Câu chuyện ở xóm nghèo

(Dân trí) - Hồi đó láng giềng xung quanh đến khổ vì ông Viết. Ông vốn đã đau yếu liên miên, vậy mà ngày nào cũng nốc rượu, cứ rượu vào là nát tấy bậy, quát tháo ỏm tỏi rồi đóng cửa lại đánh đập vợ con.

 
Câu chuyện ở xóm nghèo - 1


Sự việc xảy ra thường xuyên quá nên láng giềng chán chẳng buồn can. Vậy là chỉ có một người “anh hùng” đứng lên chống lại, ấy là Vinh, con trai ông.

 

Vinh cũng học theo bố thói rượu chè, tửu lượng chẳng bằng ai nên 1.000đ thì chưa sao chứ chỉ 2,000đ rượu vào là “nát”, lại cũng làm nhà cửa tanh bành. Anh ta bắt đầu cãi vã, chửi bới lại ông bố, và để “công bằng”, Vinh cũng đối xử với con như ngày nào ông Viết dành cho mình. Thằng Bốp là con của vợ đầu, cô này không chịu nổi đòn roi nên ly hôn rồi bỏ đi đâu đó không ai rõ.

 

Vinh lấy ngay người vợ khác. Bốp chịu cảnh bị hắt hủi, ghét bỏ, chuyện nó bị bợp tai, đạp cho ngã lăn từ trên ghế xuống đất kể như là cơm bữa. Ngày bé, Bốp nom kháu khỉnh, hiền lành hay cười song dần dần nó trở nên lúc nào cũng lấm lét, sợ sệt và hoảng loạn. Mỗi lần đi ngang qua nhà ấy, nhìn thằng bé mười tuổi thơ thẩn một mình ngoài sân đến là tội nghiệp...

 

Rồi đến nhà bà Chúc có anh con tên Độ bị nghiện nặng, thường xuyên trộm cắp của hàng xóm lấy tiền mua thuốc, khiến xóm nghèo xôn xao, bất mãn. Sau Độ bị cưỡng chế đưa vào trại cai nghiện thì dân làng mới yên ổn phần nào.

 

Ra trại Độ dắt theo Loan, về kể lể sự tình với bố mẹ rồi sống với nhau. Loan nom khá xinh xắn, trước là gái “bán hoa” nên bị bắt rồi đưa vào trại phục hồi nhân phẩm, run rủi làm sao họ gặp gỡ, quý mến nhau và hẹn ngày nên duyên chồng vợ.

 

Cả xóm nín thở trông theo đôi vợ chồng trẻ, khi Loan sinh được đứa con gái bụ bẫm, ngỡ như mọi việc đã ổn thỏa, chỉ cần tu chí làm ăn, nuôi con và chăm cho tổ ấm vậy là hạnh phúc đủ đầy...

 

Thế mà năm năm sau, dù không làm biến đổi cả một đời người nhưng nhiều số phận đã rẽ sang hướng khác.

 

Giờ đây, ai đến xóm ấy vẫn đều nghe tiếng loẻng xoẻng từ nhà ông Viết vọng sang dù ông mất đã được hơn năm. “Tre già măng mọc”, thằng Bốp nay đã lớn, còn cao to hơn cả bố nó, và thay vì bị bố nện như “đánh kẻng” thì giờ chỉ cần bố không đưa tiền để đi chơi là nó cầm ghế thẳng tay nã cho thâm tím người. Hôm nọ bố nó đã phải vào viện bó bột, còn nó cứ nay đây mai đó... Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy là thế!

 

Còn nhà Độ Loan thì sau khi con cứng cáp, Loan xoay đủ nghề để kiếm sống, sáng bán xôi, chiều bán rau quả, bánh kẹo ngay tại nhà, cũng đủ ba bữa ăn qua ngày. Nhưng anh chồng “ngựa quen đường cũ”, từng đồng lẻ của vợ cũng “vặt” mang đi chích hút, mặc vợ con khóc lóc, dặt dẹo tối ngày.

 

Cho đến khi sức chịu đựng có hạn, sáng ấy Loan đi bán xôi sau đó thì bán luôn cả chõ và tìm đường tháo chạy, bỏ con ở lại. Sau đó vài tháng Độ bị sốc thuốc, chết thẳng cẳng. Bà chị lỡ thì của Độ liền đưa con bé về nuôi. Giờ nó đã gọi bác là mẹ.

 

Con bé xinh tươi ấy rất vô tư, hay nô đùa cùng bọn bạn dường như chưa biết đến khổ đau, mất mát là gì. Khi mẹ nó gọi về, gọt cho quả dưa chuột, nhìn cảnh nó vừa ăn vừa cười toét miệng mà ai cũng thấy thương. Hoàn cảnh của nó thật tội song cũng may nó được mẹ chăm chút, nên nom mới khỏe mạnh, bụ bẫm thế kia. Con bé rất ngoan ngoãn, lễ phép và sáng dạ nữa, chưa đến tuổi đi học nhưng đã biết cộng trừ thông thạo. Ai nấy mừng cho nó!

 

Thời gian trôi đi, từ trong nghịch cảnh mà hai đứa trẻ ngày nào đã lớn lên, có hai số phận khác nhau. Và cuộc đời đó, tốt đẹp hay khổ đau tùy thuộc rất nhiều vào môi trường, vào người đã nuôi dưỡng, giáo dục chúng!

 

Kim Thoa