Bối rối như chuyện... tránh thai

Hoạt động tư vấn dân số - kế hoạch hóa gia đình vẫn chủ yếu dành cho đối tượng phụ nữ. Hơn 90% số bao cao su được cán bộ dân số cơ sở phát cho chị em, nhưng chị em có vận động được chồng dùng hay không lại là chuyện khác!

 
Bối rối như chuyện... tránh thai - 1

Hoạt động tư vấn dân số - kế hoạch hóa gia đình vẫn chủ yếu dành cho đối tượng phụ nữ.

Ông ung dung, bà đau đáu

 

Chị Lê Thị Hồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã phá thai tới lần thứ 3. Con trai mới 2 tuổi, kinh tế cũng không khá giả nên chị muốn đợi vài năm nữa mới sinh tiếp. Tuy nhiên, chị không hợp với đặt vòng, cứ đặt vào lại bị đau bụng, rong kinh đến cả tháng. Sức khỏe suy sụp, cộng với việc chồng chẳng “làm ăn” được gì nên chồng chị phản đối.

 

Chị cũng được cán bộ trạm y tế phát bao cao su miễn phí, nhưng chồng cương quyết không dùng. Chồng chị chỉ nhát gừng: “Cô đi ủng lội ruộng xem chân còn cảm giác không?”. Còn việc uống thuốc tránh thai hàng ngày, chị cũng không thạo lắm. Mỗi ngày việc đồng áng, cơm nước, lợn gà bao nhiêu việc, thuốc thì phải uống hàng ngày, uống đúng giờ, vì thế chị toàn uống “tắc bụp”.

 

Chị đã phá thai lần thứ 3, bác sĩ cảnh báo nếu không tránh thai hiệu quả thì dạ con sẽ bị bào mòn, rất dễ bị thủng, khó có con lần sau.

 

Thu Lan (Thanh Liêm, Hà Nam) có người yêu đang học đại học trên Hà Nội. Hai đứa đã trót “ăn trái cấm” nên Lan rất hoang mang. “Em sợ có thai lắm. Nhưng mỗi lần về gặp nhau đều vội vàng, lén lút, càng xấu hổ để đi mua bao cao su. Uống thuốc tránh thai hàng ngày cũng không tiện vì sợ có người phát hiện. Uống thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều thì không tốt nên em hoang mang quá. Không biết em nên dùng biện pháp tránh thai nào để vừa kín đáo, vừa không ảnh hưởng đến khả năng sinh nở sau này?” - Lan tâm sự.

 

“Sinh đẻ, trong đó có tránh thai hầu như bị định kiến là việc của phụ nữ. Và chỉ chị em phải chịu hậu quả nặng nề của việc có thai ngoài ý muốn nên ông “ung dung”, bà “đau đáu”. Nhiều chị em thấy sợ hãi khi chiều chồng vì sợ mang thai” - bà Nguyễn Thị Huệ - Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh Thái Bình cho biết.

 

Theo thống kê nhiều năm nay của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ nam giới tham gia sử dụng các biện pháp tránh thai chỉ chiếm trên dưới 10% (trong đó dưới 1% là triệt sản, còn lại sử dụng bao cao su).

 

Cần để ý đến tác dụng phụ

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức (Giám đốc Viện Sức khỏe bà mẹ và gia đình), hiện chị em khu vực nông thôn rất lúng túng khi sử dụng các biện pháp tránh thai.

 

“Các loại thuốc tránh thai có tác dụng điều chỉnh hormone của cơ thể, làm cho trứng không rụng, có khả năng tránh thai cao. Chị em phải uống thuốc đều đặn trong thời gian nhất định thì mới có hiệu quả. Vòng tránh thai làm bằng chất dẻo hoặc mạ đồng được đặt vào tử cung để ngăn không cho trứng làm tổ và cản trở sự gặp nhau của trứng và tinh trùng. Tuy nhiên, vì đặt “vật lạ” trong cơ thể nên nhiều phụ nữ bị đau bụng, rong huyết, rong kinh kéo dài” - bác sĩ Hoài Đức giải thích.

 

Hiện tại trên thị trường có nhiều thuốc tránh thai phù hợp với mong muốn của chị em như thuốc tiêm tránh thai có tác dụng trong vòng 3 tháng. Còn có một loại tránh thai khác là miếng dán, mỗi tuần thay 1 lần và dán trong 3 tuần của tháng.

 

Tuy nhiên, cả 2 loại đều có tác dụng phụ như rối loạn vòng kinh, gây tăng cân, buồn nôn, nám mặt. Đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao, đái đường, trên 35 tuổi và hút thuốc... thì không nên dùng thuốc uống hay miếng dán tránh thai.

 

Chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc sử dụng các biện pháp tránh thai sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Khi chị em muốn có thai thì chỉ cần dừng sử dụng phương pháp tránh thai trong khoảng 3 tháng thì lại có thể thụ thai.

 

Bác sĩ Hoài Đức chia sẻ: “Cho dù dùng biện pháp tránh thai hàng ngày (uống thuốc) hay lâu dài (đặt vòng) thì chị em vẫn nên đi khám phụ khoa 3-6 tháng/lần để biết về các tác dụng phụ của chúng, để kịp thời có các điều chỉnh, bảo vệ sức khỏe cho mình”.

 

Theo Dân Việt