Chớm thu rồi mẹ nhỉ!

(Dân trí) - Miền Bắc mấy hôm nay đã lao xao lá rụng. Đi dưới những cơn mưa lá ấy, thảng hoặc bắt gặp những cô cậu nhóc má còn phính sữa, tay còn chưa biết dây mực, cặp còn thơm mùi mới nẩy nhẹ sau lưng áo, con thấy lòng xao xuyến kỳ lạ.

Con nhớ tuổi thơ buổi đầu chập chững tới trường. Và con cũng nhớ mẹ biết bao!

 

Cháu Tôm hỏi con về chiếc cặp sách mới mẹ đã hứa mua cho cháu vào dịp tựu trường. Cháu nhất định muốn đeo cặp bà ngoại mua trong ngày khai trường đầu tiên của đời học sinh. Với một cậu nhóc 6 tuổi như cháu, đó hẳn là một sự kiện vô cùng lớn lao. Cũng giống như con ngày xưa mẹ nhỉ.

 
Chớm thu rồi mẹ nhỉ! - 1


Đôi khi con vẫn thường bật cười nhớ lại cái ngày anh Thành mới vào lớp 1, háo hức với sách mới cặp mới. Con khi đó là cô nhóc 4 tuổi, tò mò háo hức với chiếc cặp của anh, nhân lúc anh không để ý đã mở ra lôi bằng hết sách vở ra xem. Anh con hôm đó cứ thế đeo cặp không đi học, bị cô giáo mắng, chiều về tấm tức mách mẹ và đòi đánh con. 

 

Đời mẹ tảo tần với đàn con lóc nhóc. Anh Thành lên lớp 3 thì con vào lớp 1. Nhóm con gái bọn con đi học trường làng ngày nào cũng bị đám trẻ trong làng bắt nạt, chặn đường trấn phấn, trấn chun. Cô cho xếp hàng chuẩn bị ra về, lớp trưởng hô “nghỉ” là đứa nào đứa nấy chạy thục mạng, chỉ mong không bị chặn lại nơi đầu làng. Hồi đó cha mẹ còn nghèo, cuộc đời công nhân thời bao cấp đâu thảnh thơi để đưa đón con đi học mỗi ngày. Con vẫn nhớ lắm, chỉ có bạn Tâm có bố đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc là được mẹ đón mỗi ngày trên một chiếc xe đạp rất đẹp. Chúng con thèm lắm, những bàn tay nhỏ xíu cứ bám vào cái gac-ba-ga sau xe, chạy theo cho đến vùng “an toàn khu” mới thôi. Cho đến khi chúng con sắp vào đại học, mẹ của Tâm vẫn nói: “Hồi đó giá cô có cái gac-ba-ga thật to để chở tất cả mấy đứa về nhà”.

 

Nhắc chuyện những “chú gà ngây ngô” đi học, mẹ chẳng vẫn thường kể con nghe chuyện con sém chút nữa đã thành học sinh lưu ban lớp 1 đấy thôi. Hôm đó chúng con làm bài thi kiểm tra cuối kỳ, gần cuối giờ thi thì có cơn dông kéo đến. Cô giáo nói bạn nào đã làm bài xong nộp bài về trước kẻo mưa. Con với cô bạn tên Tuyết chưa làm xong bài cũng vô tư kéo nhau chạy về. Đến khi trả bài, cô giáo nói con và Tuyết phải ở lại lớp vì không có bài thi. Có nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ mà một cô bé 6 tuổi như con khi đó phải hứng chịu? Mẹ thấu hiểu điều đó hơn ai hết. Nghe con kể trong tiếng nấc, mẹ chẳng mắng con câu nào, cũng cứ ôm con mà khóc. Mẹ thương cô con gái bé bỏng, mới năm đầu tới trường đã phải chịu những chuyện “oan sai”. Mẹ sau này đã thân chinh tới gặp cô chủ nhiệm của con, nói với cô về những ngây thơ, hồn nhiên con trẻ buổi đầu chập chững. Nhờ mẹ, cô giáo đã cho chúng con được làm lại bài kiểm tra.

 

Con gái mẹ đi học vừa hiền lành, vừa nhút nhát, lại bé cỏn con. Có  lần con đi bộ tới bờ mương, nghe các anh lớn trêu: “Đứa kia bé quá chúng mày ơi. Vứt nó xuống mương đi” mà hoảng sợ quá chừng. Con cứ thế nước mắt vòng quanh cuống cuồng chạy vội về nhà. Mẹ cười bảo các anh chỉ đùa thôi mà. Sau này khi đã lớn con mới tin lời mẹ nói. Hồi đó vẫn chỉ hoảng hốt và ước mong có mẹ dẫn bước tới trường.

 

Nhớ lại tuổi thơ, thấy quãng đường đến trường nhiều niềm vui nhưng cũng vô vàn nỗi sợ hãi. 24 năm đã trôi qua, con gái bé bỏng của mẹ ngày xưa giờ đã làm mẹ của một cậu nhóc 6 tuổi, cũng đang háo hức chuẩn bị cho buổi khai trường. Những ký ức xưa với mẹ ùa về cùng gió thu, náo nức vui, dâng dâng buồn, giúp con có thêm trải nghiệm trong hành trình làm mẹ. 

 

Cháu Tôm vào lớp 1, mỗi ngày đến trường đều được nắm chặt tay mẹ cha. Ánh mắt long lanh. Từng nhịp chân vui. 

 

Hải Linh