Bởi anh tham đó bỏ đăng...

Ngần ngừ mãi rồi Bích Hạnh cũng nói được lòng mình: “Con của anh chị cũng là con của em. Chúng ta vẫn là người một nhà mà...”. Ôm chị gái thật chặt trước khi Bích Hoàn lên xe hoa, Bích Hạnh vội quay đi giấu hai hàng nước mắt trong ngày vui của chị gái...

“Anh làm gì ở đâu mà giờ này mới về? Anh không biết lo cho cái gia đình này thì cũng phải biết lo cho bản thân chứ! Đi đêm về hôm không giữ gìn sức khỏe rồi có lúc lại khổ vợ, khổ con...” - Bích Hoàn thổ ra hết những nghĩ suy dồn nén bấy lâu trong lòng.

 

Những tưởng Văn Hoãn cảm thông với vợ, ai ngờ anh ta chẳng kém: “Cô đừng trợn mắt nhìn tôi như thế! Người không biết lo cho gia đình chính là cô! Ngoài việc kiếm tiền và đếm tiền hàng ngày, cô còn quan tâm đến việc gì trong cái nhà này. Cô biến tôi và tất cả mọi người trong nhà thành người thừa. Tôi không bỏ đi làm sao được” - Hoãn bực tức đóng sầm cánh cửa sau khi vội vã bước ra khỏi ngôi nhà sang trọng nhưng đối với anh thật buồn tẻ, chán chường.

 

Hoãn không chê trách vợ về biệt tài làm kinh tế. Cả cửa hàng vàng Bích Hoàn là do một tay vợ gây dựng mà nên. Trong những năm bao cấp khó khăn, không có cái cửa hàng vàng đó thì không biết cuộc sống của gia đình Hoãn sẽ ra sao. Chỉ có điều, Hoàn say tiền như điếu đổ. Cô có thể dồn hết thời gian, sức lực, tâm huyết và đôi khi cả tình yêu cho cái cửa hàng vàng được tiếng là buôn bán phát tài, phát lộc ở khu phố nhỏ này.

 

Người ta kháo nhau cô Hoàn tiêu tiền như nước, yêu tiền hơn yêu người tình và quý vàng hơn quý chồng con. Mặc cho miệng lưỡi thế gian đàm tiếu, Hoàn vẫn tháng tháng ngày ngày lao vào các phi vụ làm ăn lớn nhỏ, quên ăn quên ngủ vì vàng, chẳng còn biết đến mặt chồng, mặt con. Hoàn phân biệt tuổi vàng nhanh hơn tuổi chồng con. Cô thông thạo thuộc tính của từng loại vàng, từng đồ trang sức bằng vàng nhanh hơn nắm bắt tính nết chồng con.

 

Giá vàng lên xuống, sụt giảm Hoàn có thông tin nhanh nhất, trong khi Hoãn hoặc một đứa con nào đó không may bị cảm mạo, ốm đau đến hàng tuần Hoàn mới hay. Có biết thì cô cũng chỉ sai bảo người giúp việc nấu cháo, mua thuốc hộ vì cô đang bận giao dịch mua bán với khách hàng. Có hôm nằm ốm co ro một mình ở nhà, vợ vẫn đang mải làm ăn, Hoãn mơ đến cháy bỏng một bát cháo trứng tía tô với hành, từ tay người thân chăm sóc.

 

Ngày xưa, cái ngày xưa ấy...

 

Có một người con gái thường quan tâm tới anh, bằng một thứ tình cảm đặc biệt chẳng ai bằng. Người con gái đó chính là Bích Hạnh, em gái ruột của Bích Hoàn. Hai nhà ở liền kề nhau nên có chuyện gì cũng biết, tối lửa tắt đèn đều có nhau.

 

Cùng sống trong cảnh sinh viên nên Hạnh hiểu Hoãn hơn ai hết. Anh cần gì, thiếu thứ gì Hạnh đều cố gắng tìm cách đáp ứng cho đủ. “Cốt để anh học hành được tốt” - Hạnh hay lấy lý do đó mỗi khi kiếm được những thứ Hoãn cần. Có lần ngại quá, Hoãn tính đem mang trả, liền bị Hạnh phản kháng ngay: “Anh không lấy thì vứt nó đi, đừng đem trả xấu mặt người đem tặng”.

 

Đến nước đó, ai nỡ vứt bỏ những thứ quý giá như vàng vào thời ấy. Hoãn len lén bỏ vào túi xách những thứ Hạnh sắm cho riêng anh. Vào những dịp nghỉ cuối tuần, Hoãn hay rủ Hạnh đi chơi xa thành phố. Khi thì ra ngoại ô lúc lại vòng lên vùng đồi núi, thác ghềnh ở các tỉnh lân cận.

 

Những chuyến xe đò vé rẻ rung lắc đến bật tung người, làm đôi tình nhân trẻ bật cười như nắc nẻ trên chặng đường xa nhung nhúc ổ gà, ổ trâu. Hai mái đầu khi va mạnh vào nhau, lúc lại đôi vai, đôi gối đung đưa vô tình xô đẩy vào nhau như chẳng muốn rời. Hoãn bảo trông hai người họ lúc này như đôi khiêu vũ trong các băng hình nước ngoài. Hạnh trầm ngâm pha trò: “Anh xem thử, có đôi khiêu vũ nào vừa nhảy vừa ăn sắn luộc và khoai lang nướng?”.

 

Chuyến xe đò tung cát bụi đi tít mù xa, đến tận nơi chân trời như muốn áp xuống cùng mặt đất. Người địa phương gọi đó là quả núi Trời và Đất gặp nhau. Tương truyền, trên quả núi đó có vị thần chuyên cai quản việc nắng mưa, gió bão. Bích Hạnh vừa tỉ mẩn đi nhặt củi về kê bếp nấu nướng, vừa kể cho Hoãn nghe sự tích quả núi thiêng.

 

Hạnh thích nhất việc nấu nướng, mà không phải nấu bằng bếp dầu hay bếp điện và sau này là bếp ga như ở thành phố. Nấu bằng bếp củi thức ăn mới ngon, đượm hương thơm đặc biệt của cỏ cây hoa lá, núi rừng. Hoãn vô cùng ngạc nhiên trước tài nấu nướng của Hạnh, một cô gái thành phố chuyên nấu bằng bếp củi, để cho ra những món ăn ngon đậm chất dân tộc truyền thống.

 

Trong các món ăn dân dã, Hoãn thích nhất bát cháo trứng gà tía tô, hành hoa. Mỗi khi anh bị cảm, Hạnh lại nấu và nâng giấc bón cho từng thìa.

 

Chép chép cái miệng khô không khốc, Hoãn nằm tiếc nuối đến tận tâm can đôi bàn tay thảo hiền của người con gái ngày xưa. Giá mà ngày xưa anh vững vàng hơn, vượt qua nghèo nàn không bị đồng tiền làm cho lóa mắt. Giá mà Hoãn giữ vững được lập trường, tư tưởng và bảo vệ được tình yêu giản dị, nghèo khó nhưng thanh khiết, thì lúc này đây anh không phải tiếc nuối, ngậm ngùi.

 

Quá khứ hiện về vây tỏa Hoãn, anh không thể chợp mắt. Bích Hoàn như một cơn lốc xoáy, bay từ nước ngoài về cùng vô số của cải đắt tiền làm Văn Hoãn ngợp thở trong phú quý, giàu sang, xa hoa, phù phiếm. Ngay lập tức Hoàn chinh phục Hoãn từ ánh mắt nhìn đầu tiên bằng vẻ ngoài hiện đại, chịu chơi, khác biệt hoàn toàn với cô em gái hương đồng gió nội, một hình ảnh tương phản rõ rệt. Bích Hoàn nổi trội trong đám đông còn đói rách, nghèo khó lúc bấy giờ.

 

Về tới nhà mới có một tuần, Hoàn đã kêu trời vì cảnh nghèo khó, cô quyết tâm phải làm giàu để kéo cả nhà ra khỏi túng thiếu. Hoàn cùng mấy người bạn bán hết số của cải đem về và hùn vốn làm ăn, mở cửa hàng vàng đầu tiên trong khu phố nhỏ.

 

Nhờ trí thông minh sắc sảo, năng khiếu kinh doanh hơn người và vẻ đẹp hiện đại, gợi cảm, nên chẳng mấy chốc tài lộc cứ thi nhau bám gót chạy vào túi Hoàn. Chỉ sau hai năm làm ăn, Bích Hoàn đã thừa vốn mở cửa hàng của riêng mình. Tiệm vàng Bích Hoàn chính thức ra đời trên con phố nhỏ từ đó.

 

Khi đã giàu có Hoàn mới thấy lẻ loi. Nhu cầu có bạn tình và sau này là một gia đình giục giã cô hành động. Oái oăm thay, người mà cô hướng tới không ai khác chính là người yêu của em gái, người thường xuyên qua lại gia đình. Văn Hoãn lọt vào tầm ngắm của người đẹp giàu có.

 

Số phận run rủi thế nào, mà Hoãn lọt ngay vào cái bẫy đã được gài sẵn của Bích Hoàn. Cô chiều chuộng, cưng nựng anh bằng những món quà đắt giá ngọt ngào. Đàn ông thường hay ưa ngọt. Hơn nữa, cái mới lạ, hiện đại nơi cô đàn ông nào chẳng ham, chẳng thích. Đi từ thế giới giản đơn, thuần chất sang một thế giới sáng choang, phức tạp bởi những công nghệ tiên tiến, thức thời dễ làm lòng người thay đổi.

 

Hoãn choáng ngợp trong cái thế giới lấp lánh, sang trọng đó. Anh gần như thay đổi hẳn bản chất trong sự giàu sang, phú quý. Hoãn dễ dàng bị chinh phục, bị đánh bại thảm hại trước sức tấn công như vũ bão của người đẹp bạc vàng.

 

Trong đêm sinh nhật Bích Hoàn tại một khách sạn sang trọng, Văn Hoãn uống quá say. Không có người yêu ở đó để ngăn cản, che chở, anh quá chén. Bích Hoàn đã khéo léo sắp xếp, để Bích Hạnh trở về nhà sớm lo công chuyện. Sau đó mọi việc đã xảy ra đúng như tính toán của Hoàn, Văn Hoãn không làm chủ được bản thân, men rượu làm anh nhầm lẫn giữa em và chị.

 

Sáng hôm sau thức dậy trong vòng tay bà chủ tiệm vàng, Hoãn mới hốt hoảng vì lỗi lầm không đáng có. Nhưng đã quá muộn.

 

Đám cưới giữa chị và người yêu của em gái diễn ra. Ngần ngừ mãi rồi Bích Hạnh cũng nói được lòng mình: “Con của anh chị cũng là con của em. Chúng ta vẫn là người một nhà mà...”. Ôm chị gái thật chặt trước khi chị lên xe hoa, Bích Hạnh quay đi giấu hai hàng nước mắt đang lã chã rơi, trong ngày vui của chị gái.

 

Chỉ sau đó một năm, Bích Hạnh nhanh chóng gật đầu kết tóc se tơ cùng một doanh nhân người ngoại quốc. Cô vội vàng theo chồng như muốn trốn chạy mảnh đất mang nhiều kỷ niệm buồn vui. Chỉ còn lại Văn Hoãn với niềm tiếc nuối chôn chặt trong lòng, cùng bà vợ luôn ham mê thú vui kiếm tiền không biết mệt.

 

Trong cơn sốt cao mê sảng, Hoãn thầm gọi tên người yêu “Bích Hạnh ơi, bao giờ trở lại ngày xưa hở em? Anh muốn rời xa nơi đây để đến với em. Chờ anh nghe Hạnh”.

 

 

Theo Nguyễn Minh Phương   

Hạnh Phúc Gia Đình