“Khéo ăn thì no…”

(Dân trí) - Thời giá cả tăng nhanh đến chóng mặt, với đồng lương công chức nhà nước bây giờ, nếu người phụ nữ là “tay hòm, chìa khóa” trong nhà mà cứ ăn tiêu bạt mạng, không biết thu vén thì cuối tháng cả nhà đến rau cũng chẳng còn mà ăn, nói chi đến cá thịt.

Tôi còn nhớ ngày xưa, mới về làm dâu, mẹ chồng đưa tiền nói:

 

- Con đi chợ mua thức ăn cho cả ngày nhé, nhớ mua cả rau, thịt, đậu, trứng.

 

Tiền bà đưa tính toán vừa xít. Nhưng nhà đông người, tôi chỉ sợ mỗi người thêm một vài gắp là thức ăn lại thiếu, nên mỗi thứ tôi mua dôi ra một ít. Vậy là mỗi ngày lại bù thêm ít tiền chợ. Đến cuối tháng là một khoản âm lớn. Nhưng được mọi người khen đi chợ mua rẻ mà ngon, nghĩ lại cũng thấy vui vui.

 

Đến tháng sau rút kinh nghiệm, chỉ mua vừa đủ. Thức ăn mua về đến đâu nấu ăn hết đến đó, vừa tươi ngon lại bổ, chứ thức ăn đun đi đun lại không ngon và không cẩn thận còn bị ngộ độc. Câu nói của các bà các mẹ ngày xưa “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” vẫn còn thấm vào tâm can cho đến tận bây giờ.

 

Như cô bạn tôi bây giờ là một mẫu điển hình cho việc chi tiêu vô kế hoạch. Mỗi lần rủ tôi đi mua sắm là y như cô muốn bê cả cái cửa hàng về nhà mình. Cái gì cũng muốn mua, mua về nhiều khi vứt xó, không dùng đến, chật nhà rồi lại mất công mang cho.

 

Lâu lâu mới gặp nhau, câu đầu tiên bao giờ cũng là: “Chán! Chả có tiền tiêu…”. Tôi bảo cô ấy: “Không ăn tiêu khoa học thì có ngày cháy túi”.

 

Khi đi chợ hay mua sắm cái gì, bạn phải lên danh sách những thứ thật cần hãy mua, như thịt, cá, rau quả hàng ngày. Không nên mua những đồ ăn vặt như bánh kẹo, chỉ tổ tốn tiền, nhanh tăng cân mà lại không có lợi cho sức khỏe. Bạn tôi đã nghe ra và có một cuốn sổ riêng ghi các khoản chi tiêu.

 

Bẵng đi một thời gian không gặp, hôm vừa rồi tình cờ gặp lại cô bạn, tôi không khỏi ngỡ ngàng: Cô bạn đã giảm được hai ký và mỗi tháng còn để dành được ít tiền. Ấy là nhờ có cuốn sổ kia giúp cô biết chi tiêu hợp lý.

 

Minh Hương