Chẳng ai ưa người thừa

(Dân trí) - "... Bác Định vẫn phóng xe về suốt cho đến một dạo bác về thưa dần, thưa dần... Không khó để bá Dung và mọi người trong gia đình biết bác đang nuôi vợ bé...".

 
Chẳng ai ưa người thừa - 1


Bà Huân có bốn người con, con cả là bá Huân, tiếp theo đến bác Tiến, bác Định rồi cô Bốn là út.
 
Hôm vừa rồi nghe tin phong thanh, cô Bốn liền gọi cho chị dâu để xác nhận: “Em chỉ muốn hỏi chị là có mời mẹ cu Hưng đến đám cưới thằng Minh sắp tới không thôi?”. Vợ bác Tiến ngập ngừng mãi mới trả lời: “Cùng anh cô đến đó đưa thiếp thì chị mời luôn”. Cô Bốn đáp “vâng” rồi cúp máy. Tin tức lan ra đâm xôn xao ầm ĩ cả lên vì bác Định đang to tiếng mắng cô Bốn nhiều chuyện. Mẹ cu Hưng là vợ hai của bác Định.

 

Bá Huân bênh cô Bốn, bênh em dâu (vợ đầu của bác Định) liền xông vào nói bác Tiến một trận rằng mời con giặc ấy về ăn hại à, mắng bác Định là hay ho gì mà cho đứa vô thừa nhận về cuộc vui của gia đình. Nhà cửa huyên náo, bà Huấn cứ rơm rớm nước mắt.

 

Bá Dung vợ cũ của bác Định mím môi nuốt giận, chưa biết xử trí ra sao thì hai cậu con trai về đến nơi nói sẽ không đi đám cưới. Bà Huân chẳng cấm ai nhưng đằng nhà nội chẳng có ai đi để tỏ sự bất bình, chỉ trơ lại bác Định, vợ mới và cu Hưng đến. Mọi người cứ hỏi han và đổ dồn ánh mắt vào cô vợ mới khiến cô sượng mặt quay đi.

 

Bác Định và bá Dung bên nhau từ hai bàn tay trắng, thủa ấy họ rủ nhau lên thành phố đi mua sắt vụn, giấy bìa rồi mang bán. Chắt chiu dành dụm được lưng vốn rồi mở rộng mặt hàng kinh doanh, chuyển sang buôn sắt thép xây dựng, bác Định còn năng nổ đi làm thầu xây dựng, nhà cửa giàu có lên từng ngày.

 

Khi ô tô con ở cái xóm này còn là hàng hiếm thì bác Định đã đủng đỉnh một cái để vi vu các nơi cho tiện đường làm ăn. Sau đó bác mở thêm chi nhánh dưới quê để vợ ở lại cai quản, trông coi nhà cửa và chăm mẹ già luôn.

 

Bác Định vẫn phóng xe về suốt cho đến một dạo bác về thưa dần, thưa dần... Không khó để bá Dung và mọi người trong gia đình biết bác đang nuôi vợ bé. Cô nhân viên vào làm sổ sách cho bác đã bất chấp tất cả để nuôi ước vọng một bước lên thành bà chủ, xúi bẩy bác ruồng rẫy người vợ tần tảo ở quê nhà.

 

Bá Dung nghĩ uất, thở dài muốn ly hôn cho xong nhưng vì hai anh con trai mếu máo, chúng con sắp đi làm, rồi còn gây dựng gia đình, giờ lý lịch bố mẹ bỏ nhau thế con còn mặt mũi nào. Thêm nữa còn nhiều ràng buộc về tài sản cũng như các mối quan hệ làm ăn nên hai bác chỉ viết giấy thỏa thuận bỏ nhau mà không ra tòa, vì lẽ đó mà bác không kết hôn được với cô vợ hai, người chỉ hơn con cả của bác bốn tuổi.

 

Được mẹ chồng và các chị chồng ủng hộ nên bá Dung vẫn ở lại căn nhà cũ cùng mẹ chồng. Bà Huân đã già và khó tính nhưng bá vẫn hết lòng chăm sóc, chiều lòng.

 

Vợ chồng bác Định sống trên thành phố, thi thoảng bác mới về thăm nom, còn cô vợ mới chưa một lần được bước chân vào nhà, chào gia đình chồng. Có người mỉa mai, lấy chồng được nguyên chồng, chẳng có mẹ chồng và nhà chồng soi mói, sướng thế còn gì. Nghe vậy chút tự trọng trong lòng cô trỗi dậy, đau đớn, dù cho ngày trước cô đã gạt bỏ tất cả vì choáng ngợp trước sự giàu có của ông Định. Giờ họ đã có với nhau một đứa con trai ba tuổi, suốt ba năm ấy cô sống trong sự ghẻ lạnh của người nhà chồng cùng sự khinh rẻ của hàng xóm, do họ cũng biết chuyện và đưa tiếng xấu về tận nhà bố mẹ đẻ, khiến bố mẹ cô hết sức buồn phiền. 

 

Ở đám cưới này cô thấy lạc lõng, dù bà chị dâu không nói nhưng cô có cảm giác bà đang cầu mong cô hãy biến khỏi đây để gia đình nhà chồng được vui vẻ, xum vầy bên nhau. Cô không biết có nên đứng dậy ra về…

 

TSL