GS Đặng Hùng Võ: “Không sợ già cũng chẳng ngại làm lại”

(Dân trí) - “Tôi cũng là người rất lãng mạn và lạc quan. Cái bản chất "lãng tử" ấy không phụ thuộc vào tuổi tác. Vì thế câu "không sợ con người già mà chỉ trái tim già" tôi thấy đúng”.

Không bàn đến chuyện xã hội, đất đai, cơ chế chính sách…lần đầu tiên GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cởi mở trò chuyện về bản thân và hạnh phúc mình đang có.

Đã đi qua một chặng đường dài của cuộc đời với nhiều điều để nhớ, để ngẫm lại. Hẳn đây  phải là cuộc sống thực mà ông mong muốn. Với một người thích hoạt động xã hội, làm ăn, tính toán như Đặng Hùng Võ, một gia đình hạnh phúc hẳn đã hội tụ đầy đủ những yếu tố: vợ đẹp, con khôn hay nhà cao cửa rộng?

Tôi chưa bao giờ có tiêu chí gì cả. Song, chỉ biết rằng, một gia đình thực sự hạnh phúc khi 2 vợ chồng thực sự hiểu nhau, biết thông cảm với nhau nhiều nhất trong tất cả những người có thể cảm thông. Cả hai không bao giờ phải giữ ý, giữ tứ, không phải dùng thủ thuật đối với nhau.

Với tôi, một gia đình là hạnh phúc là khi người ta rất mong trở về đó để có sự bình yên sau khi bỏ lại ngoài cổng những nóng nực, gắt gao, khô khan, lạnh giá của thị trường. Hạnh phúc là khái niệm liên quan chủ yếu tới tinh thần. Sự sung mãn của vật chất không bảo đảm được hạnh phúc, quá sung mãn có khi lại giết chết hạnh phúc. Nhưng vợ và con lại là những thành tố làm nên hạnh phúc gia đình. Một người dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể một mình làm nên hạnh phúc gia đình.   

Hẳn ông đang rất hạnh phúc?
 
Hiện giờ cuộc sống của tôi là tạm đủ với những bữa cơm không được đói. Sự đồng cảm tinh thần trong gia đình là sung mãn. Như vậy tôi coi là rất hạnh phúc.

Nhiều người vẫn ngạc nhiên trước  quyết định của ông và nghệ sĩ Hồng Ánh khi hai người tuyên bố đám cưới và  sống chung 1 mái nhà như hiện nay?

Cái ngày tôi gặp Hồng Ánh cũng rất hoàn toàn tình cờ và giản dị như có số mệnh. Tôi là người rất thích nhạc cổ điển (nhạc phải theo khuôn mẫu) và nhạc dân gian (nhạc không cần khuôn mẫu), giống như thơ Đường và thơ lục bát. Một trong những gì Hồng Ánh hấp dẫn tôi là chơi nhạc rất có hồn, trên cả nhạc cụ dân tộc và trên cả Piano. Rồi thời gian cho thấy sự tương đồng về tính cách, kiểu nhìn nhận các vấn đề và nhiều thứ khác nữa.  Rồi đến một ngày đẹp trời, cả hai cùng nhận ra rằng đã đến lúc không thể sống mỗi người mỗi nơi được nữa.

GS Đặng Hùng Võ: “Không sợ già cũng chẳng ngại làm lại” - 1
Đối với ông Đặng Hùng Võ bản chất "lãng tử" không phụ thuộc vào tuổi tác. (Ảnh: T. Trầm)
 
Lấy vợ trẻ, lại  là nghệ sĩ, chắc chắn sẽ có sự bay bổng. Ông sẽ làm gì để có thể “bay” cùng vợ? Hay ông luôn kéo vợ xuống đất để đi cùng mình vì bản thân tuổi của mình đã nhiều?
 
Tôi cũng là người rất lãng mạn và lạc quan. Cái bản chất "lãng tử" ấy không phụ thuộc vào tuổi tác. Tôi thấy câu "không sợ con người già mà chỉ trái tim già" là đúng. Và tôi cũng luôn có quan niệm rằng, nếu mình tự cảm thấy mình yếu đau có nghĩa mình sẽ đau yếu. Tôi không bao giờ chấp nhận cuộc sống thụ động, chỉ ngồi 1 chỗ với chén rượu, chén trà, chuyện tào lao với mấy ông bạn già rồi gật gù nói những chuyện bâng quơ và cho là thú vị. Mình còn tồn tại thì còn lãng mạn.

Tôi tin rằng mức độ lãng mạn của tôi đủ làm chỗ dựa cho sự lãng mạn của vợ. Làm gì phải kém cỏi muốn kéo vợ xuống thực tế của mặt đất. Sự lãng mạn luôn nâng hạnh phúc bay lên khỏi mặt đất.

Xin hỏi thật, ông và vợ có độ vênh khá lớn về tuổi tác. “Chiến thuật” nào được thực hiện để duy trì sự cân bằng giữa hai người?

Tôi vẫn tập yoga và không ngừng lao động. Không có vợ trẻ cũng vẫn vậy. Sức khỏe con người là do ý chí và tinh thần tạo nên. Có người nói rằng tật đến từ những thứ cho vào miệng và vạ đến từ những lời đi ra khỏi miệng. Vậy nên tôi rất thận trọng với các thứ phải dùng đến miệng. Tôi chỉ ăn mỗi bữa 1 bát cơm là đủ và cũng không nhất thiết phải ngon. Thế nhưng, mình cũng phải biết miếng ngon và làm ra miếng ngon, biết sành rượu, sành trà như một thứ văn hóa cần học.

Vợ trẻ thường cũng thường đi đôi với sự“đỏng đảnh”, lãng mạn. Ông sẽ xử lý sao với những tình huống đó?

Tôi cho rằng, phụ nữ “đỏng đảnh” ở một mức độ nhất định cũng là 1 cách thể hiện cá tính của mình. Tuy nhiên, cho đến nay sự "đỏng đảnh" đó vẫn trong phạm vi thú vị, không có gì phải xử lý ở đây. Nói thật, tôi cũng là người nấu ăn khá ngon và  nhiều bạn bè vẫn muốn được ăn những món do tôi nấu. Tôi cũng mong có nhiều thời gian để trình diễn văn hóa ẩm thực. Nấu ăn để vợ mình khen ngon cũng là sự ấm áp của hạnh phúc.

Nhiều người nói rằng, làm quan thì khó tránh được 2 chữ tình- tiền. Thời ông làm quan  của ông ra sao?.

Đây chính là lý thuyết của dục vọng. Tất cả tôn giáo đều nói rằng, gốc rễ xấu xa của con người đều xuất phát từ dục vọng. Vì vậy, để làm được ông quan tử tế thì không được tham hay không được thể hiện dục vọng ở bất kể điều gì. Có điều, ở vị trí nhiều người cần tới thì dễ rơi vào ham muốn, tránh thì cũng khó.

Đến thời điểm này, tôi khẳng định mình đã tránh được hoàn toàn những chuyện dục vọng chen lẫn vào quan trường. Thường tình, đã là con người thì khi thấy phụ nữ đẹp thì ai chả thích ngắm nhìn và còn muốn hơn thế nữa ... Tuy nhiên, nếu như ta đã có 1 cái đích để đến thì cũng có thể bỏ qua những dục vọng “bất chợt” đó.

Ngày đó có bao giờ ông vướng phải chuyện tình cảm thật trong công việc?

Có nhưng không bị vướng. Tôi còn nhớ khi đương chức, có rất nhiều người yêu mến, thể hiện ở nhiều cách khác nhau. Có một lần, một gia đình nhờ tôi giúp để giữ được một cơ ngơi đang bị chính quyền địa phương thu hồi lại. Trong quá trình đó, chính bà chủ nhà đã thể hiện tình cảm với tôi nhưng làm sao có thể chấp nhận được. Trong công việc, mọi chuyện hoàn toàn phải tách bạch, lẫn lộn sẽ làm chính mình bị "lẫn".

 Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị!

 Thanh - Như