Buồn bực chờ “tin vui”

Kết hôn gần 2 năm nhưng Minh (27 tuổi, nhân viên văn phòng) vẫn chưa có em bé. Hai vợ chồng Minh đã nhiều lần đi kiểm tra sức khỏe và được bác sĩ kết luận không vấn đề gì.

Buồn bực chờ “tin vui”  - 1
 
Mãi sau, Minh mới tìm ra nguyên nhân khiến cô khó thụ thai là do cãi vã liên tiếp với chồng. Hậu quả của những cuộc chiến đó là Minh bị mất ngủ triền miên, đến mức cô phải cầu viện tới thuốc ngủ.

 

Đã có một số lần Minh bị chồng đánh. Điều này không chỉ là nỗi tổn thương về thể xác mà tinh thần cũng sa sút trầm trọng. Nếu không đánh vợ, Trung - chồng Minh cũng tìm cách lăng mạ vợ bằng nhiều lời lẽ khó nghe. Ức chế với chồng nên “chuyện vợ chồng” cũng ngày một kém đi. Đó là lý do vì sao cưới nhau đã lâu, vợ chồng cùng khao khát chuyện có con nhưng Minh vẫn chưa được toại nguyện.

 

Yến (29 tuổi, nhân viên ngân hàng) chậm trễ với tin vui do cô có tiền sử sảy thai. Khoảng 6 tháng trước, phát hiện chồng “bồ bịch”, Yến sốc nặng tới mức suy sụp sức khỏe nghiêm trọng. Hậu quả là cô bị sảy thai. Sau lần đó, Yến chán nản và luôn nung nấu ý định ly hôn chồng. Tuy nhiên, khi được bố mẹ chồng dưới quê lên khuyên bảo, cơn nóng giận của Yến lại nguôi ngoai. Hơn nữa, Hưng - chồng Yến cũng có dấu hiệu ăn năn, xin lỗi vợ nên cô cũng xuôi lòng.

 

“Thế nhưng, anh ấy lại đổ vỡ trong chuyện làm ăn. Có lần, anh ấy xa nhà đến 7-8 tháng trời. Những lúc trở về, vì tâm trạng chán nản nên cả tháng trời, chồng mình cũng chẳng buồn “đụng” đến vợ” - Yến chia sẻ.

 

Yến cho biết thêm, nguyên nhân khiến chồng mình lười “chuyện đó” không phải là do anh “nem chả”. Lúc thì Hưng viện lý do lo việc làm ăn; lúc khác, Hưng lại bảo còn bận xem nốt bộ phim đang chiếu dở để thoái thác vợ.

 

Thấy chồng luôn tỏ ra mệt mỏi, Yến cũng dần lãnh cảm, xao nhãng chuyện gối chăn. Đó là lý do vì sao kết hôn trong từng ấy thời gian, cộng thêm sự giục giã của hai bên nội ngoại nhưng vợ chồng Yến vẫn chưa có “tin vui”.

 

Stress khiến phụ nữ kém khả năng thụ thai

 

Nhiều nghiên cứu chứng minh, nhóm phụ nữ lạc quan, vui vẻ sẽ có khả năng thụ thai cao hơn nhóm phụ nữ thường xuyên bị stress. Nếu bị stress ở mức độ cao, khả năng thụ thai càng giảm đi đáng kể. Nguyên nhân là vì khi lo lắng, giận dữ, tỷ lệ trứng thụ tinh và phôi ở nhóm phụ nữ này thường giảm.

 

Tình trạng căng thẳng với chồng là yếu tố đứng đầu danh sách stress khiến phụ nữ khó thụ thai. Khi trục trặc với chồng, chị em thường mang tâm trạng này vào trong đời sống tình dục. Nếu cả vợ, cả chồng xuất hiện cảm giác lo lắng khi mới bắt đầu “nhập cuộc” thì “chuyện ấy” càng diễn ra trong tình trạng tệ hơn. Tâm trạng lo âu sẽ khiến chuyện mong có con của các cặp vợ chồng đổ xuống sông xuống biển.

 

Vợ chồng căng thẳng thường kéo theo số lượng “giao ban” ít. Kết quả là khả năng thụ thai vốn kém nay lại càng mong manh hơn.

 

Muốn nhanh chóng có con, vợ chồng nên giải quyết dứt điểm chuyện xung đột. Trước tiên, người vợ nên xem xét nguyên nhân chính gây nên căng thẳng vợ chồng là gì để tìm cách ứng xử thích hợp. Nếu mâu thuẫn không được hóa giải tận gốc thì người vợ có nguy cơ stress nặng hơn.

 

Lúc này, người vợ dễ vướng phải một cái vòng luẩn quẩn: Do stress nên chậm trễ chuyện có con; nhưng cũng vì buồn chán chuyện mong con (hoặc do sảy thai) mà người vợ càng thêm stress trầm trọng. Nếu tình trạng này liên tiếp diễn ra, người vợ có thể phải đối mặt với nguy cơ suy sụp tinh thần nghiêm trọng. Khi ấy, nếu có thai thì khả năng giữ thai khỏe mạnh là rất hạn chế.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé