mất thời gian, anh chị lại rút ví ra ngay. Thỉnh thoảng lắm mới dặn dò con một câu: “Chịu khó mà học nhé”, thằng con lí nhí “dạ”, thế là đã đủ cho bố mẹ… yên tâm rồi.

 

Linh vốn là con gái cưng trong nhà nên muốn gì được nấy, thích thứ gì là xin mua cho bằng được. Càng ngày cô bé càng ném tiền không tiếc tay vào quần áo, giày dép… Linh bắt đầu có thói quen đòi hỏi, đua đòi theo bạn bè một cách thái quá. Ý thức được sự khá giả của gia đình, Linh ngày càng nảy sinh tính kiêu ngạo.

 

Dạy con cách tiêu tiền 

 

Xin tiền và được cho tiền một cách dễ dàng nên các em thường không nghĩ đến sự vất vả của cha mẹ. Cũng chính vì lý do đó, trẻ dễ nhiễm thói tiêu tiền vô tội vạ, dần dần hình thành lối sống hưởng thụ, ỷ lại, lười lao động, không biết nâng niu những giá trị mà mình đang được hưởng.

 

Bởi thế, cha mẹ không nên để con tiếp xúc với đồng tiền quá sớm. Tới thời điểm thích hợp, hãy dạy con cách tiêu tiền sao cho có ích nhất, không hoang phí vô độ, không nói dối quẩn quanh để có được đồng tiền.

 

Bạn cũng không nên quá nuông chiều con dù nhà có điều kiện. Hãy quản lý việc chi tiêu của con bằng cách cho chúng một số tiền vừa phải, nhất định, trong một thời gian nhất định. Thi thoảng hãy nói cho con biết hoặc để con chứng kiến sự vất vả của cha mẹ, của mọi người trong lao động kiếm tiền, nhờ vậy con bạn sẽ biết quý trọng những giọt mồ hôi, công sức của cha mẹ hơn, từ đó hình thành ý thức tiết kiệm.

 

N.A