Con không phải “nô lệ” của mẹ

(Dân trí) - Tý vùng vằng không chịu đi mua mấy gói mì. Mẹ gặng hỏi tại sao. Tý khóc òa và trả lời thật lớn: “Con không muốn làm nô lệ cho mẹ nữa!”.

 
Con không phải “nô lệ” của mẹ - 1


Nghe con nói, mẹ “hết hồn”. Ngước mắt nhìn con, ôi mẹ không hiểu vì sao Tý hôm nay lại “tố cáo” mẹ “bóc lột” con trai mình.

 

Ngồi ôm con, mẹ lựa lời gặng hỏi. Thì ra, cu cậu đang học lịch sử nước Mỹ về những người nô lệ da đen ngày xưa. Từ đó anh chàng cho rằng, những người làm việc mà không được trả thù lao thì được gọi là nô lệ.

 

Nghe con nói, mẹ vừa buồn cười vừa sầm mặt lại. Con trai mẹ đã quên mất rằng, việc mua mì đâu phải chỉ cho riêng bố mẹ, mà chính mình nữa.

 

Mẹ hỏi Tý: “Vậy mẹ chăm sóc Tý, nấu cơm, giặt đồ, đi làm việc để lấy tiền cho Tý học, Tý có trả thù lao cho mẹ không? Tý trả lời “dạ không”. “Vậy mẹ có phải là nô lệ của Tý không?”, anh chàng bẽn lẽn không trả lời.

 

Hai mẹ con cùng vào mạng internet, tìm kiếm định nghĩa về nô lệ. Thì ra, nô lệ mà Tý học khác xa với nghĩa mà Tý đang nghĩ.

 

Người nô lệ là những người làm việc cho người khác mà không được trả tiền công, bị vắt đến kiệt sức, thậm chí còn bị đánh đập một cách dã man, không thương tiếc.

 

Nhưng những người làm việc gì đó mà không được trả thù lao thì có thể không phải là nô lệ.

 

Thù lao ở đây Tý mới chỉ hiểu là tiền bạc. Tý quên mất rằng thù lao có thể là những thứ khác. Đó có thể là sự chăm sóc, nuôi dưỡng, quan tâm, là cho cái ăn, cái mặc và cả sự ghi nhận công lao nữa.

 

Mẹ lo cho Tý từng miếng cơm, giấc ngủ, cho Tý học hành, sách vở và cả đồ chơi. Mẹ quan tâm từng giây, từng phút an toàn và hạnh phúc. Vậy mà Tý đã không nhận ra.

 

Thấy con đứng ngẩn ra, mẹ lục tìm những những bài báo nói về sự bóc lột sức lao động của trẻ em cho Tý xem. Trong các bài viết tác giả đã nêu lên các trường hợp trẻ em bị bắt đi ăn xin, bán vé số, làm việc nhà, thậm chí có người còn bị bắt lên rừng đãi cát tìm vàng. Cơm không đủ ăn, áo không có mặc. Không có một sự quan tâm, cảm thông và thương xót. Chỉ có người dưng, người xấu bụng, ích kỷ, tham lam mới có thể làm điều đó với người khác, nhất là với trẻ em.

 

Sau hôm đó, hai mẹ con thống nhất, từ giờ trở đi không còn khó chịu mỗi khi làm việc giúp người khác, nhất là việc trong nhà mình.

 

Theo chuyên gia tâm lý, trẻ phản ứng lại khi được giao việc là điều dễ xảy ra.

 

Các bậc làm bố làm mẹ cần phải biết cách ứng xử sao cho bé cảm thấy được tôn trọng và có nghĩa vụ với gia đình. Thường xuyên có những buổi nói chuyện với con, sao cho hai bên hiểu được thông điệp của nhau.

 

Chúng ta không nên ép bé làm những việc mà bé không thích. Cần xây dựng tình thương giữa hai bên. Từ đó tạo ra cho bé thấy mình cũng là thành viên trong gia đình.

 

Ngoài ra cần làm sao cho bé hiểu, trong nhà bố mẹ lớn phải đi làm kiếm tiền nuôi bé, còn các công việc nhà bé hãy thực hiện để giúp bố mẹ, đó là trách nhiệm cũng như nghĩa vụ chứ không phải là ép buộc. 

Mỗi khi con trẻ tranh luận điều gì đó là bé đang muốn chuyển thông điệp tốt đến các bậc bố mẹ. Đừng nghĩ bé nói hỗn, hãy xem đúng hay sai. Nếu cảm thấy mình không phải, hãy nói lời xin lỗi, còn bé nói chưa phải thì nên làm sao cho bé nhận ra.

 

  

 Hoài Lương - Minh Huệ