Cả tin đến 2 lần

(Dân trí) - Quệt những giọt nước mắt muộn màng, ăn năn, chị nức nở một tay bế đứa con nhỏ, tay kia nắm lấy đứa lớn lôi xềnh xệch bước ra khỏi nhà. Dưới chân, thằng nhỏ níu chặt vạt áo mẹ, ngỡ ngàng trước hành động khó hiểu của mẹ nó.

Chị hơn tôi vài tuổi và học trước tôi mấy khóa. Thời cấp 2, chị từng là một cô trò nhỏ ngoan hiền, chăm học và rất cố gắng. Cô giáo chủ nhiệm tôi có  dạy lớp chị và rất hài lòng về chị. Cô thường lấy chị ra như một tấm gương về sự cần mẫn trong học tập, chỉn chu và không ngừng vươn lên trong cuộc sống để “soi” cho chúng tôi.

 

Không lấy đâu ra vẻ đẹp kiêu hãnh, sắc sảo nhưng chị đẹp một cách mặn mà, phúc hậu, cái vẻ chân chất của gái đồng quê. Vì vậy, quanh chị luôn là những “tay săn có hạng” ra sức đón đưa, chiều chuộng. Chị dường như tảng lờ hết thảy. Có người bảo chị kiêu, người cho rằng chị khôn vì mải lo học. Đám con gái thì kháo nhau: Chị “chảnh quá trời”, tụi con trai lại càng hùng hổ nêu cao quyết tâm chinh phục cho bằng được…

 

Mặc kệ, bỏ ngoài tai tất cả, phía trước chị, vẫn là màu phượng vĩ của khung trời áo trắng. Đứa nào cũng phổng cao mũi mỗi khi nhắc đến chị như một niềm kiêu hãnh của con gái trường huyện.

 

Bẵng đi mấy năm, chưa kịp phai niềm tự hào hãnh diện ấy, một lần nữa cái tên của chị lại làm “nổi đình nổi đám”, đi đến đâu người ta cũng rầm rộ kể về chị kèm theo cả “sơ yếu trích ngang” khá đầy đủ: ở xóm Hạ, con nhà Tư Mộ… và có “kỷ lục”: “Đến hai lần con, chẳng một lần chồng”.

 

Có ai ngờ, một người con gái hiền dịu, nết na được “khép chặt” trong “lồng kính” như chị lại sa ngã đến vậy.

 

Không ở đâu xa, chuyện trở thành chuyện ngay kề sát nhà chị. 

 

Thời thiếu nữ tươi xanh, chị luôn tự nhắc nhở mình: không yêu và phải học. Trớ trêu thay, không gian học của chị thường là khu vườn rộng nhà mình, có bờ ao, cây trái… nhìn về phía bên kia, quán cà phê nhạc Trịnh lâng lâng, trữ tình…

 

Sẵn tâm hồn con gái đầy lãng mạn, bay bổng, dần dần ánh mắt của chị vượt ra khỏi bên kia hàng rào và không thoát nổi một cái nhìn. Cảnh sinh tình, ngày chị càng “chăm” ra vườn đọc sách hơn và vào cái đêm không báo trước, chị đã đánh mất mình với một anh kỹ sư công trình.

 

Thấy trong người bắt đầu thay đổi, chị lo lắng, hoang mang . Rồi khi có kết quả, chị ngây người, suy sụp đành bỏ học giữa chừng lỡ thời cấp 3.

 

Người trực tiếp “chia sẻ” hậu quả với chị không phải là anh mà là Mẹ của chị. Sau những trách mắng, oán hờn nhục nhã của gia đình, chị nhận từ phía anh là những lời hứa hẹn lần hồi: “Em còn quá nhỏ, anh lại phải lo kiếm tiền, em chịu khó nuôi con, mai này sẽ tính tiếp, anh không bỏ em đâu mà sợ”.

 

Chị vẫn tin, vẫn sống lặng, vẫn héo hon chờ đợi những lời hứa không đầu không đuôi và vẫn lén lút gặp anh.

 

Lần vấp ngã đầu đời của thiếu nữ chưa làm chị “trưởng thành” lên được. Chị không thể nào quên anh và hết yêu anh - mối tình đầu trắng trong, sôi nổi của chị. Chị tìm mọi cách để bắt liên lạc với anh, trốn tránh gia đình, thậm chí giả làm người xin việc, tìm đến tận công trình của anh.

 

Cái xuân sắc nơi chị ngày càng nhuần nhị, phơi phới. Hai người lại gặp nhau, laị bắt đầu hò hẹn và nghe những lời hứa suông…

 

Người ta bảo: “Cấm một thiếu nữ đang độ xuân sắc yêu chẳng khác nào cấm một cây xanh không có lá suốt bốn mùa”. Lần đầu được yêu, chị đã yêu hết mình. Lần đầu được sống mà thoát ra khỏi cái vỏ bọc “kín cổng cao tường” trong khuôn phép quá khổ của gia đình, chị đã sống như chưa bao giờ được sống.

 

Cái ham muốn, khát khao vồ vập trỗi dậy mãnh liệt trong con tim yêu của chị. Chị lại làm cái việc dại dột thêm lần nữa! Chưa đầy hai mươi tuổi, chị đã là mẹ của hai đứa con vô thừa nhận.

 

Và lần này, cha mẹ không thể tha thứ cho đứa con gái hư hỏng. Chị ra khỏi nhà, dắt theo hai đứa con và bắt đầu những ngày rong ruổi không ngày tháng, rượt đuổi theo chữ tình!

 

Bất giác, chị sựng người, miên man nhớ đến hai câu thơ đâu đó mà một thời đám bạn chị thường nghêu ngao :

 

“Yêu em một chút cho đỡ buồn

Làm xong công trình anh chuồn về quê…”

 

Chị nghẹn ngào, nghe lòng cay đắng quá đỗi. Muộn màng!

 

Đỗ Thu Lan