Hai tâm hồn cô đơn

(Dân trí) - Len vừa tròn năm tuổi thì bố mất, mẹ lấy chồng nên cho nó đi làm con nuôi một bà goá ở huyện khác, từ đó liên lạc với mẹ đẻ bị cắt đứt.

 
Hai tâm hồn cô đơn - 1


Nó được mười sáu tuổi thì mẹ nuôi đột ngột qua đời. Mấy người hàng xóm thương tình tìm việc cho con bé sống qua ngày. Họ giới thiệu Len đến nhà bà Huấn bán bia hơi lớn nhất thị xã để làm thuê.

 

Phố xá náo nhiệt, sầm uất, đông người qua lại, luôn tràn đầy tiếng cười đùa rôm rả đã mang đến cho con bé luồng sinh khí mới.

 

Len rất chịu khó làm việc, dậy từ năm giờ sáng, quét dọn nhà cửa, lau bàn ghế, nhanh nhẹn phục vụ khách hàng chu đáo. Đến bữa chăm chỉ cọ rửa nồi niêu xoong chảo, sẵn sàng khi bà chủ mua thức ăn về thì sơ chế và nấu nướng.

 

Con bé lanh trí làm gì cũng thoăn thoắt, khách đến thì mau mồm mau miệng chào hỏi, cười tươi nên được nhiều người quý. Bà Huấn cũng an tâm cho nó làm việc lâu dài ở đây. Lại còn có ý gán ghép cho thằng Hinh cháu họ bà ở quê.

 

Cái thằng cũng hiền lành, cần cù và có hiếu, mồ côi bố từ bé nên gia cảnh nghèo khổ. Vừa mới lớn đã biết theo chân người ta đi làm chè đỡ đần mẹ già. Cũng gọi là có việc làm, nhưng cảnh mẹ goá con côi, nhà tranh vách đất, chẳng có gì đáng giá, gái làng nhìn cũng chết khiếp, ai thèm dây.

 

Vậy là bà muốn thằng Hinh lấy con bé Len tốt nết. Len trong bụng thầm ưng nhưng rồi lại e ngại, lo sợ anh chàng đó chê mình nên cứ thoái thác, khất lần không dám gặp.

 

Cho đến ngày bà chủ dừng ý định mai mối khi biết tin thằng Hinh vào rừng cưa cây, bị cưa nghiến, cụt mất bàn tay trái. Nghe bà kể con Len chỉ im lặng. Hôm chở bà chủ lên thăm Hinh, Len mắt ngân ngấn nước, vẫn chẳng biết nói làm sao. Dù lần đầu tiên gặp nhưng nó đã thấy mên mến anh chàng ấy.

 

Dịp đó đúng mùa vắng khách, bà quyết định sửa sang lại nhà cửa. Len có nhiệm vụ cơm nước, điếu đóm cho cánh thợ xây. Họ hay trêu đùa tán dóc ầm ầm, nhưng làm việc nghiêm chỉnh và rất cẩn thận, nên bà Huấn thấy yên tâm, không tiếc tiền bồi dưỡng.

 

Thế rồi nhà xây xong được hai tháng, lại bắt đầu bận tíu tít với các “thượng đế” thì bà thấy Len đờ đẫn, cứ nôn oẹ, sợ mùi mỡ và chân tay như thừa thãi. Bà sinh nghi: “Có chửa hay sao thế hả Len?”. Con bé lúng túng không nói, đến đầu tuần, nó xin nghỉ một buổi làm, hôm sau nói với bà chủ: “Cháu bỏ rồi, thai con trai ba tháng rưỡi bác ạ”.

 

Nhìn con Len lẩy bẩy đứng nép tựa vào cửa, bà tức run người. Không biết nên thương hay nên giận con bé. Đời nó cũng cực khổ nhiều. Nay càng thêm khốn nạn. Bà cố gặng hỏi: “Với thằng nào”. Nó lí nhí: “Tên thợ cả ạ. Cháu ngu muội, nghe lời anh ta phỉnh phờ mà tưởng thật, giờ hắn duỗi ra rồi, cháu phải tự chịu thôi”. Bà dúi cho nó một cái: “Thằng đó vợ con đàng hoàng, mày không biết à?”. Con Len thẫn thờ.

 

Sau đó nó xin nghỉ làm, đi bán hàng thuê cho cửa hàng quần áo dưới phố và chẳng dám qua nhà bà vì xấu hổ.

 

Hôm thằng Hinh từ trên quê xuống bệnh viện thị xã kiểm tra tay xem có bị nhiễm trùng, nó tạt vào cảm ơn bà đã cho mượn tiền, và muốn gặp cô bé Len đã đến thăm nom. Bà bối rối, mãi sau mới dám kể thật sự việc với cháu kèm cái chép miệng thương hại, thằng Hinh có vẻ buồn.

 

Bốn tháng sau bà Huấn được Hinh mời cưới, bà ngạc nhiên khi biết cô dâu là con Len, nhưng cũng không hỏi, vì sau bà tự hiểu Hinh đã cố công tìm và thuyết phục Len về ở với nó. Vậy là hai trái tim đồng cảnh ngộ tìm đến với nhau và tình yêu làm cho hai tâm hồn cô đơn gần nhau hơn, bảo vệ nhau và an ủi nhau. Bà thật tâm chúc cho họ hạnh phúc.

 

Cái Len dại dột nhưng nó cũng cần phải sống, biết đâu vì những đắng cay ấy mà nó biết vươn lên, quyết tâm có được hạnh phúc trong cuộc đời. Giống như thằng Hinh, đó là một tai nạn ngoài ý muốn thôi mà. Chẳng nên vì những sai lầm của tuổi trẻ mà phải trả giá suốt cả cuộc đời, chúng còn trẻ lắm, đường đời đang dài phía trước.

 

Vị tha, bao dung sẽ là nền tảng cho một tổ ấm. Bà Huấn bật cười, tự nhủ: “Nếu không nghĩ thế chả chắc thằng Hinh đã đi tìm con Len về”. Nghĩ đến đó bà lại cảm động rơi nước mắt. Tình yêu kéo hai tâm hồn cô đơn lại gần nhau hơn.

 

TSL