Chàng rể thách cưới

Cả năm nay bà Thành sốt ruột vì chuyện lấy vợ của cậu con trai. Cứ mở miệng hỏi thì cậu ấy chỉ cười trừ bảo: “Mẹ cứ yên trí, nhất định con sẽ cưới vợ chứ chẳng đi tu đâu mà mẹ lo. Khi nào con cưới, con sẽ báo cho mẹ biết trước một tháng...”.

Tưởng cu cậu nói đùa, vậy mà thật. Tự nhiên Thành gọi điện ra. Nó bảo bà ngồi cho vững, nếu đang đứng thì bê điện thoại ra giường, nằm xuống là tốt nhất, nếu ngồi thì phải kê gối thật chắc, nó mới nói. Rồi nó hỏi: “Mẹ đã nằm vững chưa, con nói này. Tháng tới con cưới vợ”.

 

Thằng Thành thông báo: nó đã lo tất mọi chuyện cưới xin ở Sài Gòn, hai ông bà không phải lo gì thêm... Ngày chính thức cưới nó sẽ mua vé máy bay, hai ông bà cùng các cô chú (chỉ mười người cho đủ mâm thôi) vào Sài Gòn dự lễ cưới. Thế là xong.

 

Bà bối rối đến cực độ. Chẳng biết thằng con bà lo chuyện cưới xin ra sao. Bà còn nhớ như in lần Thành mời hai ông bà vào Sài Gòn dạm ngõ hơn một năm về trước. Hải là cô bé ngoan, rất xinh và cũng rất đáng yêu. Xem ra hai đứa hợp nhau và rất yêu nhau. Chúng yêu nhau đã ba năm nhưng nhà Hải chê Thành nghèo, muốn gả Hải cho cậu Việt kiều nhà hàng xóm. Nhưng Hải yêu Thành nên nhất quyết không chịu.

 

Thế là Trời phải chịu Đất. Bố mẹ Hải đành chấp nhận chuyện cưới xin của hai đứa. Được tin, bà Thành đã tất tả đi đến mấy ông thầy tướng số để chọn ngày giờ ăn hỏi, đón dâu, vậy mà vừa đưa ra nhà gái đã sổ toẹt, họ bảo: Ngày ấy chỉ tốt cho đằng trai, họ đã chọn được ngày khác... Nhà gái còn quyết: Chú rể chưa có nhà riêng, nếu không ở rể thì phải thuê nhà ở gần nhà gái…

 

Nhà gái yêu cầu lễ ăn hỏi phải có: chín tráp, con lợn sữa ba cân, xôi gấc phải đỏ tươi, không ngọt quá mà cũng không nhạt quá, buồng cau 150 quả không thiếu, không thừa, cau không được già mà cũng không được nhỏ, phải to như quả bóng bàn và phải đều chằn chặn, không được quả to quả nhỏ (chú Thành tủm tỉm ghé tai vợ bảo: “Thế thì chỉ có cau nhựa”), lá trầu phải đều, mướt, to bằng bàn tay, bánh cốm, bánh phu thê phải mới, không lấy bánh để hai hôm, mứt sen phải đúng là mứt sen, không được lấy nhầm mứt khoai tây, chè phải đúng là chè Thái Nguyên ướp nhài hoặc sen, không phải là chè đóng gói sẵn...

 

Yêu cầu số người đi ăn hỏi - đàn ông phải bằng số đàn bà, phải có thứ bậc tương đương với nhà cô dâu... Khi đón dâu phải có 3 ôtô nhỏ, một cái cho cô dâu chú rể, một cái cho bậc ông bà, một cái cho bố mẹ cô dâu và một cái ôtô ca dành cho khách. Ôtô cô dâu phải kết hoa... Cỗ phải có đủ... Trang sức cho cô dâu phải: dây chuyền, hoa tai, kiềng, xuyến, nhẫn... Phải là... Nghe mà ù hết cả tai.

 

Ngay sau buổi dạm ngõ, bố mẹ cùng cô chú của Thành bay ngay ra Hà Nội. Hải khóc hết nước mắt khi biết gia đình nhà Thành không chấp nhận kiểu thách cưới thiếu sự thông cảm của gia đình cô. Hải xin thế nào bố mẹ cô cũng không đồng ý. Họ còn bảo: “Không lấy đám này thì lấy đám khác, việc gì phải lấy kẻ nghèo mạt hạng, bất tài phải chạy từ Hà Nội vào đây mới kiếm sống được...”.

 

Ngay sau đấy, mẹ Hải ra sức thuyết phục và tạo mọi điều kiện vun vào cho anh Việt kiều. Thành giận lắm. Anh chàng quyết gạo nấu thành cơm cho họ biết tay.

 

Khi Hải có mang, bố mẹ cô không biết tính sao, đành bảo con gái gọi Thành đến để bàn chuyện cưới xin, nhưng Thành không đến. Anh bảo với Hải:

 

- Anh sợ lắm, bố mẹ em lại thách cưới như lần trước thì nhà anh lấy đâu ra. Tiền cũng không có mà người cũng không đủ theo yêu cầu của nhà em. Thôi thì, đằng nào chúng mình cũng đã có con, cứ thế này lại chẳng hơn ư, vừa đỡ tốn kém, vừa đỡ mệt...

 

Hải tấm tức khóc hết nước mắt. Chẳng lẽ cuộc đời cô không có được ngày ăn hỏi, cưới xin đàng hoàng, không được mặc tấm áo cưới mà bao lâu nay cô từng ao ước, không được đón dâu, không được ôm hoa nhận lời chúc mừng của bạn bè, họ hàng, người thân... Nước mắt tủi thân trào ra như suối.

 

Mẹ Hải khốn khổ hơn. Lòng tự ái, tính sĩ diện như thiêu đốt lòng bà khi ngày ngày qua đi, thằng con rể trời đánh không thèm đến gặp bà để lo chuyện cưới xin. Nỗi thương con day dứt cồn cào. Bà đành bấm bụng nuốt cục hận thằng rể khốn nạn vào bụng để đến gặp nó đàm phán.

 

Thành ngọt ngào xin lỗi mẹ vợ chúng con trót dại. Bà mẹ vợ nén giận, hỏi: “Khi nào cô cậu định cưới?”. Thành gãi đầu gãi tai nói: “Khi nào con có nhà riêng mới cưới được...”. Bà mẹ vợ tím ruột. Đành chịu.

 

Bà về nhà chạy ngược chạy xuôi gom tiền để mua nhà. Bây giờ đến lượt thằng con rể thách cưới. Nó không thách nhiều, không phiền phức dài dòng như bà, chỉ đơn giản: Không ở nhà chung cư. Nhà ít nhất hai tầng, mặt bằng từ 50 mét vuông trở lên. Mọi chi phí cho đám cưới nhà gái phải lo tất. Nhà trai chỉ cần một mâm. Ăn hỏi, rước dâu, đám cưới gộp chung một ngày. Vé máy bay nhà gái lo... Thế thôi. Bà mẹ vợ ứa nước mắt vì tức.

 

Biết chuyện, bà Thành buồn lắm. Nhục lắm. Người ta sai một mà con bà sai hai. Người ta sai vì tư tưởng cổ hủ, nhưng con bà sai vì nó nhẫn tâm, độc ác. Bà thấy mình là người có lỗi. Lỗi không dạy được con. Bà biết ăn làm sao, nói làm sao với thông gia đây?

 

Bà không còn mặt mũi nào dám nhìn thẳng thông gia. Bà không dám nhìn vào đôi mắt buồn của cô con dâu ngây ngô nhẹ dạ. Rồi còn đứa cháu đang nằm trong bụng nó kia nữa... Khi nó lớn khôn, nó biết rằng: Nó là công cụ của bố nó. Nó là nỗi buồn tủi của mẹ nó. Nó là sự bất đắc dĩ của bà ngoại nó và nó là sự khổ tâm của bà nội nó - thì nó sẽ ra sao?

 

Theo T.N

Hạnh Phúc Gia Đình