Bao nhiêu hạnh phúc sẽ nảy mầm?

(Dân trí) - Không gian nhỏ bé quẩn quanh mười bốn phòng trọ, quẩn quanh những cặp “vợ chồng” trẻ chẳng khác nhiều so với một xã hội thu nhỏ, ở đó, những niềm vui, nỗi buồn những bi hài kịch vẫn bày ra với muôn hình vạn trạng…

“Những điều trông thấy…” 

 

Phương N, sau lần ngủ nhờ bất đắc dĩ đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện. Rằng, “ở phòng số 5- “vợ chồng” (họ gọi nhau là vợ chồng rất tự nhiên) chị P - anh T ở với nhau 2 năm rồi, hôm nọ chị P bắt gặp anh T đi chát chít hẹn hò với đứa khác trên mạng về khóc ầm ĩ, đòi bỏ nhau nhưng cuối cùng có bỏ được đâu!”.

 

Rằng, “Ở phòng số 8, “vợ chồng” anh chị ấy ra trường chẳng có việc làm suốt ngày cãi nhau, có hôm “cao lão” còn đánh “vợ”, đập phá đồ đạc kinh lắm!”. Rằng, “em gặp anh H khi cùng đi đăng ký một lớp ôn thi. Mới gặp đã thấy hợp nhau rồi. Bọn em dọn về ở cùng vừa đỡ tiền thuê nhà, vừa đỡ phải đi lại, hẹn hò nhiều”. Rằng, “Chị M ở phòng số 6 mới bị “dính chưởng” rồi chẳng biết anh chị ấy định giải quyết cái thai thế nào”…

 

Lý lẽ mà N đưa ra rất hồn nhiên và đơn giản “Bọn em thấy yêu nhau thì về ở với nhau thôi. Anh ấy hứa, ra trường bọn em sẽ cưới!”. Vẻ đầy hiểu biết và từng trải, N khẳng khái nói với tôi như kết lại vấn đề “Yêu nhau rồi khó bỏ lắm chị ạ. Chị cứ thử yêu đi sẽ biết”.

 

Tôi lại hỏi “Ngộ nhỡ có ngày bố mẹ em biết thì sao?”. N cười, giọng nhí nhảnh “Làm sao mà biết được! Có mấy khi mẹ em lên đây đâu. Hôm nay là hiếm đấy, có khi chiều trời bão cũng nên. Bố mẹ “anh nhà em” thì lại càng chẳng bao giờ lên Hà Nội. Với lại, nếu có biết thì mọi chuyện cũng đã rồi. Đằng nào học xong chúng em chả cưới, sớm muộn gì chả ở với nhau”.

 

N cũng như tất cả những chị “vợ”, anh “chồng” khác đều không cảm thấy phải chịu bất kỳ sức ép hay sự cấm đoán nào từ phía gia đình, nhà trường, xã hội. Họ có thể nghiễm nhiên sống với nhau như vợ chồng nếu họ muốn thế.

 

Tôi bỗng thấy nhói lòng khi nhớ đến mẹ N lúc lên thăm con. Bà rất yên tâm khi thấy N có lối sống khác hẳn những bạn gái trong xóm trọ (bà tin chắc con gái bà sống cùng tôi). Bà lắc đầu ngán ngẩm nhìn sang mấy phòng “vợ chồng” nói: “Đấy cháu xem, bọn nó bây giờ hư hỏng sớm thế không biết! Mới nứt mắt đã yêu đương, sống với nhau như vợ chồng. Bố mẹ thì làm hộc mặt ở quê lo gửi tiền hàng tháng, cứ tưởng con chỉn chu lo ăn lo học cho bằng bạn bằng bè. Nếu biết con lên đây thế này, bố mẹ nào chịu nổi?”.

 

“… Mà đau đớn lòng”

 

Cô “vợ” bị “dính chưởng” ở phòng số 6 không khó tiếp xúc như tôi tưởng. M sinh năm 1986 quê ở Hoà Bình, hiện đang là sinh viên năm thứ ba Cao đẳng Du lịch. M được bình chọn là hoa hậu trong xóm. Dáng cao, da trắng, mắt đen tròn. M có ngoại hình khiến bất kỳ chàng trai nào cũng phải ngoái nhìn. M trẻ hơn so với tuổi 21, tính vui vẻ, thân thiện đến mức… dễ dãi. 

 

Người “chồng” đang sống chung hiện tại là mối tình thứ ba của cô sinh viên trẻ đất Hoà Bình. “Vợ chồng” M về sống với nhau thấm thoát đã gần hai năm.

 

Khi tôi có ý nhắc đến cái thai, M cười “Được hai tháng rồi chị, chồng em bảo sẽ thu xếp cưới trong ba tháng nữa”. “Con đầu lòng hả?”. M thoáng ngập ngừng “Dạ không, em cũng bị rồi, nên lần này không dám hút nữa, sợ sau này bị sao. Người ta cũng bảo nạo hút nhiều dễ bị vô sinh”. “Sao lại để bị dính nhiều thế?” - “Dạ, em vẫn uống thuốc, chồng em vẫn dùng bao, nhưng bị lỡ mất mấy lần”. “Bị mất mấy lần?” - M cười và không trả lời.

 

Tôi hỏi chân thành “Em có sợ nạo thai không?”. M nhìn tôi lúc lâu rồi nói “Lần đầu thì em sợ… nên lần này, em rất mong sẽ cưới”. “Chồng em hứa thế nào về đám cưới?” - “Anh ấy bảo sẽ cưới. Chỉ tội chúng em còn đang đi học. Bố mẹ hai bên nhà cũng chưa biết. Nếu quyết định sinh con, em sẽ dừng học một thời gian, rồi sau sẽ học tiếp”. “Nếu gia đình người ta không đồng ý cho cưới thì em làm thế nào?” - “Chúng em đã ở với nhau rồi, nhỡ có rồi, dù gì cũng là cháu của người ta, làm sao không đồng ý được? Đã đến nước này rồi, dù không đồng ý em cũng đẻ!”, giọng M quả quyết.

 

M. kể thêm vợ của “cao lão” cũng đi nạo hai lần. Rồi như để khẳng định, M tặc lưỡi: “Đã sống với nhau thì chuyện để bị “dính chưởng” là phải chấp nhận thôi!”.

 

Bao nhiêu hạnh phúc sẽ nảy mầm?

 

Những cư dân của xóm “vợ chồng” thường còn trẻ, rất trẻ. Khi gia đình ở xa, khi cuộc sống của sinh viên nằm ngoài tầm quản lý của nhà trường và xã hội, và nhất là khi bản thân những người thích sống thử ấy không bao giờ ý thức được rằng, họ đã và đang là tác nhân không nhỏ tiếp tay cho xu hướng sống buông thả trong giới trẻ hiện thời, thì những khu xóm “vợ chồng” sẽ vẫn còn mọc lên như nấm sau mưa.

 

Không ai có thể khẳng định được, trong số những cặp “vợ chồng” sinh viên, có được mấy đôi sẽ học hành giỏi giang và thành vợ thành chồng? Cũng chưa ai dám chắc, tất cả những cặp “vợ chồng” ấy rồi sẽ “tan đàn xẻ nghé”, rồi có người sẽ ôm mối hận tình yêu đã từng “cống hiến hết mình” đến suốt đời... Chỉ có thời gian và sự nếm trải của chính những người trong cuộc mới có thể trả lời.  

 

Nhưng, có một sự thật chắc chắn rằng, con số những nữ sinh nạo phá thai dẫn đến những hậu quả khôn lường về sức khoẻ và tinh thần vẫn ngày một tăng. Và cũng chắc chắn, không ít bạn trẻ đã và đang hằng ngày tự “đốt cháy” mình trong những cuộc hôn nhân “đốt cháy giai đoạn” ở các khu xóm “vợ chồng”! 

 

Bài và ảnh Hào Hoa

 

Phần 1: Ở một xóm “vợ chồng”

Dòng sự kiện: Sống thử