"Đi tour" ngày Tết

Trước 30 Tết ở TPHCM, mùng một ở Hà Nội, mùng hai vào Cần Thơ, mùng ba ra Đà Nẵng... Với những đôi vợ chồng mà gia đình nội ngoại ở xa, cứ đến Tết là họ lại tất tả lên đường.

 
Tết đối với nhiều người là niềm vui đoàn tụ, trở về cảm nhận không khí sum họp, ấm cúng bên gia đình. Chính vì lý do đó, anh Phạm Châu Thương, chủ doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu ở quận 1 TPHCM, cho biết từ bốn năm nay, vợ chồng anh đã quen với “hành trình”: Đêm 30 đón Tết cùng gia đình bên nội ở Đà Nẵng, sáng mùng một lên máy bay vào TPHCM với gia đình bên ngoại.

 

Anh Thương tâm sự: “Bố mẹ tôi ở Đà Nẵng. Bố mẹ vợ và gia đình tôi lại ở TPHCM nên cứ giáp Tết là tôi đặt vé máy bay cùng vợ con về Đà Nẵng. Nếu năm nay đón giao thừa với bên nội thì sang năm là bên ngoại. Lịch trình cứ luân phiên theo từng năm như thế”.
 
"Đi tour" ngày Tết  - 1
Tề tựu đông đủ bên gia đình đón Tết.

 

“Tour” đón tết của gia đình chị Trần Thu Hà, quận 2, TPHCM, thì khác. Mùng ba Tết, vợ chồng chị cùng hai cháu nhỏ bay ra Bắc với nhà ngoại. “Cả hai vợ chồng cùng làm báo nên đi suốt, đến cận Tết mới được nghỉ, nên ngày Tết phải hướng về gia đình nhiều hơn. Tuy vậy, có năm cả hai vợ chồng cùng dẫn con về quê ngoại, có năm thì chỉ một trong hai người đi được”, chị Hà cho hay.

 

Với những cặp vợ chồng mà bên nội và bên ngoại chỉ cách tỉnh thì phương tiện đi lại thường là ô tô hoặc xe máy. Trường hợp của anh Nguyễn Quang Dũng, nhà ở phường 24, quận Bình Thạnh, TPHCM, là một ví dụ. Vợ anh quê ở Ninh Kiều, Cần Thơ nên cứ trưa mùng hai anh lại đưa vợ và hai con về nhà ngoại. Hồi chưa có ô tô, anh đi xe máy, đến sáng mùng ba lại về TPHCM. Còn anh Nguyễn Thanh Long, giáo viên, nhà ở Thủ Đức, TPHCM, tuy nhà nội ở Long Thành (Đồng Nai) nhưng vì ở rể, vợ anh lại là con gái một nên việc đi lại giữa “hai nhà”  với anh là chuyện cần thực hiện trong những ngày Tết.

 

Nét đẹp văn hoá Việt

 

Nhìn từ góc độ văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu, khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, cho rằng, quan niệm mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy là phong tục có từ lâu đời của người Việt Nam. Cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục, thầy cô có công dạy dỗ, vì thế mới có câu "công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy". Nói như vậy để thấy rằng nhân dân ta đã coi trọng ân sâu và ứng xử tinh tế có nghĩa, có tình trong đời sống. “Đây là một nét đẹp văn hoá, thể hiện sự quan tâm lẫn nhau, mong muốn dành tặng nhau những lời tốt lành, những niềm hy vọng tốt đẹp”, tiến sĩ Hiệu khẳng định.

 

Chị Thu Hà bộc bạch: “Đi lại ngày Tết tốn kém thật nhưng đó là đạo hiếu của người làm con. Cả năm quần quật làm ăn xa nhà, Tết là dịp họp mặt mà lại không về thì các cụ sẽ buồn vì nhớ con, nhớ cháu. Hơn nữa, mình cũng nhớ nhà, không về không được. Đây cũng là một “tour du lịch” rất ý nghĩa”.

 

Anh Thương thì cho biết, cúng giao thừa xong, cả nhà quây quần quanh mâm cỗ uống chén rượu đầu xuân. Rồi con cái chúc thọ ông bà, cha mẹ, người lớn lì xì cho con trẻ. Anh chị em báo cáo về tình hình làm ăn năm qua…

 

“Tôi quan niệm ăn Tết ở nhà nội trước hay nhà ngoại trước đều giống như nhau, cái quan trọng là lòng hiếu thảo của con cháu dành cho cha mẹ, ông bà”, anh Thương nói.

 

Tuy vậy, có nhiều cặp vợ chồng vì một lý do nào đó mà Tết không về sum họp cùng bên ngoại hoặc bên nội, thậm chí cả hai. Tiến sĩ Hiệu nhận định: “Có những người do điều kiện kinh tế hoặc địa lý nên không về đón Tết với gia đình được, nhưng tôi tin trong tiềm thức, ai cũng hướng về gia đình, quê hương trong ngày Tết”. 

 

Vì thế, thật dễ hiểu khi có một chút dành dụm, người Việt sẵn sàng ăn tết theo “tour”.

 

Theo Đất Việt