Dành cho các ông bố:

Để hết cảm giác ra rìa khi nuôi con mọn...

(Dân trí) - Trước khi sinh bé, một số ông bố thường tuyên bố thẳng thừng rằng: cho con bú là tốt nhất nhưng họ muốn vợ ngừng cho con bú càng sớm càng tốt. Vậy tại sao cả 2 không cùng xem xét những lợi ích của bú mẹ?

Để hết cảm giác ra rìa khi nuôi con mọn... - 1


Những thuận lợi

 

- Bú mẹ không đòi hỏi sự chuẩn bị, không cần đun nước nóng, xúc rửa chai trước và sau ăn.

 

- Hoàn toàn miễn phí – sữa công thức cho nhũ nhi không hề rẻ.

 

- Sữa mẹ không bao giờ gây tiêu chảy và cũng không bao giờ có chuyện “thừa đổ đi”.

 

- Bú mẹ rất tốt cho các bà mẹ, tăng thêm mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa 2 mẹ con.

 

- Bú mẹ cũng rất tốt cho trẻ. Sữa mẹ là dưỡng chất hoàn hảo nhất. Trẻ bú mẹ ít bị dị ứng thực phẩm và mắc các bệnh tiêu hóa hơn trẻ bú bình và cũng ít béo phì khi trưởng thành. Sữa mẹ cũng chứa các kháng thể, tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

 

- Bầu ti của mẹ không có mùi lạ. Trẻ được bú mẹ sẽ được hưởng cảm giác ngọt ngào, đặc biệt là so với trẻ bú bình.

 

Cảm giác của người cha

 

Các chuyên gia cho rằng không thể tránh được suy nghĩ bú mẹ sẽ tạo nên một mối quan hệ khăng khít giữa 2 mẹ con, khiến cho những người mới làm bố lần đầu có cảm giác bị “ra rìa”. Dưới đây là những chia sẻ của họ:

 

- Lo rằng sẽ khó “thân thiết” với con.

 

- Mang một cảm giác bất an rằng không điều gì mình làm cho bé có thể “cạnh tranh” với bầu vú của người vợ.

 

- Giận con, “kẻ” đã “chia rẽ” tình cảm 2 vợ chồng.

 

- Tin rằng khi bé cai sữa, họ sẽ lại có cơ hội để “lấy lòng” vợ.

 

- Tin rằng vì vợ cho bú mà họ phải vận dụng tất cả trí tuệ và kỹ năng để làm vừa lòng vợ con mà không được.

 

6 chiến lược “lấy lòng” vợ và con

 

Có rất nhiều người làm cha lần đầu không muốn “dính dáng” gì tới việc tập cho con ăn. Đơn giản là vì các ông bố cho rằng đàn ông ai lại đi cầm bình sữa và bế ẵm một đứa trẻ. Chính người vợ và người mẹ cũng góp phần tạ nên suy nghĩ này. Và bây giờ là lúc bạn thay đổi quan niệm. Hãy thử làm theo những kinh nghiệm dưới đây:

 

- Sau khi vợ cho con ăn, bạn có thể cho bé ợ hơi và đặt bé vào nôi, chơi với bé trong khi vợ nghỉ ngơi. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy mình được chăm sóc con và từ đó, quan hệ cha con thêm gần gũi.

 

- Dành nhiều thời gian để chơi với bé, tiếp xúc trực tiếp da với da. Lấy bình sữa, âu yếm bé và ru bé ngủ, tắm bé và thậm chí là đọc cho bé nghe... cũng sẽ làm quan hệ cha con thêm gắn bó và bạn cũng ngày càng tự tin trong vai trò làm cha.

 

- Bế bé đi chơi.

 

- Luôn khuyến khích và thông cảm với vợ. Làm các việc vặt để vợ được nghỉ ngơi. Bú mẹ có thể là một công việc “khó nhọc”, nhất là trong giai đoạn đầu, nhưng hãy ủng hộ quan điểm cho con bú ít nhất 1 năm tuổi.

 

- Trao đổi với vợ về việc vắt sữa mẹ để cho bé bú bình. Nhưng đừng gây áp lực đấy nhé vì vắt sữa gây đau và không dễ chịu chút nào. Nếu cả 2 thống nhất như vậy thì hãy để bé bú mẹ một vài tuần rồi hãy vắt sữa ra chai.

 

- Hãy kiên nhất nếu vợ chưa muốn bắt đầu trở lại “chuyện yêu” sau khi sinh bé. Hãy hình dung là vợ bạn đang rất vất vả với việc chăm sóc bé, chỉ riêng việc cho bé bú thôi cũng đã chiếm rất nhiều thời gian (bé bú 5 - 6 lần/ngày với thời gian từ 15 - 20 phút). Ngoài ra, việc tiết sữa cũng ảnh hưởng tới sự tăng tiết chất “bôi trơn” do hormone buồng trứng bị ức chế. Thiếu chất “bôi trơn” sẽ khiến cho “chuyện ấy” trở nên khó chịu, thậm chí là gây đau đớn. Vì vậy, thay vì nghĩ rằng vợ bạn “hết muốn yêu” thì hãy có màn dạo đầu dài hơn, cho đến khi cô ấy thực sự muốn.

 

Thu Trang

Theo BCI