Hai loại đàn ông

(Dân trí) - Mười sáu tuổi ả bỏ học, đòi nuôi mộng làm giàu. Bố mẹ ả nhiều phen tức tối nên tống cổ ả lên thành phố lo cơm nước, điếu đóm cho anh.

Anh trai ả cũng bỏ học từ sớm, nhón của mẹ mấy chỉ vàng, chí thú học được cái nghề sửa xe máy, kiếm được tương đối, thế là thành niềm tự hào của gia đình. Rồi có nhiều tiền, hắn hùn vốn mở được cửa hàng. Hắn quen biết kha khá kẻ có máu mặt, kết bè kết phái, kể cả du côn, để công việc làm ăn được "bảo kê" vững chãi.  

 

Ả đến nơi, hắn loay hoay không biết xếp việc gì cho em làm. Bằng cấp không có, thiếu hiểu biết, ả duy có tí nhan sắc phơi phới của đứa con gái đang dậy thì. Hắn liền xin cho ả đi bán bia hơi, chỉ mỗi nhiệm vụ bưng bia ra cho khách, rồi bê vào, rửa những cốc bẩn. Ả thích thú với công việc này.

 

Ả nom phốp pháp, khoẻ mạnh tròn căng sức sống. Quán bia lại có những gã đàn ông thừa tiền, rửng mỡ, thằng này vỗ mông một phát, kẻ kia bẹo má một cái. Đôi má phúng phính kia không chạm vào thật phí, ả cũng rụt rè, thuận tình bởi sau mỗi lần đó họ lại "bo" cho ả vài chục, cứ thế thậm chí còn hơn cả đồng lương còm chủ trả.  

 

Y là nhân viên giao hàng của một nhà phân phối sữa trên phố lớn, công việc gắn liền với chiếc xe máy và các thùng hàng cao nghễu nghện. Y có đôi mắt một mí với cái nhìn đa tình. Khi cười, mắt y híp vào, bé như một sợi chỉ nom cứ gian gian. Y thích uống bia và cũng giống những người háo sắc nọ nhưng y từ tốn, nén lòng mình lại chưa vội manh động. Lùi một mà tiến hai, y cần con cá to hơn kiểu sàm sỡ kia.

 

Y dần tiếp cận với ả, dùng ngón nghề bao năm đi tán gái để buông lời có cánh, bay bổng đến ả. Ả gan to bằng nào, tim làm bằng gì mà không rung động cho nổi. Thế rồi những món quà liên tiếp khiến ả tối mắt. Tiếp đến y tặng cho ả đâu như hai chiếc quần, thì y xé rách mất một cái, thế là ả mất đời con gái. Chẳng bao lâu sau ả ngã hẳn vào vòng tay y. Cum cúp mang quần áo đi.

 

Gã anh trai thường bị công việc lôi cuốn, tíu tít từ sớm và về rất muộn nên không biết những buổi tối vắng nhà của ả, chỉ phong thanh nghe ả và một gã trai làm cửu vạn trên phố đang đưa đẩy, tình ý với nhau.  

 

Chán chê mê mỏi y bắt đầu muốn ngãng ra thì ả có bầu, như bao gã sở khanh khác y "bổn cũ soạn lại" tính nước bài chuồn thì bỗng một hôm nhận được tối hậu thư của anh trai ả: "Mày chạy làng, tao giết chết". Y tái mặt run rẩy, tặc lưỡi gọi bố mẹ đến hỏi cưới.

 

Có vợ với y đâu hề gì. Yvẫn thừa thời gian để bỡn cợt cưa cẩm các cô gái nhẹ dạ khác, tối về vẫn đầy đủ bữa cơm vợ nấu cho. Y tự do hưởng thụ, thi thoảng công việc trục trặc hay gặp điều rủi ro y lại về giải stress bằng cách bạt tai hay đạp cho vợ một cái bõ tức. Ả cắn răng nín nhịn, cám cảnh cho số phận mình không bằng con vật giữ nhà.

 

Một tối, mãi không thấy y về, ả sốt ruột ngóng trông khi đứa con đã ngon giấc. Ả bỗng thót tim, thấy một bóng người vừa nhảy phắt từ trên tường xuống sân nhà, nơi vợ chồng ả mới đến trọ, vừa phủi quần vừa nhìn ả gườm gườm, rồi điềm nhiên tiến ra trèo cổng, mất hút trong bóng đêm.

 

Chị hàng xóm đang phơi quần áo bình thản: "Chuyện thường ngày em ơi, lũ chúng nó đi chơi gái nhưng không có tiền toàn phải tẩu thoát qua cái tường này kẻo bọn bảo kê bắt được nó giần chết".

 

Ả thắt tim kinh hãi, lại còn có loại người đốn mạt cỡ đó nữa sao, quỵt tiền của gái làm tiền. Ả thấy xót xa, thương hại những người phải làm cái nghề nhục nhã tận cùng của xã hội... Ả lủi thủi vào nhà nằm, mắt nhìn trần nhà trân trân suy nghĩ, cuộc sống có quá nhiều hạng người.  

 

Khuya y mới về, dặt dẹo, méo mó, lảm nhảm từ ngoài cổng, ả trong nhà chờ đã lâu nên chạy vội ra, vẫn bị y đá cho túi bụi.  

 

Hôm sau, ả ra đường với khuôn mặt buồn rười rượi và sưng vêu bởi các vết đánh của y, cũ, mới xếp chồng lên nhau... Ả bấn loạn, con đường phía trước tối tăm mù mịt. Ả bỗng nghe đâu đây tiếng ai đó ở chợ nói: "Trên đời có hai loại đàn ông khốn nạn: Một là chơi đĩ không giả tiền, hai là bắt nạt phụ nữ". Ả giật mình, cả ngày đầu ả mông lung những nghĩ suy. Trong có một tối qua, mà ả nhìn thấy cả hai loại đó, ả thấy đau, thấy nhục và thấy xót xa cho mình hệt những cô gái làng chơi khi khách không trả tiền sau mỗi lần cúc cung phục vụ. Ả cũng đâu sung sướng gì hơn những người ấy, ả cũng bị một gã khốn bắt nạt, đầy ải suốt bao năm, giờ lại còn định ăn đời ở kiếp với hạng bất lương ấy hay sao? Cuộc đời đã tặng ả nhiều bài học, giờ ả chỉ cần con. Đêm dài, mắt ả vẫn chong chong.

 

Sáng hôm sau, trên chuyến Thống Nhất ấy mọi người bắt gặp một người phụ nữ nom vẫn trẻ nhưng gương mặt vương vất nỗi ưu tư, ôm đứa con trai đang toe toét cười. Nắng sớm hắt vào cửa sổ toa tàu nom gương mặt đứa bé như thiên thần toả sáng.  

 

Từ nay sẽ là một cuộc sống khác với mẹ con họ!

 

Thiều San Ly