"Dị ứng" với Tết

(Dân trí) - Tết là lúc mọi người sum họp đầm ấm bên người thân và gia đình nhưng cũng là khoảng thời gian mà nhiều người sợ nhất trong năm.

Tết và nỗi lo tiền bạc

Chị Thảo, giáo viên mầm non của một trường ngoài công lập, lương hợp đồng tháng chỉ vài trăm, cộng với lương chồng, chỉ đủ chi tiêu trong tháng. Vậy nên cứ đến Tết là chị lại lo bởi Tết có bao nhiêu khoản phải chi, khoản nào cũng cần bởi chị nghĩ "Tết là phải tươm tất. Người lớn thế nào cũng được nhưng bọn trẻ hì phải để chúng được vui vẻ, thoải mái”.

Thêm vào đó, năm nào cũng vậy chị phải dành ra một khoản để lo tiền về quê chồng. Chị kể: “Về quê, ai cũng tưởng mình ở thành phố giàu có, thật ra mình còn khó khăn gấp mấy. Tuy nhiên cũng không để mọi người nhìn vào mình mà coi thường được”. Năm nào ra Giêng, hai vợ chồng cũng chóng mặt với cái khoản tiền nong.

Chị Vượng, quận Đống Đa cũng có nỗi niềm riêng. Anh nhà làm xây dựng, thường xuyên lấy vật liệu ở các cửa hàng. Chị sợ nhất là những ngày cuối năm khi chủ hàng đến đòi nợ. Ngày nào chị cũng phải tiếp hai ba người, rồi hàng chục cú điện thoại dù chị và bố mẹ chồng đều là giáo viên, chẳng biết buôn bán cũng như nợ nần ai.

Có năm làm ăn thua lỗ, chồng đi trốn nợ mấy ngày, mình chị phải tự xoay sở với các chủ nợ. Mệt mỏi lắm nhưng vì chồng mà phải cố, cũng mong để gia đình yên ổn, vui vẻ nhưng với riêng chị, chưa bao giờ chị thấy vui với Tết kể từ khi anh chuyển sang làm xây dựng.

Tết và nỗi cô đơn

Lấy chồng được ba năm nhưng chưa bao giờ chị Hải được ăn Tết với đức lang quân của mình. Cưới nhau chưa được 4 tháng, anh đi xuất khẩu lao động ở Nhật, bỗng chốc chị như bị giam lỏng. Về nhà mẹ đẻ không được, đi chơi với nhóm bạn đồng nghiệp cũng chẳng xong vì ở cùng bố mẹ chồng.

Trong khi đám bạn bè vui vẻ đón giao thừa thì chị lại nằm trong phòng xem tivi, chờ điện thoại chồng. Năm nào cũng thế, nghe tiếng chồng qua điện thoại là chị lại nước mắt ngắn nước mắt dài...

Cũng giống như chị Hải, Chi - kế toán công ty An Hải, cũng cảm thấy mình lạc lõng trong dòng người hân hoan nhưng là bởi chưa có người yêu. 35 tuổi, bạn bè ai cũng có đôi, chỉ riêng Chi vẫn lủi thủi một mình nên năm nay, cô chọn cách ở nhà online thay vì du xuân như mọi năm.

Bố mẹ Trúc có cửa hàng ảnh vào hạng nhất nhì Tuyên Quang nên Tết là dịp tranh thủ kiếm tiền. Từ hôm 30 cho đến hết tháng Giêng, bố mẹ Trúc lúc nào cũng bận bịu. Thế nên, chuyện cả nhà sum họp, ăn bữa cơm đầm ấm luôn chỉ là giấc mơ. Trúc nhiều lần bày tỏ mong muốn mẹ ở nhà ăn Tết cùng các con nhưng lúc nào mẹ cũng chỉ nói: “Có mấy ngày Tết tranh thủ mà kinh doanh chứ. Con cái lớn rồi, cũng phải tự lo đi”. Thành ra, chỉ có hai chị em Trúc ở nhà cơm nước, tiếp khách nên Trúc chẳng bao giờ háo hức với Tết như bạn bè cùng trang lứa.

Mang tiếng bố mẹ làm hàng ảnh mà chẳng bao giờ có tấm ảnh chụp chung nào của cả nhà trong dịp năm mới.

DK