Bồ thành vợ, vợ lại thành bồ

Rõ ràng là vợ có cưới hỏi đàng hoàng nhưng vì thiếu một tờ giấy mà Hiên bỗng để mất chồng vào tay người khác.

 
Bồ thành vợ, vợ lại thành bồ - 1

Đám cưới thiếu tờ giấy kết hôn chưa thể coi là hôn nhân thực tế.
 

Do Phong, chồng cô, phải đi công tác khá lâu đến sát ngày cưới nên họ không kịp đi đăng ký kết hôn. Cưới xong, vài lần Hiên (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nhắc chồng đi đăng ký nhưng Phong cứ gạt đi: “Vợ chồng quan trọng là tình yêu, nếu không còn yêu nhau nữa thì tờ giấy đó cũng có nghĩa gì”. Nghe thế, Hiên cũng cho qua luôn.

 

Phong là một giám đốc có khá nhiều nhà đất, xe hơi xịn, còn Hiên vốn là nhân viên kế toán, được anh mê như điếu đổ. Nhưng sau 6 năm lấy nhau, lo chăm sóc hai đứa con gái, nhan sắc của cô phai dần, và thế là Phong công khai cặp bồ. Hiên tự nhủ sẽ ngậm đắng nuốt cay để giữ gia đình, nhưng mong ước khiếm tốn này của cô cũng không thành.

 

Khi cô bồ sinh một cậu con trai, Phong trắng trợn tuyên bố đón hai mẹ con cô ta về và bảo Hiên: “Cô có thể đi một mình, để con lại vì cô chắc không có khả năng nuôi được con. Còn tôi với cô ngày trước không đăng ký kết hôn nên không cần thủ tục ly dị rườm rà gì cả”. Thế là bỗng chốc Hiên thành không chồng, không con và cũng không được chia một chút tài sản nào vì đó là tài sản riêng của Phong.

 

Cũng cảnh “trắng tay” vì cưới không đăng ký nhưng chuyện của Thư (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) còn oái oăm hơn nhiều. Biết chồng có bồ và khi điều tra ra được nơi ở của cô ta, Thư hùng hổ đến đánh ghen. Nhưng chưa kịp “động thủ” thì Thư đã ngã ngửa khi tình địch đưa ra tờ giấy đăng ký kết hôn đóng dấu đỏ chót ghi tên cô ta và Bắc, chồng Thư.

 

Cô bồ tuyên bố cô ta mới là vợ chính thức của Bắc, còn Thư chỉ là vợ hờ. Bằng giọng của kẻ “trên cơ”, cô ta doạ: “Tôi còn chưa muốn kiện cô về tội lăng nhăng với chồng tôi đấy”. Thư chỉ còn nước há hốc miệng đứng chôn chân một hồi rồi cay đắng ra về. Sau đó Bắc mới thú nhận, do biết chuyện vợ chồng Thư cưới nhưng “bỏ qua” việc đăng ký nên giữa lúc Bắc đắm đuối nhất, cô ta vừa nịnh vừa ép Bắc đi đăng ký kết hôn với mình. Quá mê cô bồ, Bắc “không đỡ được”.

 

Tình trạng cưới không đăng ký cũng phổ biến ở nông thôn, nơi có quan điểm đã cưới hỏi đàng hoàng, có sự chứng kiến của hai bên họ hàng và bà con hàng xóm thì không sợ gì nữa. Tiến và Huệ (Phú Thọ) cũng nằm trong số đó. Họ vốn cũng định đi đăng ký nhưng quá nhiều việc nên cứ tặc lưỡi bỏ qua, nghĩ quan trọng nhất là đám cưới của họ đã được hàng trăm người chứng kiến.

 

Có tài buôn bán nên sau cưới, Huệ đã làm cho cửa hàng phụ tùng xe máy của chồng phát triển thành một đại lý xe máy lớn. Dần dần, Tiến giao hết việc cho Huệ. Rảnh rỗi, anh đâm ra chơi bời. Nhiều khi Tiến lấy lý do lên tỉnh tìm mối hàng nhưng thực ra là đi nhậu cả ngày với đám “chiến hữu”.

 

Rượu vào, anh cũng thay đổi tính nết, về nhà thường xuyên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Khuyên can mãi không được, chịu hết nổi, Huệ chủ động yêu cầu ly hôn. Nhưng khi hai người kéo nhau đến tòa án thì được trả lời là cuộc hôn nhân của họ chưa được luật pháp thừa nhận nên vợ chồng phải tự giải quyết với nhau.

 

Dứt tình, Huệ không được chia chút tài sản nào. Dù cửa hàng có công sức lớn của cô nhưng đó là tài sản Tiến có trước khi cưới, vẫn đứng lên anh ta nên Huệ chỉ biết ôm con quay về nhà mẹ đẻ khi tuổi xuân đã qua.

 

Đàn ông cũng mất mát

 

Khi chia tay trong khi trước đó không đăng ký kết hôn, thường thì phần thiệt luôn thuộc về phụ nữ, nhưng vẫn có những ông chồng phải ôm hận. Thành Trung, nhà ở quận Long Biên, Hà Nội, là một ví dụ. Chính anh là người ngại thủ tục nên lần lữa việc đi đăng ký kết hôn, và không bao giờ nghĩ cô vợ xuất thân tỉnh lẻ, nhan sắc bình thường lại có gan bỏ mình.

 

Khi vợ tuyên bố chia tay để lấy người yêu cũ, Trung không chỉ sốc vì bị phụ tình mà còn vì mất cả căn hộ mua trước khi cưới, bằng tiền của anh nhưng để chứng tỏ tình yêu và sự tin tưởng với vợ sắp cưới, anh để đứng tên cô. Trung để vợ đứng tên sở hữu nhà một phần vì anh ngại các thủ tục hành chính, không muốn phải đi đi lại lại để làm giấy tờ.

 

Còn ông Lâm, 52 tuổi, nhà ở Hải Phòng, cũng không ngờ vợ chồng sống với nhau hơn 10 năm, đã có hai mặt con mà còn có thể chia tay. Cô vợ kém ông 14 tuổi tuy không chiếm được ngôi nhà mang tên ông nhưng lại lấy đi toàn bộ sổ tiết kiệm, ô tô và khoản tiền lớn đầu tư vào công ty do cô điều hành, vì cô đứng tên sở hữu.

 

Theo luật sư Trần Sỹ Tiến, Giám đốc công ty luật VDT Hà Nội, những thiệt hại về kinh tế khi đôi vợ chồng không đăng ký kết hôn chia tay nhau luôn rất phổ biến. Theo Luật Hôn nhân và gia đình, nam nữ không đăng ký kết hôn thì dù chung sống với nhau như vợ chồng cũng không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Vì thế, cho dù đám cưới được diễn ra theo đúng phong tục tập quán, được sự cho phép và chứng kiến của họ hàng hai bên, nếu không có giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì vẫn không được coi là hôn nhân thực tế (có giá trị pháp lý).

 

Vì thế khi giữa hai người xảy ra mâu thuẫn, không thể sống chung nữa thì toà án cũng không có sơ sở pháp lý để tiến hành thủ tục ly dị cho họ. Tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó. Tài sản chung (tạo lập trong thời gian hai người sống chung) được chia theo thỏa thuận của các bên.

 

Nếu có tranh chấp, hai bên không tự dàn xếp được phải yêu cầu toà án giải quyết, tòa sẽ tính đến công sức đóng góp của mỗi bên, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của người phụ nữ và con. Nhưng trên thực tế, nhiều phụ nữ vẫn phải chịu thiệt vì không chứng minh được tài sản có công sức đóng góp của mình.

 

Luật sư Tiến cho rằng, bỏ qua đăng ký kết hôn cũng là biểu hiện không chấp hành luật pháp. Điều này không chỉ gây rắc rối cho người trong cuộc mà còn gây khó khăn cho công việc của những người hành pháp. “Để được luật pháp bảo vệ quyền lợi thì trước tiên mỗi công dân cần chấp hành, tuân thủ theo đúng luật”, ông Tiến nói.

 

Theo Nam Thi

Báo Đất Việt