Đa thê thời hiện đại

Quan niệm “đàn ông năm thê bảy thiếp” tưởng đã thuộc về quá khứ xa xôi, vậy mà, trên thực tế, vẫn có những trường hợp “một ông hai bà”. Đáng ngạc nhiên là cả hai người vợ đều đồng ý sống chung dưới một mái nhà.

 
Đa thê thời hiện đại - 1


Ngậm đắng vì không thể sinh con

 

Câu chuyện của chị Lâm Thị H., ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM, là một trường hợp như thế. Chị và anh Hồng Th. kết hôn đã hơn hai năm nhưng vẫn không sinh được mụn con nào. Vì anh Th. là con trai một nên khi biết nguyên nhân hiếm muộn đến từ phía con dâu, mẹ Th. nhiều lần nhỏ nhẹ bảo chị: “Con chịu khó để thằng Th. đi lấy vợ hai, sinh con nối dõi. Con vẫn là con dâu của mẹ”. Chị H. nghe và chỉ biết khóc. Thấy vợ buồn, anh Th. khăng khăng phản đối ý định của mẹ.

 

Nhưng bỗng một ngày, người hàng xóm cho chị hay tin anh có “bà hai”. Chị nửa tin nửa ngờ nên bí mật theo dõi chồng. Sự thật phơi bày trước mắt: Anh đang sống chung với một cô gái trẻ và cô ấy đã có thai năm tháng.

 

Quá đau khổ, chị đòi ly hôn. Chồng chị khóc: “Nếu em không đồng ý, cô ấy sẽ không được về nhà này. Anh không muốn ly hôn, anh chỉ yêu mình em thôi”. Chị cũng khóc vì còn yêu chồng rất nhiều. Sau cùng, chị từ bỏ ý định ly hôn. Dù không muốn nhưng không đành nhìn chồng chạy đi chạy về giữa hai nơi, chị đồng ý để cô gái kia về sống chung nhà. Bố mẹ chồng chị vui ra mặt.

 

Sau khi đứa trẻ ra đời, cô gái kia trở thành “trung tâm”, nhận sự quan tâm và chăm sóc từ mọi người. Thương con chồng, chị cũng ra sức chăm nom cô vợ lẽ. Được thể làm tới, cô vợ hai ra sức “nhờ vả” chị cả. Sau giờ làm việc, chị quần quật với đủ thứ việc không tên. Đã ba tháng sau ngày sinh nhưng cô vợ hai vẫn nằm trên giường, chỉ tay năm ngón. Uất ức quá, chị phản ứng, mẹ chồng liền cau mày: “Con không sinh được thì chịu khó làm những việc khác”.

 

Ngay cả chồng chị cũng dần lơ là với vợ, suốt ngày bồng bế con. Chị tâm sự gì, anh cũng ừ hữ cho qua. Nỗi đau như bị muối xát, chị câm lặng ra vào tổ ấm một thời của mình như người mất hồn.

 

Chịu cảnh chồng chung để giữ cha cho con

 

Cũng cảnh ngộ chồng chung nhưng chuyện của chị AT, 28 tuổi, kế toán, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM, có phần khác. Kết hôn gần 10 năm nhưng chị AT chẳng có mấy ngày hạnh phúc vì chồng vốn tính trăng hoa. Không thể thay đổi bản tính của chồng, chị tự an ủi: “Đi chơi đâu cũng được, chỉ cần anh ấy có trách nhiệm với vợ con”.

 

Thế nhưng một ngày, chồng chị đưa một phụ nữ khác về sống cùng nhà vì: “Anh phải có trách nhiệm với đứa con của cô ấy”. Chị uất ức đến nghẹn ngào, mấy lần định viết đơn ly hôn, nhưng không thể vì thương con sẽ thiếu cha.

 

“Thời gian đó, tôi cứ tự hỏi con mình sẽ ra sao nếu không có cha? Ly hôn thì dễ quá rồi nhưng có thiệt thòi cho con quá không? Cuối cùng tôi đành nhắm mắt đồng ý để con được có cha”. Chị AT nhớ lại.

 

Mỗi ngày, để không xảy ra xung đột, chị cố tránh mặt người phụ nữ kia. Thế nhưng cô ta luôn tìm cách gây sự, hôm nay bảo mệt không thèm rửa bát, ngày mai lại diện bộ cánh mới nũng nịu vòi chồng chị đưa đi ăn ngoài vì ngán cơm nhà…

 

Nhìn cảnh chồng mình đẩy đưa với vợ lẽ, chị tức sôi máu nhưng không biết phải làm sao. Chị quay sang trút giận vào các con: “Tại chúng mày mà tao phải khổ sở thế đấy! Tại chúng mày hết…”. Chồng chị cũng chẳng vui vẻ gì vì phải căng óc dàn xếp mâu thuẫn giữa bà lớn và bà bé. Anh cũng chịu sự chỉ trích không ít từ phía gia đình. Càng ngày càng mệt mỏi, anh ít khi ở nhà. Nếu có, anh cũng say khướt, đá thúng đụng nia. Hai đứa con vừa sợ gặp cha vừa ngại ở cạnh mẹ nên cứ chui rúc trong phòng. Tổ ấm của họ như đang ở trên chảo lửa, không biết sẽ cháy lúc nào.

 

1.001 nguyên nhân gây cảnh một ông hai bà

 

Theo chuyên viên tâm lý, chị Lâm Thị H. và AT chỉ là hai trong số rất nhiều phụ nữ đang phải chịu cảnh “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Mỗi người có một lý do khác nhau nhưng phụ nữ thường cam chịu kiếp chồng chung vì bốn nguyên nhân chính:

 

Vì không thể sinh con

 

Khi không thể thực hiện thiên chức làm mẹ, phụ nữ luôn sống trong tâm trạng khổ sở, dằn vặt. Họ thường nghĩ chồng có “vợ hai” là lẽ đương nhiên nên sẽ im lặng thay vì phản đối kịch liệt.

 

Quan niệm con cái cần có cha dạy dỗ

 

Họ sợ con mất cha sẽ thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, họ đành chia sẻ vị trí hậu phương cho người khác để đảm bảo con vẫn có cha bên cạnh. “Một mô hình gia đình hoàn hảo tất nhiên phải có cả cha lẫn mẹ. Tuy vậy, điều này chỉ đúng khi cha mẹ hạnh phúc và người cha là tấm gương tốt cho con. Khi chấp nhận kiếp chồng chung, phụ nữ thường nghĩ đây là hướng đi tốt nhất. Tuy nhiên, họ lại vô tình đẩy con vào môi trường xấu. Cảnh một ông hai bà dễ phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh cãi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ nhỏ”, chuyên viên tâm lý phân tích.

 

Ở nhà làm nội trợ

 

Những phụ nữ sống phụ thuộc chồng cũng dễ chấp nhận chuyện “vợ lẽ”. Trong thế tương quan tâm lý giữa hai vợ chồng, họ bao giờ cũng nằm “kèo dưới”. Tiếng nói của chồng bao giờ cũng là mệnh lệnh và họ chỉ biết tuân theo. Dù biết chồng ngoại tình, thậm chí sống cùng “bà hai” nhưng họ vẫn không dám lớn tiếng phản đối. Họ sợ mất đi chỗ dựa về vật chất lẫn tinh thần.

 

Nguyên nhân thứ tư và cũng là nguyên nhân khá tế nhị, một số Eva phụ thuộc chồng về tình dục. Những người vợ này sẵn sàng chịu thua thiệt để không mất chồng, người mang lại cho họ hạnh phúc trong chuyện gối chăn.

 

Vi phạm cả đạo đức lẫn pháp luật

 

Tuy xuất phát từ nhiều lý do nhưng hầu hết phụ nữ chịu cảnh chồng chung đều có cùng tâm trạng. Họ mệt mỏi, bế tắc, dễ cáu giận và sớm hay muộn cũng sẽ rơi vào trầm cảm. Tuýp phụ nữ này thường quá yếu đuối, không biết đấu tranh cho hạnh phúc của mình. Họ đánh đổi tất cả, kể cả lòng tự trọng, để có cuộc sống yên bình. Tuy nhiên đó chỉ là sự yên bình giả tạo.

 

Trên thực tế, họ đang thử thách lòng kiên nhẫn của bản thân vì trước sau gì mâu thuẫn cũng nảy sinh. Không những thiệt thòi về mặt tâm lý, cảm xúc, các bà vợ chính thức này còn thiệt thòi cả về quyền lợi hợp pháp. Từ chỗ được được pháp luật và dư luận bảo vệ, họ tự đẩy mình vào thế “đồng lõa”, dung túng cho chồng vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

 

Luật sư Trịnh Thanh, Văn phòng luật sư dành cho người nghèo, cho biết: “Theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự Việt Nam, người đàn ông có hơn một vợ là vi phạm pháp luật. Họ có thể bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Như vậy, khi đã đăng ký kết hôn, người vợ luôn được bảo vệ về mặt pháp lý. Khi đồng ý cho chồng “lập phòng nhì”, chính bạn đã tự làm mất đi quyền lợi của mình.

 

Dô đó, nếu chồng có ý định “ăn phở” công khai, bạn nên phản đối ngay chứ không nên để mặc cho chồng tự tung tự tác. Gia đình sẽ không đến mức tan vỡ nếu người vợ khéo léo và cương quyết trong việc xóa bỏ ước muốn “đa thê” của bạn đời.

 

Bạn cũng cần lưu ý nếu bạn sống phụ thuộc hoàn toàn vào chồng, nhất là về tài chính, chồng bạn sẽ có xu hướng tự quyết tất cả mà không cần nghe ý kiến của vợ. Lâu dần thành thói quen, các quý ông sẽ trở nên lấn lướt và độc tài. Điều này dẫn đến hệ quả họ có thể đưa một người phụ nữ khác về nhà mà không cần quan tâm đến cảm xúc của người vợ, cũng không sợ vợ sẽ phản ứng hay nhờ chính quyền can thiệp. Vì vậy, bạn nên có việc làm ổn định và độc lập về tài chính. Trong cuộc sống thường ngày, hãy thẳng thắn tranh luận mọi vấn đề để giành được sự tôn trọng từ một nửa của mình.

 

Nếu không may hiếm muộn, bạn nên đề nghị chồng nhận con nuôi hoặc thụ tinh trong ống nghiệm, tuyệt đối không giải quyết bằng cách cho chồng “lập phòng nhì”. Trong trường hợp bất khả kháng, bạn nên ly hôn để tự giải thoát và tìm hạnh phúc mới.

 

Theo Tiếp thị Gia đình