Đau đầu chuyện chị em dâu

Lấy chồng, người phụ nữ phải đối diện với nhiều vấn đề. Có những người sống hòa thuận với các chị, em dâu trong nhà chồng nhưng cũng không ít người rơi vào trường hợp đúng câu “chị em dâu như bầu nước lã”.

 
Đau đầu chuyện chị em dâu - 1

Chị em dâu nên nỗ lực dưới tinh thần hợp tác,
xem nhau như bạn thân thiết hoặc chị em ruột.

Khi 2 dâu cùng sống 1 nhà

 

Mấy ngày nay Anh V. Thanh, công tác tại một hãng taxi, sau giờ làm việc thường không muốn về nhà mà la cà cùng các anh em chiến hữu. Nhiều đồng nghiệp tưởng anh siêng năng ở lại… làm thêm giờ cho hoàn tất công việc, chỉ có mấy chiến hữu thân cận mới biết anh đang “trốn” nhà mà cụ thể là vợ và bà chị dâu.

 

Không chỉ anh mà ông anh trai của anh cũng chẳng muốn về nhà chút nào vì sợ phải tiếp tục đứng ra làm trọng tài phân xử.

 

Không chỉ hai ông chồng, hai bà vợ giờ cũng chẳng thiết tha gì đến gia đình nhà cửa bởi “về lại chạm cái mặt nhau, chán đến tận cổ!”. Một người thấy chồng đi cũng… đi cho chồng “biết mặt”, một người đang mang bầu 3 tháng thì về nhà cứ vậy, đóng cửa ở trong một mình cho khỏe, cơm nước tự bố mẹ chồng lo. Mấy ngày nay, sau vụ ầm ĩ cãi nhau, cả hai đã tuyên bố trước mặt chồng và bố mẹ chồng: “từ giờ trở đi, nhà nào nhà nấy ăn!”.Mặc hai ông chồng và bố mẹ chồng can ngăn, hai cô con dâu mặc kệ tất cả.

 

Bố mẹ chồng tính không nói nhiều, can ngăn hai con dâu không được họ quay lại trách cứ con trai. Hai anh về nói với vợ thì bà nào bà nấy mặt xưng mày xỉa. Chị Nhung, vợ anh Thanh nghe chồng trách, khóc tức tưởi: “Anh xem, từ ngày em về chị toàn bắt nạt em. Chuyện bếp núc lúc nào cũng trốn về muộn để em làm hết. Đã vậy ăn còn chê ỏng chê eo. Em có phải osin của chị ấy đâu mà cứ ỷ bố mẹ thương rồi bắt nạt em!”. Nghe vợ khóc anh Thanh cũng chỉ biết thở dài.

 

Bà chị dâu làm ở bệnh viện, kỹ tính nhưng được cái biết chăm sóc sức khỏe cho bố mẹ nên hai cụ cũng thương. Lấy nhau bốn năm rồi nhưng nay anh chị mới có lại tin vui sau lần đầu bị sẩy. Chị dâu có thai, cả nhà vui mừng nên bố mẹ lại càng chiều khiến chị tưởng mình là… tướng. Cô em dâu cũng về nhà được 2 năm rồi nhưng còn đang kế hoạch vì học nghiên cứu sinh. Vừa nghiên cứu sinh vừa đi làm, về tới nhà đã phải vào bếp lo cơm nước, bà chị dâu muôn đời có cớ: “Con trực nên về muộn”.

 

Cơm dọn xong xuôi, vợ chồng chị dâu tắm rửa rồi xuống ăn cơm. Mọi việc em dâu cũng nhẫn nhịn cho xong vì mình là dâu thứ, nhưng mãi rồi cũng không chịu được cho tới ngày bữa cơm dọn ra, chị chê ỏng eo món cá kho măng: “Mặn quá! Bà bầu ăn mặn thế này không tốt tý nào!”. Đến lúc này cô em dâu không chịu nổi nữa: “Chị chê thì vào bếp mà nấu!”. Vậy là chiến tranh nổ ra. Em dâu đình công. Bố mẹ chồng không biết trách ai cả, khuyên không ai nghe các cụ đành vào bếp. Gia đình vậy tưởng chung sống dưới một mái nhà vui vẻ ai ngờ càng nặng nề hơn.

 

Không ở chung một nhà vẫn ghét nhau

 

Đừng nói “ở chung thế nào cũng sinh ra va chạm”. Nhiều người dù không phải ở chung một ngày nào vẫn ra mặt ghét nhau.

 

Thu Huyền trước khi cưới đã ấm ức chia sẻ về cô em dâu của mình với giọng hậm hực: “Hai cặp cùng yêu nhau, anh của mình là anh lớn, nhiều tuổi rồi, anh của nó thì mới 22 tuổi. Nó cũng mới 20 tuổi chứ đâu, vậy mà gia đình bàn cưới cho tụi mình trước thì hai đứa nó giãy nãy lên không chịu đòi phải cho cưới trước. Mẹ chồng mình lại bênh con út vì thấy nó chơi bời, lêu lổng quá nên đành cưới sớm cho yên chuyện”.

 

Chuyện không chỉ dừng lại ở cưới trước hay cưới sau bởi khi vợ chồng người em cưới trước, vợ chồng Huyền cưới sau, tình hình vẫn chẳng có gì cải thiện hơn. Nhắc đến cô em dâu chỉ làm cô bạn thấy “tức không chịu nổi”:

 

“Nó ngọt ngào với mẹ chồng đến mức mình sởn da gà. Đúng là đồ mồm miệng đỡ chân tay. Không ở chung với nhau nhưng thỉnh thoảng về thăm ba mẹ chồng thì hai dâu phải vào bếp, mình cặm cụi làm còn nó cứ đứng “hót” với mẹ. Ghét không chịu nổi!”. Hỏi thái độ khi hai người đối xử với nhau ra sao, Huyền gạt đi: “gặp thì hỏi vài câu chứ nó cũng có ưa gì mình. Toàn nói khích mình trước mặt bố mẹ chồng thôi. Kiểu này có ngày mình cho một trận cho chừa cái tội láo!”.

 

Giải pháp

 

Người Việt ta từ xưa đến nay vốn tôn trọng truyền thống gia đình. Việc sum vầy, quây quần cùng chung sống dưới một mái nhà tạo niềm vui và sự gắn kết cho các thành viên, do đó ở nhiều nhà các anh em trai dù đã lập gia đình nhưng vẫn ở cùng nhau. Tuy vậy, cuộc sống chung này không hẳn chỉ hoàn toàn đem lại niềm vui, đi đôi với nó còn phát sinh thêm nhiều vấn đề như gia đình anh Thanh đã nói ở trên là một ví dụ. Đổ lỗi cho sống chung cũng không hẳn là lý do đúng hoàn toàn bởi vẫn có những gia đình chung sống khá hòa thuận, chị em dâu thân nhau như ruột hoặc có những gia đình không sống chung như vợ chồng Huyền vẫn không thể có được cảm tình thâm mật của chị em dâu. Cái chính vẫn là ở cách cư xử của mỗi người. Tùy theo tình huống mà có cách tìm ra nguyên nhân ứng phó cho phù hợp.

 

Sau đợt “cách mạng” của vợ, anh Thanh quyết định, hai vợ chồng sẽ dọn ra ở riêng. Đây là giải pháp duy nhất bởi tình hình căng thẳng, không thể cầm cự thêm được nữa. “Anh chị cả sẽ ở với bố mẹ. Vợ chồng con tuy điều kiện chưa có nhưng cũng nên ra riêng cho thoải mái. Cuối tuần chúng con về thăm bố mẹ. Nhà mình cũng chật, chị dâu lại sắp có em bé…”, lời đề nghị của anh được bố mẹ chấp nhận dù các cụ cũng muốn con cái sum vầy. Chị Nhung vợ anh thì cũng được thở phào nhẹ nhõm. Gia đình tránh được cảnh ra đụng và chạm, hậm hực nhìn nhau căng thẳng.

 

Với những gia đình không thể cải thiện được tình hình thì ra riêng là điều nên làm sau mọi cố gắng không thành. Tuy vậy, giải pháp tốt nhất vẫn là chị em dâu biết cách nhường nhịn và tôn trọng nhau. Nếu ở chung với nhau nên phân công đồng đều công việc và trách nhiệm.

 

Ngoài ra, cả hai phải nỗ lực dưới tinh thần hợp tác, xem nhau như bạn thân thiết hoặc chị em ruột, cùng nhau lắng nghe, tìm tiếng nói chung, tuyệt nhiên tránh lôi kéo chồng vào nói xấu, dèm pha gây mất tình đoàn kết.

 

Theo Cẩm Nang Mua Sắm