“Buông” trách nhiệm làm vợ

Về đến nhà, Thêu được chồng chồng chào đón bằng cách dọn sẵn cơm trên bàn ăn. Ăn xong, Hậu - chồng Thêu nhận luôn chân rửa bát nên công việc duy nhất của Thêu là xem tivi rồi ngủ.

“Buông” trách nhiệm làm vợ  - 1


Từ khi yêu nhau, mọi người xung quanh đã nhận xét Thêu - Hậu là một cặp đũa lệch. Thêu là gái thành phố trong khi Hậu chỉ là dân “tỉnh lẻ”. Thêu là thạc sỹ trong khi Hậu vẫn “lẹt đẹt” với tấm bằng cao đẳng của một trường ít tên tuổi, kèm theo cái bằng tại chức ngoại ngữ. Bỏ qua dư luận, Thêu vẫn quyết định kết hôn với Hậu vì thương anh thật thà, chăm chỉ.

 

Thế nhưng, khi đã có với nhau một mặt con, Thêu mới phát hiện ra chồng mình thật tẻ nhạt và yếu đuối. Từ ngày vợ sinh bé, Hậu tự nguyện bỏ việc, xin ở nhà chăm con. Càng được chồng chăm sóc, thương yêu Thêu càng cảm thấy chán nản và coi thường chồng. Có hôm thấy vợ mệt mỏi, Hậu hỏi thăm vài câu đã bị Thêu tỏ vẻ khó chịu: “Chuyện chuyên môn của em, anh biết gì đâu mà hỏi han”. Cô trở nên coi thường chồng, không muốn nói chuyện với chồng. Trước đây, Thêu còn hay bàn bạc, giúp chồng tìm việc nhưng giờ cô cũng kệ. Chuyện chăm con, cơm nước của chồng trong nhà, Thêu cũng không còn mấy bận tậm, có khi cô chỉ hỏi xem thằng cu hôm nay có ăn hết bát bột không rồi lại quên ngay.

 

Cùng cảnh phó mặc hạnh phúc cho chồng, Trâm (Hải Dương) tự động thu mình trước chồng. Hiếu - chồng Trâm thuộc mẫu chồng trẻ con. Vợ ốm, Hiếu vẫn bình chân chơi game. Nhà cửa mới sửa xong, nợ nần chưa trả hết, trong khi Trâm gắng sức làm thêm thì chồng chăm chăm lo hưởng thụ, nhậu nhẹt, bù khú với bạn bè. Có tháng, Trâm còn không được nhìn thấy đồng lương nào của chồng vì chồng lỡ quá tay nên tiêu hết.

 

Lúc đầu, Trâm ra sức động viên chồng nhưng sau, thấy mọi chuyện không có biến chuyển tốt nên cô cũng kệ. Nghĩ tủi thân vì mình phải “còng lưng” lo kinh tế trong khi chồng ung dung vui chơi, Trâm quyết định không làm thêm nữa. Thời gian rảnh rỗi, Trâm không dành cho gia đình mà nghĩ cách đi chơi đâu đó cho khuây khỏa. Trâm cũng đầu tư mạnh tay hơn khi bỏ tiền mua quần áo cho bản thân và quà cáp cho nhà ngoại chứ cô không muốn biến thành “nô tỳ” phục vụ chồng. Khoản tiền nợ nhà, Trâm định sẽ cứ để đó, “nhường quyền” chồng muốn tính sao thì tính.

 

Cũng vì chán chồng

  

Theo các chuyên gia tâm lý, đa phần những người vợ trong hoàn cảnh này đều là những người vợ tốt, biết suy nghĩ và có trách nhiệm với gia đình. Họ sẵn sàng chăm chút cho gia đình, thương yêu chồng con. Tuy nhiên, người chồng lại không biết đến hoặc không đánh giá cao sự hy sinh này của vợ.

 

Khi lòng nhiệt tình vượt quá giới hạn mà không được chồng đáp trả, họ dễ nảy sinh tâm lý chán nản, cảm giác bản thân bị thiệt thòi. Qua giai đoạn đó, người vợ có xu hướng muốn giành lại thế cân bằng với chồng, không vun đắp hạnh phúc nữa mà ngồi chờ chồng phải đáp lại. Tâm lý này cũng là bình thường vì vợ chồng hay bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần sự nỗ lực của cả hai phía. Nếu một bên chỉ chuyên cho, chuyên chăm sóc bạn đời mà không được nhận lại thì bên cho đó sẽ mệt mỏi.

 

Nguyên nhân khác khiến người vợ tự nguyện “xa rời” tổ ấm là khi họ thành đạt hơn chồng. Khi ấy, dù ít dù nhiều, người vợ cũng nảy sinh tâm lý coi thường chồng. Thấy chồng chỉ thích an phận trong khi bản thân luôn có ý chí phấn đấu, người vợ dễ chán ghét và sinh ra bất mãn với chồng. Một khi vợ đã không màng tới gia đình thì nguy cơ tan vỡ hạnh phúc là rất lớn.

 

Để tránh tình trạng này, người vợ nên nhìn vào mặt tích cực của vấn đề. Mỗi anh chồng đều chứa đựng mặt mạnh và mặt yếu riêng, vai trò của vợ là biết khai thác ưu điểm và hạn chế thấp nhất những khuyết điểm của người bạn đời.

 

“Cải tạo” chồng là điều không tưởng, vợ chỉ có thể giúp chồng tiến bộ theo thời gian chứ không thể bắt chồng “ngoan” ngay lập tức. Nếu nắm được tâm lý này, người vợ sẽ biết cách “sống chung với lũ”, chứ cứ bất mãn mà muốn bỏ thì chưa chắc anh chồng sau đã hoàn hảo hơn anh chồng hiện tại.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé