Con là con của bố

(Dân trí) - Nó lặng lẽ khóc, vẫn như mọi lần lúc bố quát tháo vang nhà. Nó đã quen với giọng điệu đay nghiến của bố, tâm hồn nó chai sạn, song nó vẫn khóc như một phản xạ, khóc vì không biết phải làm gì cho vợi nỗi đau đang ngày càng bị khoét sâu hơn.

Đang tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nó nào đã biết gì, nào có lỗi gì. Nhưng hàng ngày nó luôn phải chịu cơn thịnh nộ của bố mỗi khi bức xúc bất cứ việc gì ở cơ quan, ngoài xã hội thậm chí cả chuyện thằng em bị điểm kém.

 

Ở nhà, chỉ có mẹ là thương nó. Mẹ cũng bất lực trước bố nên chỉ biết ôm nó vào lòng tấm tức khóc cùng. Mãi rồi phải quen với sự vô lý đó, mẹ trở nên lãnh đạm, thờ ơ, đôi khi mới gắng an ủi nó. Nó không hiểu lắm, chỉ thấy sợ khi mình hay bị mắng oan.

 

Nó lớn lên và có vẻ đẹp dịu dàng, thanh thoát thiếu nữ, ai cũng quý đức tính khiêm tốn và lễ độ của nó, chỉ có bố là ác cảm thành định kiến. Nó luôn sống trong lo âu thấp thỏm khi vô tình làm gì để bố không hài lòng, nem nép sợ vì bố luôn sẵn sàng bắt ne bắt nẹt, xét nét nó từng hành động nhỏ. Với nó, điều đó luôn là một dấu chấm hỏi đáng tò mò, cần tìm hiểu.

 

Một sáng chủ nhật trời vắt vẻo xanh, từng đàn chim bay ríu rít, lòng nó rộn ràng tươi vui. Hôm nay mẹ dạy nó làm bánh bao - món nó thích nhất. Làm xong mẹ sai nó mang cho bà nội gần đó. Nó tung tẩy, nhanh nhẹn lấy xe rồi cong mông đạp thật nhanh để mau về còn ăn bánh đang nóng hổi. Vào đến cổng nó trông thấy xe chú út về, muốn chú bất ngờ nên nó nhẹ nhàng dắt xe, khẽ khàng dựng chân chống rồi rón rén vào định “hù” chú, bỗng nó khựng lại khi nghe loáng thoáng chú đang nói chuyện với bà có nhắc đến mình. Nó căng tai ra nghe, tiếng chú cười vang:

 

- Bạn con về cứ khen cái Nhí xinh xắn, hiền dịu giống chị dâu.

 

Giọng bà trầm ấm:

 

- Được giáo dục từ phong cách, tính tình thì cũng có thể giống chứ sao. Mà ngày ấy tao bảo anh mày chờ thêm năm nữa, vẫn chưa có hẵng nhận con nuôi, cứ đùng đùng... Giờ không được sinh thêm lại đi quát nạt con bé. Đến tội.

 

Nó thoáng hoa mắt, choáng váng suýt ngã, nhưng rồi lạ thay, nó lại tỉnh táo vì bao thắc mắc bấy lâu giờ sáng tỏ. Ngày trước thấy lờ mờ bố mẹ định sinh thêm em bé, nhưng vì nếu sinh con thứ ba sẽ bị phạt, làm kiểm điểm nên thôi... Nó chắp nối những điều mình đã biết lại với nhau một cách nhanh chóng, nó hiểu tất cả liền bình tĩnh dắt xe dựng lại chân trống thật to, đánh động như vừa mới đến rồi hắng giọng đi vào đưa bà hộp bánh. Bà và chú bối rối, hỏi han tíu tít mà dường như đang muốn dò xét thái độ. Nó điềm nhiên tươi cười mời chú ra nhà chơi, giờ nó phải về.

 

Ngộ ra sự thật lòng nó bỗng nhẹ bẫng, tự nhiên thấy thanh thản hơn nhiều. Nó không còn cảm giác tò mò, tủi hổ pha lẫn quặn đau con tim như trước, nó thấy mình người lớn hơn. Nó thấy kính yêu bố hơn, bố nuôi nó lớn khôn cho ăn học tử tế. Bên cạnh những cay nghiệt, dằn hắt có lẽ ông mong nó cứng cỏi, rắn rỏi hơn chăng? “Đó chưa hẳn là vì hắt hủi mình” - nó tự trấn an. Giờ nó đã hiểu và càng thông cảm, nó sẽ cố gắng hơn nữa, hiếu thảo hơn nữa để xoá dần mặc cảm con nuôi, con đẻ.

 

Mặc dù bố vẫn lạnh nhạt, dửng dưng trước sự quan tâm của nó, thường mắng mỏ nhưng nó lặng lẽ chịu đựng và khóc, không một lời oán thán, kể lể hay cãi lại. Bố mẹ nó cũng vô tư không nghĩ rằng nó đã trưởng thành hơn, đã biết và hiểu nhiều vấn đề. Cuộc sống của nó vẫn đều đặn diễn ra tuy nó có trầm lắng hơn nhưng không ai để ý.

 

Chiều tối đó chỉ có ba mẹ con ăn cơm, bố bận đi liên hoan công ty kỉ niệm mười năm thành lập. Bỗng nhiên có người ở cơ quan bố lập cập đến báo, bố nó bị tai nạn do say rượu, đâm xuống cống, thấy mặc đồng phục nên họ đưa vào viện và báo về cơ quan.

 

Nó vội buông bát đũa, nhanh chóng theo mẹ đến bệnh viện. Nó ngồi phòng ngoài chờ mẹ nói chuyện với bác sỹ phụ trách chữa trị cho bố, mẹ bần thần dắt nó đi cùng bác sỹ vào thăm, bố vẫn yếu, mắt lim dim chừng mệt mỏi. Mẹ nói với bố và dặn nó ngồi đây để mẹ đi liên hệ với họ hàng tìm người truyền máu cho bố gấp. Nó ngước nhìn mẹ chợt thấy mình mạnh mẽ lạ thường, hết nhìn bố lại quay sang nhìn thẳng vào mắt mẹ nói rành mạch: “Mẹ để con đi truyền máu cho bố”.

 

Nó nhận thấy rõ gương mặt mẹ thoáng chốc hơi tái đi trong giây lát, vừa kịp liếc nhìn bố cũng đang bất ngờ không kém. Mẹ nó lắp bắp: “Sao con nghĩ sẽ phù hợp với nhóm máu của bố?”. Nó quả quyết: “Vì con là con gái bố”. Mẹ nó cúi mặt dường như ngộ ra con gái hiểu biết nhiều hơn mình tưởng. Bỗng nhiên nó và mẹ cùng rơi nước mắt.

 

Nó theo bác sỹ vào phòng xét nghiệm sau đó ra với kết quả đủ tiêu chuẩn truyền máu vì nó thuộc nhóm máu O, có thể truyền cho tất cả các nhóm còn lại. Nó biết điều này từ ngày trong trường có đợt tình nguyện hiến máu nhân đạo.

 

Triệu Bình Yên