“Chốn riêng” nào cho chúng mình?

Cuộc sống hôn nhân sẽ bị đe dọa nếu các cặp vợ chồng không có một nơi chốn thuận lợi để “yêu”. Có “vườn yêu” hợp ý vẫn còn là nỗi trăn trở và là một mơ ước của không ít cặp vợ chồng.

Thiên đường bị đánh cắp

 

Không gian dành cho chuyện chăn gối của đôi lứa vẫn được xem là thiên đường trong cuộc sống hôn nhân. Thế nhưng vì nhiều lý do, đối với một số cặp vợ chồng, “thiên đường” này hầu như không tồn tại.

 

Vợ chồng anh chị T. Mai - T. Thành, đều là công nhân viên chức Nhà nước, được cấp một căn nhà nhỏ trong khu tập thể Giao thông Vận tải (Bình Dương), cười buồn: “Nhà chật, chỉ có hai phòng, người thì đông, phòng ngủ của chúng tôi được đem ra trưng dụng làm chỗ ngả lưng cho mấy đứa cháu ngoài quê vào trọ học. Biết làm sao được, ba mẹ tụi nhỏ nghèo quá, mình không giúp được gì, cho tụi nó ở vài năm xem như đỡ đần anh chị vậy”.

 

Chuyện vợ chồng cần một không gian yên tĩnh, lãng mạn... thì cảm xúc mới thăng hoa, tình cảm vợ chồng sẽ gắn kết hơn, hạnh phúc vì thế cũng bền vững hơn. Họ biết rõ điều đó nhưng với mức thu nhập trung bình, họ không cách gì tìm một “thiên đường” như mong muốn. “Khoảng không gian 4 x 6 m2 vừa đủ đặt chiếc giường, kê cái tủ là nơi sinh hoạt chung cho một gia đình bốn nhân khẩu: một mẹ già, hai vợ chồng và đứa con nhỏ, thử hỏi chúng tôi biết làm cách nào để “yêu” nhau. Chúng tôi ngoài Thanh Hóa vào đây lập nghiệp, tìm được chỗ ở giá cả phải chăng đã là may mắn”, chị M. Nguyệt tâm sự.

 

Chúng tôi không cần drap đẹp, nệm êm, không cần rèm cửa phất phơ, đèn ngủ kiểu cọ, chỉ ước có một phòng ngủ thật riêng tư cho vợ chồng. Chỉ để không phải lo lắng bên ngoài có ai, giờ này có người về... Vậy là đã hạnh phúc lắm rồi!”, cặp vợ chồng K. Chi và M. Lương (Q.8 - TPHCM) cùng chung cảnh ngộ bày tỏ.

 

“Yêu” tranh thủ

 

“Yêu” lúc nào, ở đâu luôn là câu hỏi được đặt ra thường trực cho các cặp vợ chồng không có “vườn yêu”.

 

Chuyện “yêu” là do cảm xúc điều khiển. Nó bất biến, không theo một lập trình hay thời khóa biểu nào cả. Sau một ngày mệt nhọc với công việc và lo toan, tối đến là khoảng thời gian lý tưởng nhất cho đôi vợ chồng kề cận. “Chúng tôi nằm cạnh nhau, trò chuyện và qua những cử chỉ yêu thương thì mới có cảm xúc để “yêu”, nhưng tối đến thì hai đứa cháu ngủ dưới đất, cách giường chúng tôi có một tấm ri-đô. Đôi khi hai đứa tôi phải kìm nén lại hoặc có thì cũng chỉ “đánh nhanh rút gọn” hoặc “làm khẽ, thở nhẹ”, thế là sự thăng hoa cũng bay mất tiêu” - vợ chồng anh chị T. Mai - T. Thành thở dài kể.

 

Con cái cũng là một vấn đề. Lúc con còn nhỏ thì không sao nhưng khi con đã bắt đầu đi học, ý thức được mọi chuyện mà lại không có phòng riêng cho con thì muốn “yêu” cũng lắm khó khăn. Nhiều cặp vợ chồng phải tranh thủ giờ nghỉ trưa, rảnh rỗi đôi chút lúc con cái đi học hoặc chờ đến khuya, con ngủ thật say...

 

Nhà tắm, ghế salon ở phòng khách lúc đêm về là những nơi chốn tương đối ổn và là giải pháp khả dĩ cho các cặp vợ chồng thiếu “vườn yêu”, một nhà tâm lý hiến kế. Nhưng... “thay đổi không gian cũng thú vị, có điều đôi lúc cũng... mệt tim lắm và lại không thoải mái bằng phòng ngủ của mình” là đa số ý kiến của những người trong cuộc.

 

Giải pháp khả thi?

 

Các cặp vợ chồng thiếu “vườn yêu” luôn bối rối khi đứng trước một vấn đề tưởng nhỏ mà không nhỏ chút nào. Chuyện “gối chăn” là một vấn đề riêng tư, tế nhị, không thể để hớ hênh rồi đòi hỏi mọi người xung quanh phải chịu trận và “thông cảm” được. Bởi thế, đôi khi nhu cầu “yêu” của vợ chồng xuất hiện thì chính họ phải tìm biện pháp để vẹn cả đôi đường.

 

Vào khách sạn có vẻ là một giải pháp hợp lý và không kém phần lãng mạn. Nhưng với chi phí trung bình 50.000 - 60.000 đồng/giờ thì nhiều cặp vợ chồng dè sẻn để dành một tuần/lần cũng đã là chật vật, huống gì nhiều cặp không có khả năng chi trả. Và đôi khi, trong tư tưởng của họ lại có suy nghĩ, mình đang chi xài phí phạm.

 

Nếu gia đình có nhiều người thì ít nhất một tuần phải khéo léo sắp xếp một ngày cho cháu đi chơi, con cái về nhà ngoại, nhà nội... để vợ chồng có không gian riêng. Mẹ chồng chị M. Nguyệt tuy ở thôn quê, nhưng tỏ ra là người rất hiểu chuyện, bà nói: “Thấy hai đứa nó còn trẻ, phải sống chật chội như vậy, thương lắm! Đôi khi buổi tối, không có việc gì, tôi cũng ẵm cháu qua nhà hàng xóm chơi, đánh tiếng với chúng: Mẹ qua nhà dì Hai, chắc ngồi nói chuyện lâu lắm đó, để chúng được tự do”.

 

Một ngôi nhà nhiều người chen chúc, mấy ai tâm lý và nghĩ được như bà mẹ kia? Giải pháp nào khả thi hơn ngoài việc có đủ tiền để sắm sửa cho mình một tổ ấm có chốn “thiên đường”? Bởi thế, việc thiếu thốn “vườn yêu” vẫn là một thiệt thòi lớn cho các đôi vợ chồng.

 

Theo Cẩm Yên

Người lao động