Đổi tính tuổi "xế chiều"

(Dân trí) - Trước ngày hai con về Tết, bà Hoan nói với như đinh đóng cột: “Thuê chiếc ô tô con đi về cho mẹ mát mặt mát mày. Tiền nong, để đó mẹ tính”. Hai người con của bà méo mặt, chẳng biết xoay xở thế nào.

Về già trở chứng

Sau khi nghỉ hưu, ông Xây thay đổi hắn tính nết. Trước đây tằn tiện, tiết kiệm sống, giản dị bao nhiêu giờ ông lại hoang phí, đánh bóng và phô trường mình bấy nhiêu. Ông thay đổi từ hình thức bên ngoài đến tận tâm tính bên trọng.

Quần áo lâu nay ông cho hết vào thùng, may lại cho mình một loạt quần áo mới. Cứ chiều chiều ông lại khoác bộ cánh mới, tóc vuốt keo bóng bẩy, đôi dày da đi từ đầu làng đến cuối làng. Ai thấy ông cũng phải quay lưng… mà cười. Ông bắt đầu cũng thích qua lại chỗ mấy cô, mấy chị góa chồng trong làng để trêu gẹo, về nhà ông “trở mặt” chê vợ mình vừa già, vừa xấu. Nhìn thấy chồng, thấy bố mà vợ và mấy người con của ông cũng phải ngại, nhắc thẳng thừng thì sợ ông tự ái, nói bóng gió, ông lại nổi giận.

Ông còn có một quyết định lớn mà vợ con cản mãi không được. Chả là ngôi nhà mái bằng của ông xây gần 20 chục năm trước, hồi đó đẹp nhất làng nhưng bây giờ nhiều nhà hai tầng mọc lên, ông quyết định lên tầng. Con cái can ngăn vì nhà chỉ có ông bà, ở còn thừa thãi, hơn nữa không hiểu ông lấy đâu ra tiền. Bất chấp, ông mang sổ đỏ đi vay ngân gần 100 triệu đồng để lên tầng hai. Ông còn thay hàng loạt đồ dùng trong nhà dù đồ cũ chưa hỏng hóc gì.

Từ trước đến giờ chẳng sao, chỉ khi mẹ bước sang tuổi 60, con cái bà Hoan phải dở khóc dở cười vì những đòi hỏi rất khó chiều từ mẹ. Vợ chồng cô con gái ở gần nhà thì phải hoa mắt chóng mặt suốt ngày bà mua sắm quần áo, đồ dùng mới. Hơn nửa đời người, nằm ở chiếc giường cũ không sao thế mà bà thay hẳn một chiếc giường tiện như giường cưới của con trẻ cho vợ chồng mình. Theo đó là cả chiếc màn khung mới, bộ ga đệm màu hồng lòe loẹt. Cô con gái cũng đến xấu hổ vì kiểu “trở chứng” của mẹ.

Bà Hoan có hai người con ở Hà Nội, đều mới ra trường đi làm chưa lâu nhưng cũng đã phải khổn khổ vì mẹ. Nhiều lần ra thăm con, đưa đi nhiều nơi, đến đâu bà cũng chụp ảnh để về khoe với mọi người này nọ. Có lần, bà bắt con chụp hình mình đang đứng trước cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia, lấy tấm ảnh đó về khoe mình… đi họp cùng con.

Dù con đang thuê nhà cấp bốn để ở nhưng bà lại hênh hoang kể với mọi người, con mình được cơ quan cấp nhà. Bà “vẽ” ra một cảnh giàu có, sang trọng về những người con ở xa của mình với hàng xóm láng giềng dù bà biết con mình… mới đi làm, chưa có gì.

Ai đời, trước ngày hai con về Tết, bà Hoan gọi điện nói như đinh đóng cột: “Thuê chiếc ô tô con về quê cho mẹ mát mặt mát mày. Tiền nong, để đó mẹ tính”. Hai người con của bà méo mặt, chẳng biết xoay xở thế nào. Không thực hiện thì chắc chắn bà sẽ gây chuyện, còn thuê cả chiếc xe thì không là chuyện nhỏ. Tiền nong đã đành mà nhất là thấy ngại ngùng. Làm trái ý mẹ, nên họ phải đón một cái Tết hết sức căng thẳng vì mẹ giận dỗi.

Cần có chừng mực

Nhiều người vì hồi trẻ chịu nhiều cực khổ nên về già họ muốn “bù đắp” lại phần nào, hơn nữa tâm lý muốn “mát mày mát mặt” ở người lớn tuổi là rất lớn. Tuổi già biết hưởng thụ một chút cũng là điều cần thiết nhưng cái gì quá thì cũng trở nên “trái mắt”, khó mà chấp nhận, nhất là khi điều làm ảnh hưởng đến con cháu.

Như ông Xây, xây được căn nhà khang trang, nhiều người phải tấm tắc khen ông giỏi, mới đầu ông cùng mát lòng lắm. Nhưng nhà càng rộng, vợ chồng ông càng hay cãi nhau. Lương của ông, chi tiêu tiết kiệm cũng chỉ dư giả vài đồng, giờ phải gom hết để trả tiền lãi. Ông phải đối mặt với những chuỗi ngày lo lắng. Nhà xây xong, mua sắm đủ thứ ông mới giật mình không hiểu rồi mình lấy đâu ra tiền mà trả cho ngân hàng.

Bố “chơi sang”, các con phải "trả nợ đậy" thay, dù không khá giả gì nhưng đành phải góp tiền trả tiền vay ngân hàng cho bố.

Con cái bà Hoan ngày càng ngột ngạt vì tính đồng bóng của mẹ trong nhà thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Nếu con cái, ai lên tiếng khuyên bà thì y như rằng bà giận, quát mắng thích áp đặt mình và tuyên bố: “Tao thích làm gì tao làm, đố đứa nào cản”.

Con cái thì vậy, ngay đến chồng bà cũng mệt mỏi vì sự “a dua” “đua đòi” của bà. Quen lối sống giản dị, từ khi bà Hoan đóng bộ “giường cưới”, chồng bà phải phát ngượng không dám nằm. Thế là ông xuống ngủ ở chiếc giường một đặt dưới bếp, hai vợ chồng hai giường.

Tuổi của ông không phải để ghen tuông nữa nhưng thấy bà mặc quần sooc đi khắp làng, tô son trét phấn, ông cũng chín mặt, nhất là nghe người ta cứ nói ra nói vào. Hai vợ chồng già, cứ đụng mặt nhau là khục khặc. Nhiều lúc, ông bức bối đến mức muốn bỏ nhau cho rồi nhưng lại ngại, sợ bị nói từng ấy tuổi rồi còn lắm chuyện.

Chiều được những người già “trở tính” không phải là dễ, những người làm con hết sức ngột ngạt, khó xử khi bố mẹ về già có những sở thích, yêu cầu quá chuẩn mực. Có những ông bố bà mẹ như thế, phận làm con lúc đó cũng chỉ biết lắc đầu đứng ngoài cuộc, đành nhắm mắt làm ngơ.

Tuổi già, cần nhất là sự bình yên, vì thế mỗi người hãy biết điểm dừng, đừng trở trời trái tính làm xáo trộn cuộc sống của mình cũng như của người thân trong gia đình.

Hoài Nam