“Bóng” chồng, “bóng” vợ

Hôn nhân đầy khó khăn, biến cố, cần sự đồng tâm và thẳng thắn của cả hai trái tim. Thế nhưng không phải ai cũng dũng cảm khi người kia “có chuyện”. Họ thà chấp nhận làm một cái “bóng” sống lù mờ hơn là đứng dậy để đấu tranh. Làm “bóng” vì “bất tài vô dụng”.

 
“Bóng” chồng, “bóng” vợ - 1


Vợ chồng anh Tuấn, chị Hồng vốn được xem là gia đình hạnh phúc nhất nhì cái xóm nhỏ này. Nhà cửa đuề huề, anh chị đẹp đôi, con cái đủ cả “nếp, tẻ”. Nhưng từ khi anh “về hưu non”, mọi thứ bắt đầu rạn nứt. Vốn là kĩ sư điện, kiếm cũng được, nhưng “bất đắc chí” với cảnh làm nhân viên nhà nước, anh ra khỏi “ngành” và về mở một cửa hàng điện nhỏ.

 

Công việc làng nhàng nhưng kiếm ăn không khả quan mấy khiến chị vợ sốt ruột. Chị không cam chịu cảnh sống tù túng. Quen cảnh chồng làm nhà nước, kiếm được, giờ lại về đi bán buôn, chị tức lắm. Gàn mãi không được, nên chị mặc kệ.

 

Vì không muốn người ta nói ra nói vào khi cuộc sống sa sút, chị tìm cách kiếm tiền. Ban đầu là vay chỗ nọ, chỗ kia, rồi thì bắt đầu chơi thăm, chơi họ. Cuộc sống tăng lên trông thấy nhưng anh vẫn không biết gì, chỉ nghĩ vợ biết thu vén. Bạn bè thấy thế, mới rủ anh đầu tư một “dự án”, đi cải tạo đất hoang trên đồi làm đất nuôi trồng.

 

Nghe có vẻ khả quan vì có bạn bè nhiều làm trong nghề, anh mang hết vốn liếng của cái cửa hàng nhỏ đi “đầu tư”, rồi ở tịt trên đó, không về. Mọi thứ ở nhà, mình chị quán xuyến hết, anh tin tưởng nhưng cũng là phó mặc cho chị tất cả.

 

Còn chị, “cản” chồng không được, tức khí làm ăn theo kiểu của riêng mình. Hợp đồng từ bảo hiểm kiếm được ngày càng ít mà chi tiêu ngày càng nhiều, chị cứ vay, rồi lại vay. Số nợ ngày càng nhiều, anh thì chả giúp được gì, cứ mải mê với cái kế hoạch hoang tưởng ấy, nên chị chán nản. Càng chán càng quẩn, lại càng bí bách trong cách kiếm tiền.

 

Rồi chị tin vào bói toán, quen với một ông thầy cúng có tiếng, chị thường xuyên lên điện thờ thắp hương, cầu khấn. Chẳng biết ma xui, quỷ khiến hay chị “có căn có quả” gì mà lại ở nhà đó “giúp việc” luôn, chẳng chịu về. Con cái ở nhà vất vưởng, hôm nay bên ngoại sang mua cho ít đồ, hôm sau bên nội mua ít bánh. Nhưng cũng được vài ngày đầu, đâu thể cứ mãi như thế. Cuối cùng họ gọi điện cho vợ chồng anh chị về, nhưng chị thì cứ mãi bận “hết đám này đến đám kia”, còn anh, đang ở tận đâu đâu, chẳng chịu về, cứ nghĩ đã có chị, nên không quan tâm. Đến khi, mọi người trong nhà lên tận nơi kéo anh về, anh mới vỡ lẽ.

 

Nổi trận lôi đình, anh hùng hùng hổ hổ đi tìm vợ. Chị về, anh xưng xỉa định đánh cho vì tội “bỏ con bỏ cái theo trai”, nhưng chưa kịp gì đã bị chị “phản pháo”:

 

- Anh tưởng tôi sung sướng lắm sao, anh thì giỏi rồi, định biến đất thành vàng chắc. Đang yên đang lành lại giở chứng. Đồ hoang tưởng. Tôi đi theo trai đấy, nhưng làm gì, để kiếm tiền, nuôi con, và nuôi cả cái mồm anh đấy. Nếu có giỏi anh trả hết nợ nần đi, rồi kiếm tiền mà nuôi con. Tôi bỏ… Đã bất tài vô dụng lại còn định đánh tôi à?

 

Anh như chết sững. Những điều chị nói đều đúng, anh đầu tư thật, nhưng đất mãi chẳng cải tạo nổi, bao nhiêu tiền cũng hết, chị còn phải gửi lên. Nhưng anh cứ chắc mẩm chị khôn khéo xoay sở nào có biết. Bây giờ có bán nhà đi cũng không đủ trả, nói gì lấy tiền nuôi con. Mà anh thì kiếm đâu ra. Đã vô tâm, lại còn về trách vợ.

 

Anh tức, anh hận mình lắm, nhưng anh không làm được gì lúc này cả. Chờ vào tương lai thôi. Anh lầm lũi bỏ lên trên mảnh đất ấy, mặc kệ chị với bao nỗi lo toan. Anh thà làm cái bóng, làm thằng hèn “nhắm mắt, bịt tai” nghe thiên hạ chửi rủa và xỏ xiên, nhưng anh “bất tài vô dụng” không thể có cách nào cả.

 

Làm “bóng” để giữ hạnh phúc cho con

 

Khác với hoàn cảnh của anh Tuấn, chị Hà, lấy chồng từ khi còn rất trẻ. Hai vợ chồng lại bằng tuổi nhau, thành ra, khi sinh xong đứa con thứ ba, chị “già” đi trông thấy, còn anh thì vẫn trẻ và phong độ, lại có tiền, thiếu gì gái theo. Anh chê chị lôi thôi, già, lại không biết chiều chồng, vì thế, anh ra ngoài “đổi gió”. Chị Hà tức lắm, đã mấy lần chị bỏ về nhà mẹ đẻ, nhưng chỉ được một hai hôm lại lủi thúi xách quần áo về xin lỗi bố mẹ chồng, cho về ở với các cháu. Thương con, chị không dám làm liều, chấp nhận cuộc sống “bằng mặt nhưng không bằng lòng” với chồng.

 

Anh có người ở ngoài, chị mặc kệ, miễn anh đừng đụng chạm đến chị, để chị nuôi con là được. Vậy mà chị nào có yên thân. Anh cứ đi miết không về, thậm chí, cô nhân tình của anh còn nhắn tin kêu chị phải biết nghe lời chồng, không thì cô ta xúi anh về bỏ vợ. Đến lúc này chị không chịu đựng được nữa, chị thà bỏ đi, không thể chung sống thế này được. “Lành thì làm gáo, sứt làm môi”, nghĩ thế, chị đợi anh về để nói chuyện.

 

Nhưng anh vẫn giương giương tự đắc:

 

- Cô có giỏi thì bỏ đi, đi đi, đừng hòng mang đứa nào đi, nếu không muốn nhìn con nữa, thì cô cứ đi mà thỏa chí. Còn muốn làm mẹ, muốn được yên thân, thì im đi và phải chấp nhận hết. Đàn ông mà, chơi chán nó sẽ về. Khôn khéo thì biết giữ chồng, giữ lấy con, còn ngu thì bỏ. Đấy, cô chọn đi.

 

Nói xong, anh bỏ đi, chị gục đầu bên bàn mà khóc. Nhục nhã, tủi hổ, nhưng chị biết làm thế nào. Còn con cái, mới tí tuổi, chúng nào có tội gì. Nghĩ phận mình bỏ đi rồi, chị không muốn chúng nó khổ. Vậy là đành “phó mặc” cho số phận, chấp nhận làm cái “bóng” trong chính cuộc hôn nhân của mình, để giữ hạnh phúc cho con vậy.

 

Cuộc sống là vậy, có những điều những tưởng là chuyện khôi hài, và nếu là mình mình sẽ không làm như ai đó. Nhưng đó là khi ta đứng ở ngoài, còn khi là người trong cuộc, biết bao thứ ràng buộc và những nỗi khổ tâm riêng, khiến ta phải chọn lựa. Đôi khi phải sống cũng cuộc đời tủi nhục, chấp nhận “làm con rùa trong xó cửa”, nhưng tại sao lại không thẳng thắn và một lần đứng dậy để giải quyết vấn đề. Tại sao cứ vin cớ nọ cớ kia để trốn tránh. Chẳng lẽ, không thể một lần bước ra khỏi cái “bóng” ấy, để mà đối diện, và tranh đấu hay sao?

 

 Theo Chu Hằng

Eva